Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới năm 1950 và giải phóng Cao Bằng

Ngày 1-10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới năm 1950 và giải phóng Cao Bằng (3/10/1950-3/10/2020). Dự và phát biểu tại buổi lễ có đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Khánh Linh

Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Khánh Linh

Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động.

Theo diễn văn tại Lễ kỷ niệm do đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng trình bày, bước vào năm 1950, phong trào cách mạng thế giới có những chuyển biến quan trọng, thuận lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, nên tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Mục đích của chiến dịch là: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng phần biên giới phía Đông Bắc, khai thông đường giao thông với các nước XHCN; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc; tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính; tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi. Tháng 7-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Biên giới, do đồng chí Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch.

Ngày 12-8-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị cho các cấp ủy đảng. Trong Thư gửi các chiến sĩ ngoài mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đây là trận quyết chiến tiêu diệt địch với quyết tâm “Chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”. Cao Bằng được chọn là chiến trường chính của chiến dịch, đồng thời cũng là hậu phương tại chỗ cung cấp sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình, Đảng bộ tỉnh đã khẩn trương bắt tay vào công việc chuẩn bị cho tổng phản công. Ban huy động dân công cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập. Với khẩu hiệu “tất cả cho chiến dịch toàn thắng”, Tỉnh ủy Cao Bằng đã huy động một lực lượng lớn sức người, sức của tham gia chiến dịch. Đầu tháng 9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra trận đã gây xúc động mạnh mẽ, cổ vũ động viên cán bộ, chiến sỹ nô nức thi đua “giết giặc lập công”, phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của chiến dịch.

Đúng 6 giờ sáng ngày 16-9-1950, quân ta nổ súng đánh Đông Khê mở màn chiến dịch. Sau 54 giờ chiến đấu gay go, ác liệt, đến ngày 18-9-1950, ta hoàn toàn làm chủ mặt trận Đông Khê, đẩy địch vào tình thế nguy khốn: Thất Khê bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập, thế phòng thủ trên đường số 4 lung lay. Tại mặt trận thị xã Cao Bằng, ta quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt 2 binh đoàn của địch. Sáng 3-10-1950, quân Pháp buộc phải ra lệnh rút quân khỏi thị xã. 9 giờ sáng ngày 3-10-1950, đại đội bộ đội địa phương huyện Hòa An và lực lượng Công an xung phong vào chiếm giữ ngay đầu cầu Sông Hiến. Thị xã Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng. Sáng 4-10-1950, bộ đội ta tiếp quản thị xã.

Sau 29 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã phá vỡ hoàn toàn hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4. Chiến dịch Biên giới toàn thắng. Ta đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn); khai thông 750 km đường biên giới Việt - Trung; giải phóng 40 vạn dân và khoảng 4.000km2, trong đó có 5 thị xã.

Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra sự chuyển biến căn bản đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới, nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính; căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, vòng vây chủ nghĩa đế quốc đối với nước ta bị chọc thủng, ta đã khai thông được cửa ngõ với Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN anh em trên thế giới, củng cố lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng trao tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Cao Bằng” cho các cá nhân tiêu biểu của lực lượng vũ trang. Ảnh: Khánh Linh

Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng trao tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Cao Bằng” cho các cá nhân tiêu biểu của lực lượng vũ trang. Ảnh: Khánh Linh

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao những đóng góp quan trọng của tỉnh Cao Bằng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 70 năm qua. Đồng chí Phùng Quốc Hiển đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử trong Chiến thắng Biên giới 1950, giải phóng Cao Bằng, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cội nguồn cách mạng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và của tỉnh Cao Bằng nói riêng; sớm đưa tỉnh Cao Bằng trở thành tỉnh phát triển trong các tỉnh miền núi phía Bắc, trước mắt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Khánh Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-bien-gioi-nam-1950-va-giai-phong-cao-bang-post433609.html