Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Thêm trân quý giá trị hòa bình
'Ngày nay, có thể có một bộ phận các bạn trẻ chưa hiểu hết về những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông trong các cuộc chiến tranh giữ nước.
“Ngày nay, có thể có một bộ phận các bạn trẻ chưa hiểu hết về những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông trong các cuộc chiến tranh giữ nước. Tuy nhiên, bằng những bài học so sánh giá trị của hòa bình với những vất vả, đau thương, mất mát trong chiến tranh, tôi tin các em sẽ không bao giờ lãng quên lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trân quý giá trị hòa bình”, TS Bùi Thị Như Ngọc - Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.
Mảnh đất hào hùng
“Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…”, cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mượn lời bài ca hùng tráng gửi tới các em học sinh trong giờ chào cờ thứ Hai, tuần đầu tiên của tháng 10/2023.
“Cuộc kháng chiến ở Hà Nội năm ấy tiêu biểu cho tinh thần cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Còn ngày nay, Thủ đô đang không ngừng vươn lên mạnh mẽ để xứng đáng là trái tim của cả nước. Song những giờ phút hào hùng và rưng rưng niềm vui ấy sẽ mãi là những hình ảnh, dấu ấn hạnh phúc đầy tự hào của thế hệ hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau…”, cô Nguyễn Thị Huyền bày tỏ.
Cô Huyền chia sẻ tới các em học trò của nhà trường, phải không ngừng học tập và rèn luyện để làm khoa học, công nghệ, làm chủ kiến thức và để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Sinh ra tại Nam Định, nhưng từ nhỏ TS Bùi Thị Như Ngọc (Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã theo bố mẹ lên Hà Nội sinh sống. Những ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 để lại trong nhà giáo này nhiều niềm vui, dấu ấn đáng nhớ.
“Nhớ hồi nhỏ, chuẩn bị đến ngày 10/10, phố phường treo băng rôn, khẩu hiệu chào mừng, loa phát thanh tuyên truyền về Ngày Giải phóng Thủ đô, ai cũng háo hức, mong ngóng. Dịp này, tôi thường được bố mẹ đưa đi chơi bờ Hồ, đến các bảo tàng để tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc cũng như sự kiện lịch sử 10/10.
Gia đình tôi cũng thường làm mâm cơm để sum vầy bên nhau, chung vui không khí kỷ niệm giải phóng Thủ đô. Đây là những dấu ấn đẹp, rất đỗi thanh bình của thời thơ ấu và thanh xuân, là hành trang tạo cho tôi nền tảng kiến thức vững chắc để thêm hiểu, yêu và trân trọng mốc sự kiện lịch sử của Thủ đô.
Ngày 10/10 là ngày hội không chỉ của người dân Hà Nội mà còn là của người dân cả nước, đặc biệt những người gắn với Thủ đô từ bé như tôi. Và tôi tự nhủ mình phải sống, phấn đấu làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh, mất mát mà các thế hệ cha anh chúng ta đã phải trả giá bằng xương máu để chúng ta có được hòa bình, được sống trong tự do, độc lập như ngày hôm nay”, cô Ngọc tâm sự.
Với cương vị giáo viên, đồng thời là công dân Thủ đô, cô Ngọc luôn coi việc lan tỏa và truyền bá tình yêu Hà Nội nói riêng, tình yêu đất nước nói chung đến các thế hệ học trò không đơn thuần là trách nhiệm, còn là nghĩa vụ và quyền lợi thiêng liêng của người giáo viên.
“Ngày nay, có thể có một bộ phận các bạn trẻ chưa hiểu hết về những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông trong các cuộc chiến tranh giữ nước của cha ông ta. Tuy nhiên, bằng những bài học so sánh giá trị của hòa bình với những vất vả, đau thương, mất mát trong chiến tranh, tôi tin sinh viên sẽ không bao giờ lãng quên lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trân quý giá trị hòa bình.
Hà Nội - Thủ đô của các nước luôn có vị trí quan trọng trong các bài giảng của tôi. Để học trò thực sự yêu Hà Nội, tôi dùng chính cảm xúc chân thật, mộc mạc của mình để chia sẻ, làn tỏa với các em. Tôi không cứng nhắc mà sử dụng linh hoạt phương pháp giáo dục như kết hợp giảng dạy trực tiếp với việc cho sinh viên nhập vai, nhập cuộc hoặc gặp gỡ, tìm hiểu nhân vật, sự kiện lịch sử. Từ đó, các em nhớ rõ kiến thức và nhận thức rõ, trân trọng giá trị hòa bình. Dịp 10/10 cận kề, nếu có điều kiện, tôi đều lồng ghép giá trị của Ngày Giải phóng Thủ đô cho sinh viên”, cô Ngọc bày tỏ.
Ký ức ngập tràn cờ hoa
Với Đại tá Vũ Tang Bồng - nguyên chuyên viên cao cấp Viện Lịch sử quân sự Việt Nam thì Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 có ý nghĩa rất đặc biệt.
“Chiến thắng tại Hà Nội tạo tâm lý phấn khởi cho nhân dân cả nước tiếp tục hoàn thành sự nghiệp cách mạng còn dang dở, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến tới giải phóng miền Nam. Bài học lịch sử từ sự kiện này sẽ mãi mãi còn giá trị.
Dù chiến tranh hay thời bình, lãnh đạo chỉ huy các cấp phải luôn quan tâm lực lượng vũ trang, tổ chức các hoạt động kháng chiến ở cơ sở, nhất là các vùng nội thành. Đây là bài học kinh nghiệm vô giá được trả bằng bài học máu xương của các chiến sĩ cho sự nghiệp giải phóng Thủ đô…”, Đại tá Vũ Tang Bồng chia sẻ.
Gắn bó với Hà Nội hơn nửa thế kỷ, ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 luôn khắc sâu trong tâm khảm của Đại tá Vũ Tang Bồng. Đó là hình ảnh Hà Nội nhộn nhịp, ngập trong rừng cờ, hoa. Hàng vạn người dân tràn ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về....
Không chỉ là nhà nghiên cứu lịch sử, Đại tá Vũ Tang Bồng cũng là giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong quá trình giảng dạy, ông thường lan tỏa tình yêu Hà Nội qua các câu chuyện lịch sử. Từ đó, sinh viên hiểu thêm phần nào về giá trị của hòa bình. Điều mà các thế hệ ông cha đã phải hy sinh xương máu để đạt được.
Gom nhặt những mảnh ghép về Hà Nội
Mỗi người có một cách thổ lộ tình yêu với Hà Nội, với nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng thì ông chọn cách riêng, lưu giữ những khoảng khắc thú vị, đời thường của Hà Nội bằng chiếc máy ảnh cá nhân. Gắn bó với nhiếp ảnh từ thuở hoa niên, Nguyễn Quang Phùng dành tình cảm đặc biệt với Thủ đô.
Hàng thế kỷ qua, hình ảnh ông lão với mái tóc và chòm râu bạc trắng, khuôn mặt đôn hậu luôn nheo mắt trước ống kính để bắt trọn từng khoảnh khắc vui tươi của người dân Thủ đô không còn lạ lẫm. Độc hành khắp các con phố của Hà Nội, ông Phùng cùng chiếc máy ảnh con con cóp nhặt từng mảnh ghép về Hà Nội.
Với ông Phùng, các album như “Bờ hồ đèn/trạm điện”, “Chùa Một Cột”, “Hà Nội chuyển mùa” chính là “gia tài” vô cùng ý nghĩa, là tư liệu sống động, “trang sử bằng ảnh” về sự chuyển mình, phát triển của Hà Nội từ cảnh quan, kiến trúc đến lối sống hàng ngày…
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nghệ sĩ nhiếp ảnh này vẫn nhớ như in những ngày tháng 10 lịch sử tại Thủ đô 69 năm về trước. Dịp 10/10 này, ông lại xúc động kể lại bức ảnh đặc biệt về nhóm trẻ chơi trò bịt mắt bắt dê bên hồ Gươm vào Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.
“Bức ảnh chụp gần Tháp Rùa. Các em học sinh thoải mái chơi đùa trong yên bình, tươi đẹp. Trong bức ảnh bảy đứa trẻ đang leo trên cành phượng, nhưng có đến ba em mất bố. Ba người bố ấy là những chiến sĩ đã ngã xuống trước Ngày Giải phóng Thủ đô.
Ánh mắt ngây ngô của các em nhỏ khiến tôi nhớ mãi. Khi ấy, tôi mong người xem thấy được Thủ đô hòa bình sau chiến tranh chống Pháp. Ngày nay, Hà Nội trở thành thành phố vì hòa bình, điều mà mỗi chúng ta đều mong muốn…” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng bộc bạch.
Hơn nửa thế kỷ ghi lại những khoảnh khắc của Hà Nội trong ngày 10/10, bao buồn vui đã theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng trong những hành trình rong ruổi trên mỗi con phố, mỗi ngóc ngách của Hà thành.
Có những lúc tưởng chừng bệnh tật đã quật ngã ông, nhưng ý chí và nghị lực lại giúp ông vượt qua tất cả. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, trải qua bao thăng trầm, Quang Phùng tự ví mình như “Chiếc lá cuối thu” - một bức ảnh ông chụp như một lời tỏ bày tâm sự của riêng mình.
“Chiếc lá cuối thu vẫn thắm sắc đỏ, như nhiệt huyết, như sức sống căng tràn”, ông nói trong ánh cười lấp lánh. Đặc biệt, với những đóng góp của mình, ông được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 cũng như một phần lưu giữ hình ảnh Thủ đô anh hùng.