Kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019): Hà Nội trong dòng chảy thời gian

Sáng ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa rực rỡ, trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân. Kể từ đó, Hà Nội là trái tim thiêng liêng của Tổ quốc, Thành phố Vì hòa bình. Đảng, Nhà nước ta đã 3 lần tặng thưởng cho Thủ đô Hà Nội Huân chương Sao Vàng vào các năm 1994, 2004, 2010 và danh hiệu Thành phố Anh hùng vào năm 2000. Năm 1999, UNESCO vinh danh Hà Nội là 'Thành phố vì hòa bình'.

Đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu.

Đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu.

1. 8 giờ ngày 10/10/1954: Cánh quân phía Tây, xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa) tiến vào trung tâm thành phố. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ Đô, các anh đi qua đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… Đến 9 giờ 45 phút thì vào Thành cổ Hà Nội bằng Cửa Đông.

8 giờ 45 phút: Cánh quân phía Nam, thuộc 2 Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ “Việt Nam học xá” (khu vực Đại học Bách khoa bây giờ), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi trở lại, theo hai hướng đông và tây của phố Trần Hưng Đạo, vào đóng quân ở các khu vực Đồn Thủy (Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và Đấu Xảo (Cung văn hóa Hữu Nghị).

9 giờ 30 phút: Đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy tiếp quản Hà Nội. 15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Sau 9 năm, lá cờ đỏ sao vàng chính thức được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội.

Những giờ khắc hào hùng ấy đã trở thành ký ức không bao giờ quên đối với Hà Nội, đối với cả nước.

2. Tới nay, không biết bao nhiêu tác phẩm với tất cả các loại hình nghệ thuật dành để ca ngợi Thủ đô Hà Nội. Nhưng người ta không bao giờ quên những giai điệu bất hủ về ngày giải phóng Thủ đô.

Trong số những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội, không thể không nói tới “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao và “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Hai khúc tráng ca tuyệt đẹp này có thời điểm ra đời khác nhau, nhưng cùng chung niềm tự hào về Thủ đô linh thiêng và hào hoa. Cả hai ca khúc đặc biệt ấy có một điểm chung là đều được viết trước ngày giải phóng Thủ đô (ngày 10/10/1954), như một dự cảm về ngày chiến thắng.

“Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1949, tức là 5 năm trước khi Hà Nội giải phóng. Bài hát với khí thế hào hùng, phấn chấn, như tiếng reo vui của lòng người. Mở đầu bài hát là hình ảnh thật hào hùng: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”.

Cầu Nhật Tân- công trình mới hiện đại của Hà Nội hôm nay.

Cầu Nhật Tân- công trình mới hiện đại của Hà Nội hôm nay.

Sinh thời, nhạc sĩ văn Cao cho biết về xuất xứ bài hát như sau: Trong bước đường kháng chiến, ông từng được các đồng chí lãnh đạo gửi gắm: “Nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé”. Từ đó, nhạc sĩ Văn Cao nung nấu viết một ca khúc cho Hà Nội. Trong vòng hai tuần, ông đã hoàn thành ca khúc “Tiến về Hà Nội”. Bài hát ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh khói lửa mùa xuân năm 1949. Và 5 năm sau, ngày 10/10/1954, khi đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô, giai điệu “Tiến về Hà Nội” vang lên vừa trữ tình lãng mạn lại vừa hào hùng, hiên ngang. “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh/…Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/ Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về/ Hà Nội bừng tiến quân ca”.

Còn với ca khúc “Người Hà Nội”, trong những trang ghi chép để lại, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi cho biết, ông viết vào đầu năm 1947, dịp gần Tết Nguyên đán. Khi đó Hà Nội đang chiến đấu rất quyết liệt. “Tôi rời Hà Nội ra ngoại thành vào đúng đêm 19/12/1946, tức là đêm ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội. Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và một cảnh tượng rất hùng tráng hiện ra, sau này đã xuất hiện trong bài hát: “Hà Nội cháy, khói lửa ngợp trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung. Sông Hồng réo”- nhạc sĩ kể lại. Thời gian trôi qua, nhưng cho tới nay bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi vẫn là một bản nhạc hào hùng và bi tráng như một bức tranh toàn cảnh về một Hà Nội để yêu, để nhớ ngày toàn quốc kháng chiến. Không ai không xao xuyến khi cất lên tiếng hát: “Hà Nội đẹp sao. Những cửa đầu ô/ Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm/ Sống vui phố hè. Bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào/ Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ/ Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai/ Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu/ Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi”...

3. Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Hà Nội (tháng 10/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Thực hiện lời dạy của Người, 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã ra sức xây dựng Thủ đô ngày một khang trang, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trung tâm, trái tim của cả nước. Những khu đô thị mới mọc lên ngày một nhiều làm cho bộ mặt Thủ đô thêm hiện đại. Đường xá được mở rộng hơn, trường học nhiều hơn, bệnh viện nhiều hơn… bộ mặt Thủ đô thay đổi từng ngày.

Hôm nay, Hà Nội đã hiện đại hơn nhưng vẫn còn đó và mãi mãi còn đó những gì là “linh hồn của thành phố ngàn năm tuổi”. Đó là những di vật của nhiều tầng văn hóa ở Kinh thành Thăng Long; Văn Miếu-Quốc Tử Giám; những khu phố cũ với những căn nhà hình ống và một không gian văn hóa thật đặc biệt… và những cành đào duyên dáng nở hoa khi mỗi độ trời đất sang Xuân…

Phan Quang Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/ky-niem-65-nam-ngay-giai-phong-thu-do-10101954-10102019-ha-noi-trong-dong-chay-thoi-gian-tintuc450032