Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai
Sáng 12/12, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (8/12/1961- 8/12/2021) và khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghệ An là quê hương đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa kiệt xuất. Tuy vậy, dù rất nặng lòng thương nhớ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ về thăm quê được hai lần sau hơn 50 năm xa cách. Những hình ảnh, kỷ niệm, tình cảm của Người mãi in sâu đậm trong lòng nhân dân xứ Nghệ.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương tham dự lễ.
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Cả cuộc đời, Người đã “hy sinh tình nhà để lo việc nước”. Người “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Trong tình thương yêu bao la đó, Người luôn dành tình cảm sâu nặng, sự quan tâm chu đáo, ân cần cho quê nhà Nghệ An, cho làng quê Kim Liên, Nam Đàn và làng Hoàng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha.
Bác Hồ về thăm quê. Ảnh: Tư liệu
Trở về nước vào mùa xuân năm 1941 và trực tiếp lãnh đạo cách mạng tháng Tám thành công, giành lại độc lập tự do cho dân, cho nước sau bao đêm trường nô lệ, Người vẫn chưa thể về thăm quê được. Mãi đến tháng 6/1957, sau hơn 2 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “nên thiên sử vàng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới về thăm quê hương.
Rồi mãi 4 năm sau, tháng 12/1961, nhân dân quê nhà mới lại được đón Bác về thăm. Chỉ 3 ngày ít ỏi nhưng hết sức quý giá, Người đã dành trọn thời gian tới thăm, nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh nhà tại Thành phố Vinh; thăm Nhà máy cơ khí Vinh; Trường Sư phạm miền núi Nghệ An; Nông trường Đông Hiếu; hợp tác xã Vĩnh Thành…
Thăm lại làng Hoàng Trù, Người bình dị, gần gũi ngồi nói chuyện trước thềm nhà cùng bà con quê mẹ. Trong dòng người vui mừng đón Bác, Người vẫn nhận ra và không quên nhắc lại kỉ niệm với những người bạn thuở thiếu thời. Mỗi nơi đến thăm, Người đều dành cho cán bộ, nhân dân, bà con bao tình cảm ân cần, lời dặn dò cụ thể, thiết thực. Không ai có thể nghĩ rằng, đó cũng là lần cuối cùng Người về với quê hương, lần cuối cùng quê hương được đón Bác.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng Nghệ An, cũng là vùng đất địa linh, nhân kiệt, sinh ra nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng của dân tộc, là nơi chôn nhau, cắt rốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, về thăm quê lần thứ 2, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, đảng viên cần khuyến khích nhân dân góp phần xây dựng Đảng, góp ý kiến về việc chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, để mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân ngày càng thêm mật thiết.
"Nghệ An được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng để phát triển trở thành trung tâm kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung bộ (Nghị quyết số 26). Đồng thời, mới đây, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 36 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt và trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đối với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Nghệ An tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương để đưa các Nghị quyết trên vào cuộc sống vì sự phát triển của Nghệ An - quê hương của Bác Hồ kính yêu. Cùng với việc phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, thấm nhuần sâu sắc quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Đảng ta, cần quan tâm phát huy truyền thống, thế mạnh của văn hóa và con người xứ Nghệ.
Đặc biệt, chú trọng bảo vệ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó có Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là những “địa chỉ đỏ” nhằm giữ gìn, phát huy những di sản Hồ Chí Minh trên chính quê hương của Người để giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nhất là các thế hệ con cháu hiện nay và mai sau.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo, nguyên Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ 2 (1961-2021) và khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tiếp sau lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình khởi công xây dựng từ tháng 10/2020, được xây dựng trên nền đất cũ có diện tích hơn 275m2. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm bằng gỗ giáng hương gồm 2 tầng, 8 mái, 5 gian, hai chái, mái lợp ngói hoa sen.
Đây là công trình văn hóa tâm linh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, xứng tầm là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Công trình được xây dựng mới và đưa vào sử dụng nhằm đồng bộ về kiến trúc cảnh quan với tổng thể Khu di tích Kim Liên và càng có ý nghĩa hơn khi khánh thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm Người về thăm quê lần thứ 2.