Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh - Bài 2: Vững vàng trong giai đoạn đổi mới
Kế thừa những thành tựu quan trọng đạt được, Quảng Ninh bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đặc biệt khó khăn. Song với sự nỗ lực quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng kinh tế cao.
Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh - Bài 1: Khát vọng vươn lên từ những ngày đầu thành lập
Vững vàng trong giai đoạn (2010 - 2016)
Bám sát mục tiêu thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng và động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững những năm tiếp theo, bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng: Công tác tổ chức lập quy hoạch được đổi mới căn bản cả về nhận thức và cách làm theo hướng coi trọng chất lượng, các cấp, các ngành cùng tham gia thực hiện, khắc phục tình trạng khoán trắng.
Chủ động nắm bắt thời cơ, Quảng Ninh xây dựng và đề xuất mô hình phát triển mới cho vùng động lực và các cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực và tiền đề phát triển lâu dài. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Tỉnh đã làm việc với một số nhà đầu tư chiến lược triển khai nhiều dự án quan trọng, cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện và hấp dẫn hơn, niềm tin của các nhà đầu tư tăng lên. Các dự án, công trình quan trọng, nhất là các công trình giao thông huyết mạch được tập trung nguồn lực triển khai. Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông nửa nhiệm kỳ đạt 4.633 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn và tăng 128% so với cả nhiệm kỳ trước (2006-2010).
Phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, tỉnh tập trung khuyến khích và huy động cả xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới. Mặc dù kinh tế khó khăn, song công tác đảm bảo an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm, tổng chi cho an sinh xã hội nửa nhiệm kỳ qua đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 640% so với giai đoạn 2006-2008. Bình quân giải quyết 2,69 vạn lao động/năm và góp phần giảm 1,72% tỷ lệ hộ nghèo/năm.
Việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất có nhiều tiến bộ; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính và triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn với các trung tâm hành chính công được quan tâm tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hoạt động xúc tiến đầu tư đạt kết quả nổi bật...
Những kết quả đạt được nêu trên đã tạo thêm thế và lực mới thúc đẩy Quảng Ninh phát triển. Trong tình hình chung đặc biệt khó khăn, song với sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân vùng Mỏ, Quảng Ninh khẳng định những nguồn lực dồi dào đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn tới. Hơn nửa thế kỉ được thành lập, quân và dân Quảng Ninh đã chứng minh là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, là lực lượng xung kích thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Dấu ấn một nhiệm kỳ (2016-2021)
UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ qua tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn, bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa phương thức phát triển. Trong đó, lãnh đạo tỉnh đã tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược; tái cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; bám sát, quản lý và triển khai thực hiện nghiêm túc 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh; kiên trì định hướng không gian phát triển của tỉnh: “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều” với 2 mũi đột phá là khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái; lấy khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây.
Những định hướng, tầm nhìn đó đã tạo ra những đột phá lớn, đảm bảo kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định qua từng năm. Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, đạt 10,8%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 220.298 tỷ đồng, tăng gấp 1,93 lần so với năm 2015. Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 49,2% (năm 2015) lên 51,8% (năm 2020). Thu ngân sách nhà nước 5 năm (2015-2020) đạt trên 212.200 tỷ đồng, tăng 29% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó thu nội địa đạt trên 155.000 tỷ đồng, tăng 88% so với giai đoạn 2011-2015, thu xuất nhập khẩu đạt trên 57.200 tỷ đồng, vượt trên 43% so với chỉ tiêu Trung ương giao.
Trong lĩnh vực công nghiệp, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo ra hướng phát triển bền vững hơn, giảm dần sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng, tăng dần sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu như năm 2015, tỷ trọng đóng góp của ngành khai khoáng trong GRDP của tỉnh là 21,3% thì đến năm 2020 giảm xuống còn 19,2%, phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân giai đoạn 2015-2020 là 17%/năm, cao hơn 7% so với giai đoạn 2011-2015, chiếm 9,6% trong cơ cấu kinh tế, với điểm nhấn là các khu công nghiệp có các nhà đầu tư lớn (Tập đoàn TCL, Foxconn, Thành Công, Texhong…), có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị âm thanh, sản xuất sợi, dệt kim và trang phục. Với những kết quả rất đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ 2016-2021, tạo đà để Quảng Ninh tiếp tục phát triển bứt phá, bền vững trong thời gian tới.
(Còn tiếp)