Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đoàn 4: Kế thừa truyền thống Binh đoàn Cửu Long anh hùng

Sáng nay 19-7, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đoàn (20-7-1974 - 20-7-2024) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Thiếu tướng Lê Văn Hướng, Tư lệnh Quân đoàn 4 (bìa phải), kiểm tra các hoạt động tại Sư đoàn 309, đóng tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: N.Hà

Thiếu tướng Lê Văn Hướng, Tư lệnh Quân đoàn 4 (bìa phải), kiểm tra các hoạt động tại Sư đoàn 309, đóng tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: N.Hà

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 4, thiếu tướng Trương Ngọc Hợi cho biết, 50 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Quân đoàn 4 luôn kế thừa và phát huy tốt truyền thống Binh đoàn Cửu Long anh hùng, đoàn kết vượt khó, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Xứng danh “quả đấm thép”

Vào thời điểm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) được thành lập tại Căn cứ Suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu (nay là xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) vào ngày 20-7-1974.

Ra đời trên chiến trường “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, chỉ 5 tháng sau, Quân đoàn 4 đã mở đầu thắng lợi bằng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long từ ngày 6-12-1974 đến ngày 6-1-1975. Chiến thắng Phước Long làm đồng bào cả nước nức lòng. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận xét: “Chiến thắng Phước Long đã mở ra tiền đề cho cách mạng miền Nam, thần tốc tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc…”.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân đoàn 4 đảm nhiệm hướng Đông Bắc Sài Gòn. Các đơn vị thuộc quân đoàn gồm: Sư đoàn 7, Sư đoàn 341 cùng các đơn vị binh chủng tiến công giải phóng Bình Long, Chơn Thành, La Ngà, Định Quán, Phương Lâm… Đặc biệt, bằng cách đánh sáng tạo, Quân đoàn 4 cùng các lực lượng vũ trang Quân khu 7 mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc (ngày 21-4-1975), tiến về giải phóng Yếu khu Trảng Bom (ngày 27-4-1975) - mở đầu thắng lợi của 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Trên hướng Tây Nam, Sư đoàn 9 là lực lượng chủ yếu trong đội hình Đoàn 232 đánh chiếm khu vực Bến Lức, Long An và địa bàn các quận: 8, 10, 5 tiến vào đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, bắt sống tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt khu. Trưa 30-4-1975, đội hình Quân đoàn 4 có mặt tại Sài Gòn hội ngộ cùng các đơn vị bạn trong ngày vui giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi cho hay, đất nước được thống nhất chưa lâu, CBCS Quân đoàn 4 tiếp tục hành quân chiến đấu bảo vệ biên giới từ Tây Ninh đến Kiên Giang và giúp nước bạn Campuchia giải phóng…

Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, đại tá TRẦN CÔNG ĐỨC cho biết, những chiến công của Quân đoàn 4 trong nửa thế kỷ qua gắn liền với công lao, sự đóng góp to lớn của quân và dân Nam Bộ; sự cống hiến của lớp lớp CBCS và nhân dân. Trong đó, hơn 44 ngàn CBCS của Quân đoàn 4 đã anh dũng chiến đấu hy sinh thân mình, hàng chục ngàn thương binh đã để lại một phần xương thịt cho Tổ quốc, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long anh hùng.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Theo thiếu tướng Lê Văn Hướng, Tư lệnh Quân đoàn 4, nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ CBCS Quân đoàn 4 luôn kế thừa và phát huy truyền thống, tiếp tục tô thắm và làm sáng đẹp hơn truyền thống: “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”.

Quân đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng 4 Huân chương Hồ Chí Minh, 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng co - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Campuchia; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì (trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19).

Trong đội hình Quân đoàn 4, có 83 tập thể, 51 cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Sư đoàn 341 (nay thuộc đội hình Quân khu 4), Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309), Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) được 2 lần tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 4 (bìa trái), cùng các đại biểu tham quan mô hình trưng bày tại Đại hội Thi đua quyết thắng Sư đoàn 309.

Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 4 (bìa trái), cùng các đại biểu tham quan mô hình trưng bày tại Đại hội Thi đua quyết thắng Sư đoàn 309.

Hàng ngàn tập thể, cá nhân thuộc Quân đoàn 4 được tặng thưởng huân, huy chương các loại cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Quân đoàn 4 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Thiếu tướng Lê Văn Hướng cho biết, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, trong mọi hoàn cảnh, mỗi CBCS Quân đoàn 4 luôn phát huy truyền thống anh hùng cùng những thành tích đạt được trong 50 năm qua; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, chủ động, kịp thời phát hiện và xử trí thắng lợi với mọi tình huống xảy ra.

Trong đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xây dựng Đảng bộ Quân đoàn 4 trong sạch, vững mạnh tiêu biểu gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; xác định là “đòn bẩy”, là khâu “then chốt”, bảo đảm cho Quân đoàn 4 vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Thường xuyên coi trọng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đoàn 4; xứng đáng là quân đoàn chủ lực, cơ động chiến lược của bộ trên địa bàn trọng điểm phía Nam của Tổ quốc.

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202407/ky-niem-50-nam-ngay-thanh-lap-quan-doan-4-ke-thua-truyen-thong-binh-doan-cuu-long-anh-hung-3205972/