Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)Thủ đô Hà Nội - Hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tình

LTS: Hà Nội không chỉ là trái tim của cả nước, mà còn là điểm tựa vững chắc góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30-4-1975. Với loạt bài 'Thủ đô Hà Nội - Hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tình' cùng nhiều tư liệu quý, tái hiện sinh động hình ảnh Thủ đô kiên cường trong bom đạn, bền bỉ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, Báo Hànôịmới trân trọng mời bạn đọc cùng nhìn lại một giai đoạn hào hùng, tự hào và xúc động của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tiễn đưa thanh niên của khu Đống Đa (thành phố Hà Nội) lên đường nhập ngũ, tháng 8-1964. Ảnh: TTXVN

Tiễn đưa thanh niên của khu Đống Đa (thành phố Hà Nội) lên đường nhập ngũ, tháng 8-1964. Ảnh: TTXVN

Bài 1: Tất cả vì tiền tuyến

Cách đây 50 năm, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó, sự đóng góp về vật chất của Hà Nội đối với ngày toàn thắng của dân tộc mang ý nghĩa quan trọng.

Những đóng góp to lớn về vật chất

Kể từ khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đặt sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam trước những thử thách nghặt nghèo nhất, ngay từ đầu năm 1969, hưởng ứng đợt vận chuyển quy mô lớn chi viện miền Nam (Chiến dịch VT5) của cả nước, Hà Nội đã xây dựng hơn 400 kho hàng hóa, huy động hàng chục nghìn dân quân, tự vệ cùng nhân dân bốc xếp, bảo quản hàng hóa, cùng hàng trăm ô tô tham gia chiến dịch này. Cùng với lực lượng chính thuộc Bộ Giao thông vận tải, hơn 100 xe vận tải của Hà Nội từng đợt chuyển hàng vào Quân khu 4. Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với các ngành huy động mọi lực lượng dân sự và quân sự vào việc sửa chữa, khôi phục cầu đường, bến bãi, đáp ứng yêu cầu vận chuyển ngày càng cao, đặc biệt trên tuyến đường sắt, đường bộ vào Nam.

Thời gian này, cầu Long Biên, cầu Đuống đã sửa xong, những đoàn tàu hỏa, đoàn xe tải chất đầy vũ khí, trang bị quân sự, hàng hóa xuất phát từ Hà Nội, ngày đêm tấp nập tiến vào Nam phục vụ cho bộ đội ở tiền tuyến. “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” không chỉ là khẩu hiệu động viên thông thường, mà đã thực sự trở thành hành động của mỗi người ở hậu phương. Đội ngũ công nhân Hà Nội luôn nêu cao tinh thần “Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”.

Các nhà máy cơ khí Lương Yên, Mai Động, xí nghiệp đóng xe ca, dệt 8-3 tổ chức sản xuất mũ sắt, vỏ lựu đạn, cuốc, xẻng, dao găm, khăn mặt, mũ tai bèo cho bộ đội giải phóng. Các nhà máy đều có phong trào tình nguyện tăng ca, tăng kíp, tăng sản phẩm kịp cung cấp hàng cho chiến trường. Công nhân Xí nghiệp Đoạn đầu máy Hà Nội liên tục lập thành tích vận chuyển hàng hóa, bảo đảm giao thông vào tuyến lửa. Nhân dân Hà Nội, cán bộ, công nhân Xí nghiệp Dược phẩm II thi đua sản xuất thuốc gửi ra tiền tuyến và gửi tặng đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Với tinh thần hạt gạo chia ba, một phần cho mình, còn hai phần cho chủ nghĩa xã hội và cho tiền tuyến, nông dân Hà Nội đã hăng hái thi đua lao động sản xuất với tinh thần “đồng ruộng là chiến trường”, cùng tư thế “tay cày, tay súng”. Tiêu biểu cho sự đóng góp đó là chị em phụ nữ nông dân Hà Nội, khi chồng đi chiến trường, phụ nữ ở nhà đảm nhiệm sản xuất, kiên trì cày cấy, dũng cảm quyết tâm chiến thắng địch ngay trên mặt trận sản xuất. Hạt gạo gửi đến chiến trường là hạt gạo đảm đang của những người phụ nữ, hạt gạo thấm sâu nghĩa tình, thấm mồ hôi xương máu của chị em ở hậu phương.

Dồn toàn lực để chi viện cho tiền tuyến

Từ đầu năm 1973, trước yêu cầu lớn và căng thẳng về giao thông vận tải phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân thành phố, ngành Vận tải Thủ đô đã cử 3 công ty vận tải (Công ty Vận tải thương nghiệp, Công ty Vận tải xây dựng và Công ty Vận tải hàng hóa) nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa chi viện cho Quảng Trị. Ngành Vận tải Thủ đô còn gửi tặng đồng bào Quảng Trị chiếc tàu thủy chở khách - sản phẩm mới của ngành công nghiệp giao thông Thủ đô.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ sáu tháng 4-1974 đã xác định rõ nhiệm vụ của Thủ đô: “Thường xuyên đề cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đối phó với mọi tình hình diễn biến, ra sức xây dựng lực lượng quân sự địa phương, góp phần củng cố quốc phòng. Làm tốt nghĩa vụ đối với miền Nam ruột thịt, góp phần hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam”[1].

Cùng với miền Bắc, Hà Nội đã tập trung cao độ làm hết sức mình chi viện cho tiền tuyến. Hầu hết các ngành kinh tế, văn hóa - xã hội của Thủ đô đều tham gia đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chi viện chiến trường.

Giai đoạn 1965-1973, năng lực sản xuất ở một số ngành công nghiệp vẫn được giữ vững, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất cho chiến đấu, sản xuất và đời sống. Trong ảnh: Công nhân trong Nhà máy Dệt 8-3 đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. Ảnh: TTXVN

Giai đoạn 1965-1973, năng lực sản xuất ở một số ngành công nghiệp vẫn được giữ vững, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất cho chiến đấu, sản xuất và đời sống. Trong ảnh: Công nhân trong Nhà máy Dệt 8-3 đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. Ảnh: TTXVN

Nhiều nhà máy xí nghiệp của Trung ương và địa phương vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất nhiều phụ tùng thay thế cho các phương tiện vận tải. Việc củng cố hệ thống giao thông Thủ đô để tăng cường lực lượng chuyển tải qua trạm trung chuyển, đưa thêm nhiều hàng hóa, trang bị vào chiến trường có ý nghĩa rất to lớn. Hệ thống các nhà máy xí nghiệp, hợp tác xã sản xuất quân trang cho bộ đội vẫn bảo đảm đầy đủ và kịp thời các kế hoạch cung cấp. Trong hoàn cảnh vừa duy trì sản xuất ở nơi sơ tán, vừa từng bước chuyển về thành phố, các chỉ tiêu được giao cao, thời hạn khẩn trương, kế hoạch vẫn được hoàn thành đúng thời hạn. Năm 1974, yêu cầu về huy động nhân lực cho xây dựng và khôi phục kinh tế của thành phố rất cao, song chỉ tiêu tuyển quân của Thủ đô vẫn đạt 101,4%[2].

Là người sống trong thời khắc quan trọng đó, Đại tá Nguyễn Huy Phương, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội nhớ lại: Năm 1967, hưởng ứng phong trào vì miền Nam ruột thịt nên mặc dù đang là sinh viên của Trường Trung học Thủy lợi của tỉnh Hà Tây (cũ) nhưng tôi đã từ giã quê hương Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín), “gác bút nghiên lên đường chiến đấu”. Ông được đào tạo bài bản và trở thành chiến sĩ đặc công thuộc Đoàn Đặc công 429 tham gia chiến đấu trên chiến trường Đông Nam Bộ. Ngày đấy, ông lên đường với niềm tin góp sức mình để đánh đuổi giặc Mỹ, không chút đắn đo, cân nhắc.

Do yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng lớn, nên từ năm 1965 đến năm 1975, tỉnh Hà Tây (cũ) đã tiễn 173.972 thanh niên tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam và nước bạn Lào. 50 năm đã trôi qua nhưng khi nhắc lại những ngày tháng “gian lao mà anh dũng đó” cựu chiến binh Đồng Thị Mai, nguyên chiến sĩ của Tiểu đoàn Trưng Trắc từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Mặt trận Trường Sơn thuộc Đoàn 559 vẫn chưa quên lá đơn tình nguyện nhập ngũ được viết bằng máu chích nơi đầu ngón tay với lời lẽ tha thiết “cho tôi được ra chiến trường cầm súng chiến đấu” mà bà gửi Huyện đội Phú Xuyên vào mùa Xuân năm 1971. Suốt 5 năm (1971-1975), Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc với hơn 500 cô gái đã kiên cường bám trụ trên hai mái Đông - Tây Trường Sơn, đối đầu với mưa bom bão đạn, chất độc da cam do Mỹ rải xuống, góp phần giữ vững và làm nên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại…

Những tháng đầu năm 1975, cùng với khí thế của đồng bào, chiến sĩ miền Nam bắt đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Hà Nội đã khẩn trương với một tinh thần cách mạng và niềm phấn khởi chưa từng thấy. Toàn thành phố dấy lên phong trào thi đua nước rút mừng miền Nam thắng lớn đẩy mạnh sản xuất và công tác. Tất cả vì miền Nam tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, sau chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên, phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch quý I-1975 của các nhà máy, xí nghiệp có thêm động lực mới. Nhà máy Dưỡng khí Yên Viên tăng sản lượng hằng ngày từ 10% đến 12%; Nhà máy Phân lân Văn Điển hoàn thành hơn 30% kế hoạch, tăng 11,7% định mức; Nhà máy Xà phòng sản xuất hơn 20% so với quý I-1974, riêng xà phòng thơm tăng 60%, đã nhận sản xuất thêm 500 tấn xà phòng và 50 vạn ống thuốc đánh răng “vì miền Nam”; Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, quý I-1975 tăng 40% sản phẩm so với năm 1974; Nhà máy Dệt Cự Doanh tăng gấp đôi mặt hàng xuân thu, tăng gấp 3 lần mặt hàng áo may ô người lớn so với quý I-1974. Tính chung có 29 xí nghiệp công nghiệp địa phương hoàn thành kế hoạch quý I-1975, tăng 18% so với năm 1974[3].

Những tấn hàng từ Hà Nội, đặc biệt là hàng dân sự đến tận tay từng người dân vùng giải phóng càng tỏ rõ tình nghĩa sâu nặng của nhân dân miền Bắc đối với đồng bào miền Nam, động viên nhân dân miền Nam nỗ lực hơn nữa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Nhờ có vật chất, hậu cần dồi dào từ miền Bắc, đặc biệt là từ Hà Nội thân yêu đã giúp bộ đội ta chiến đấu giành nhiều thắng lợi, lần lượt giải phóng các tỉnh Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, tiến về Sài Gòn, lập nên chiến công vang dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

(Còn nữa)

[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1954-1975), Nxb Hà Nội, 1995, tr.278.

[2] Bộ Tư lệnh Thủ đô, Lịch sử lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội (1945 - 2010), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, tr.251.

[3] Phan Hữu Tích, Thủ đô Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 2/1995.

Thượng tá, Tiến sĩ Vũ Thành Trung - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-thu-do-ha-noi-hau-phuong-lon-tron-nghia-ven-tinh-699377.html