Kỷ niệm 55 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ 16-3 (1968- 2023): Ký ức đau thương...

Đại tá CCB Võ Cao Lợi, nguyên cán bộ Ban tổng kết công tác Đảng, công tác Chính trị Quân khu 5, được nhiều người nhớ đến là nhân chứng vụ Sơn Mỹ - Mỹ Lai (Quảng Ngãi) nhưng không phải ai cũng biết ông là con út của một gia đình có nhiều cống hiến cho cách mạng.

Đại tá Võ Cao Lợi (ngoài cùng bên phải) và nhà báo Mỹ Seymour M. Hersh.

Đại tá Võ Cao Lợi (ngoài cùng bên phải) và nhà báo Mỹ Seymour M. Hersh.

Đại tá Võ Cao Lợi khoe tấm ảnh mà ông giữ như báu vật. Đó là ảnh chụp năm 1968 khi là cậu bé 16 tuổi. Ông nói giọng trầm buồn: “Đây là năm khủng khiếp nhất cuộc đời tôi. Chỉ trong mấy tháng, hai anh trai lần lượt hy sinh, mẹ và chị dâu cùng con trai của chị mới sinh đều bị sát hại bởi quân Mỹ tàn ác trong trận Sơn Mỹ. Tôi nghĩ mình không gượng dậy được…”

Khi cậu bé Lợi hai tuổi, cha đi tập kết. Mẹ, đảng viên hoạt động tích cực trong Hội Phụ nữ của xã Tịnh Khê (Sơn Mỹ), có đàn con đông nên không đi cùng chồng mà ở lại hoạt động. Ngoài hai chị gái đi bộ đội bình yên trở về sau ngày giải phóng, hai người anh trai của ông Lợi đều hy sinh trong một năm. Khi cha đi tập kết, anh Võ Cao Mạnh (Võ Mạnh Khiết) mới 14 tuổi. Đáng lý anh cũng được đi tập kết theo tiêu chuẩn con em cán bộ chủ chốt, nhưng mẹ không cho đi. Bà nói với chồng: “Hai năm có lâu la gì đâu, ông đi một mình cho rảnh chân tay, ra đó hai năm rồi về. Để nó ở nhà với tui…”. Vào Sài Gòn học ở nhà người chú, sau khi thi đậu Tú tài, anh về thăm quê và quyết ở lại, làm Hiệu trưởng Trường cấp II khu đông Sơn Tịnh. Đầu năm 1968, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, anh được điều qua làm Đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền huyện. Ngày 10- 3-1968 trên đường đi công tác, anh bị địch phục kích và hy sinh, trước khi xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ sáu ngày.

Anh trai kế của ông Lợi là Võ Cao Thắng, mùa hè năm 1967, vừa học xong lớp 7, lén gia đình đi theo bộ đội vào đơn vị 506B - Đại đội đặc công thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân - Xuân 1968, anh bị thương nặng, được chuyển lên căn cứ điều trị. Nhưng vì thiếu thuốc men, anh hy sinh ngày 27- 6-1968, khi chưa đầy 18 tuổi.

Ảnh chân dung Võ Cao Lợi lúc bé

Ảnh chân dung Võ Cao Lợi lúc bé

Đã qua 55 năm, ông Võ Cao Lợi vẫn nhớ như in cái ngày khủng khiếp 16-3-1968. Trực thăng Mỹ liên tục quần lượn trên đầu báo hiệu cuộc vây ráp khốc liệt. Đang tuổi thiếu niên có thể sống hợp pháp nhưng nghe lời khuyên của mẹ, cậu lánh qua rặng dừa nước đề phòng địch đi càn quét. Nghe tiếng súng, tiếng lựu đạn, mìn chát chúa từ ngôi làng của mình, cậu bé đã nghĩ đến điều xấu nhất. Trở về khi lính Mỹ rút, Lợi vội đi tìm má và hai mẹ con chị dâu. Cả hai miệng hầm đều đánh sập. Đang loay hoay tìm cách chui xuống, cậu bé chợt nhìn thấy một bàn chân người, bầm tím thòi ra dưới tấm tranh, cạnh miệng hầm phía bên biển. Cậu liền dỡ tấm tranh lên…Trời ơi!...Má ! Bầu trời như đổ sập xuống đầu. Niềm hy vọng cuối cùng cũng tan biến khi chị dâu và đứa cháu (con của anh Võ Cao Mạnh) cũng bị Mỹ sát hại cùng với hơn 500 dân thường buổi sáng hôm ấy.

Sau vụ thảm sát, cậu bé Võ Cao Lợi được các chú đưa lên núi thoát ly, trở thành cán bộ Cục Chính trị Quân khu 5. Ông kể duyên nợ khi đi sâu cầm viết về Sơn Mỹ: “Nhân dịp tưởng niệm 30 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (16-3-1968 – 16-3-1998), các anh ở Tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam từ Hà Nội vào làm việc với Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường Quân khu 5. Tôi được phân công dẫn đoàn đi tìm hiểu về Mỹ Lai - Sơn Mỹ. Mấy ngày đi cùng nhau, nhưng không ai biết tôi là nhân chứng vụ thảm sát Mỹ Lai - Sơn Mỹ, nên khi biết “lai lịch” của tôi mọi người đều ồ lên, ngạc nhiên như vớ “được vàng”. Các anh động viên tôi viết bài. Sau đó tác phẩm “Vụ thảm sát Sơn Mỹ - Ba mươi năm sau nhớ lại” đã được đăng trên tạp chí Lịch sử Quân sự, số 1-1998”. Đây là bài báo đầu tiên ông viết về vụ thảm sát Mỹ Lai - Sơn Mỹ. Đặc thù nghề nghiệp giúp ông nhiều kiến thức và đi sâu vào đề tài chiến tranh. Ông có nhiều mối quan hệ quốc tế, tiếp xúc nhiều nhà báo, cựu binh Mỹ muốn tìm hiểu vụ thảm sát năm xưa. Từ đó, ông có nhiều bài báo khai thác về mảnh đất quê hương.

Đặc biệt, với nhà báo Mỹ Seymour M. Hersh, người đã thực hiện loạt bài phóng sự điều tra và viết cuốn sách My Lai 4 (đoạt giải báo chí danh giá Pulitzer năm 1970) thì người mà ông muốn gặp sau khi trở lại Sơn Mỹ năm 2014 chính là Đại tá Võ Cao Lợi. Thật ra cơ duyên để nhà báo nổi tiếng này gặp Đại tá Võ Cao Lợi chính là từ những bài báo lịch sử mà ông Lợi gửi cho các tạp chí khi còn đương chức và cả sau này về hưu. Trở về Mỹ, nhà báo Seymour M. Hersh đã có bài “Lá thư từ Việt Nam” miêu tả chuyến đi thăm lại Sơn Mỹ trên tạp chí New Yorker.

Đại tá Võ Cao Lợi (bên phải) với giáo sư Daniel.

Đại tá Võ Cao Lợi (bên phải) với giáo sư Daniel.

Nếu chỉ có 3 tiếng đồng hồ với nhà báo Seymour M. Hersh thì với giáo sư Daniel, dạy khoa điện ảnh Trường Đại học San Francisco, Mỹ và đoàn làm phim thì ông Lợi có đến hai ngày làm việc miệt mài trước tết năm 2017. Giáo sư Daniel muốn có một bộ phim về các cựu binh ở các nước trên thế giới và Đại tá Võ Cao Lợi là một trong 4 nhân vật của giáo sư ở Đà Nẵng...

Đại tá Võ Cao Lợi đã phối hợp với nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra tác phẩm “Ký ức làng Hồng”. Cuốn sách dày hơn 500 trang mô tả đầy đủ nhất về quê hương và vụ thảm sát Sơn Mỹ mà ông Lợi đã ấp ủ hàng chục năm. Là người trong cuộc - nhân chứng của vụ thảm sát, ông nắm rõ ngọn ngành của câu chuyện, lại có điều kiện tiếp xúc với một số người Mỹ có thiện chí, gồm các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà báo, nhà làm phim, học sinh, sinh viên…, khi họ trở lại Mỹ Lai - Sơn Mỹ, nên tác phẩm là tư liệu quý cho những ai quan tâm đến vụ thảm sát rúng động hơn nửa thế kỷ trước.

Từ giã thành phố Đà Nẵng nơi các con đang sống, gần đây, vợ chồng ông Lợi chọn về quê Tịnh Khê (thành phố Quảng Ngãi) cư trú. Ông muốn gần gũi, thuận lợi hương khói cho gia tiên và các liệt sĩ, đồng thời có điều kiện gặp gỡ những người con quê hương, giúp được gì cho địa phương thì luôn sẵn lòng. Ở tuổi 70, cuộc sống của con trai Bà mẹ VNAH vẫn luôn sôi động và đầy ý nghĩa.

Hồng Vân

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ky-niem-55-nam-ngay-xay-ra-vu-tham-sat-son-my-16-3-1968-2023-ky-uc-dau-thuong-post274660.html