Kỷ niệm 75 năm bài thơ chúc tết của Bác Hồ
Từ năm 1941, sau khi trở về nước lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ đã để lại cho Nhân dân, cho con cháu của dân tộc Việt Nam một di sản quý báu gồm 22 bài thơ chúc tết.
Bài thơ đăng ở báo Quốc gia là bài thơ chúc tết đầu tiên của Bác khi nước nhà được độc lập. Báo Quốc gia ra đời năm 1938 ở Hà Nội có xu hướng tiến bộ, ủng hộ đường lối đấu tranh giành độc lập của Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, xét thấy tờ báo có ảnh hưởng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần vào chủ trương đại đoàn kết dân tộc nên chính quyền cách mạng vẫn cho phát hành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc tại căn cứ Việt Bắc. Ảnh: TL
Tổng Biên tập báo này thiết tha xin Chủ tịch Hồ Chí Minh một bài thơ mừng xuân độc lập đầu tiên của dân tộc. Dù bận rộn việc lớn nhưng Bác vẫn nhận lời. Vào một ngày cuối năm Ất Dậu, chiến sĩ cảnh vệ của Bác mang phong thư đến trụ sở báo Quốc gia ở số nhà 67 Cửa Nam gửi cho tòa soạn.
Tổng Biên tập ngạc nhiên thấy bài thơ Bác viết trên mặt sau của một tờ lịch. Mừng vì Bác đã giữ lời hứa làm thơ xuân cho báo, đồng thời, hết sức khâm phục ý thức tiết kiệm của vị nguyên thủ quốc gia, nêu tấm gương khi kêu gọi cả nước tiết kiệm để kháng chiến, kiến quốc.
Bác Hồ đọc báo ở chiến khu. Ảnh: Tư liệu
Thế là trên trang nhất báo Quốc gia số xuân Tết Bính Tuất 1946 vinh dự có bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tặng báo Quốc gia
Tết này mới thực tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Muôn nhà vui đón xuân dân chủ
Cả nước vui chung phúc cộng hòa
Ta chúc ta rồi ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa.
Xuân năm đó, báo Quốc gia phát hành thêm hàng vạn số nhưng đã nhanh chóng bán hết. Toàn bộ số tiền bán số báo đặc biệt này tòa soạn đã ủng hộ quỹ kháng chiến. Trong niềm vui hân hoan nước nhà được độc lập, Nhân dân Hà Nội cũng như đồng bào cả nước đón xuân được đọc thơ Bác Hồ trên báo như là điều trong mơ. Bởi hàng trăm năm nay giờ mới có được khái niệm dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, điều không ai nghĩ tới đã thành hiện thực, lại được diễn tả bằng những vần thơ của Bác Hồ.
Bài thơ mộc mạc như ta đang mừng vui nói với nhau điều giản dị, nhưng toát lên những ý lớn chứa đựng đường lối chiến lược của cách mạng, thành quả của chính quyền non trẻ. Bác viết “Tết này mới thực tết dân ta”, đó là sự kết tụ của một quá trình, trải qua bao nhiêu năm đấu tranh, bao nhiêu đau thương, mất mát nhưng kiên cường, bất khuất của cả dân tộc vùng lên phá tan gồng xích áp bức của thực dân phong kiến mới có được.
Bác Hồ luôn dành tình yêu thương đối với thiếu nhi. Ảnh tư liệu.
Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đem đến cho quần chúng lao khổ có được cái tết đích thực “tết dân ta”. Lời thơ toát ra tự lòng mình, Bác reo lên: “Tết này mới thực tết dân ta”. “Dân ta”, hai từ sao mà thân thương, mà tự hào thế, đó không chỉ câu chuyện nằm ở trong thơ, mà là lý tưởng chiến đấu, là mục tiêu cách mạng của Người.
Khi ở tuổi hai mươi, chàng trai Nguyễn Tất Thành đã có ý chí “phải cứu lấy nước ta, cứu lấy dân ta” và Người đã bôn ba khắp thế giới để tìm ra con đường đó. Người dành cả cuộc đời của mình để chiến đấu cho mục tiêu cao cả - “bao nhiêu lợi ích cũng của Nhân dân”. Muốn có điều đó thì nước nhà phải được độc lập: “Độc lập đầy vơi ba cốc rượu”. Niềm vui của người dân một nước độc lập thật sảng khoái, thật hồn nhiên.
Hồ Chí Minh thường nói: Độc lập rồi mà dân không được ấm no, không được sống tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì. Cho nên độc lập, tự do là ước nguyện của Người, cũng là niềm vui, niềm hân hoan của cả dân tộc như một rừng hoa. Bài thơ ngắn gọn viết cho một tờ báo mà chứa đựng cả đường lối và mục tiêu cách mạng. Đó là độc lập, tự do, hạnh phúc với một xã hội dân chủ, cộng hòa.
“Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Muôn nhà vui đón xuân dân chủ
Cả nước vui chung phúc cộng hòa”.
Vui thì thật là vui, nhưng đất nước đang lâm vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược, phải chiến đấu để giữ gìn, để bảo vệ nền độc lập, nên Bác nhắc phải nhớ đến “chiến sĩ ở phương xa”. Hàm ý là hậu phương phải nhớ đến tiền phương, đồng thời cũng là lời kêu gọi mọi người dân đều là chiến sĩ đứng lên bảo vệ Tổ quốc.
Bài thơ Xuân đầu tiên Bác Hồ viết khi nước nhà được độc lập chứa đựng niềm vui và khát vọng của Bác, của dân tộc, đồng thời nhắn gửi mọi người vui tết rồi nhưng phải nhớ đến “chiến sĩ ở phương xa”, tức là nhớ đến nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập và tự do của dân tộc. Điều đó đi theo suốt cuộc đời của Bác.
Khi đánh thắng thực dân Pháp, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; khi giặc Mỹ đổ quân vào xâm lược miền Nam, Người kêu gọi: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trong Di chúc Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”…
Bác Hồ đọc thư chúc mừng năm mới ngày 6/2/1969 tại phòng khách nhỏ ở Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu
Từ bài thơ chúc tết đầu tiên khi nước nhà được độc lập, những năm sau cứ đến tết là Bác có thơ chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước. Bài thơ chúc tết cuối cùng vào Xuân Kỷ Dậu 1969, Bác viết: “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Ước nguyện của Bác, con đường cách mạng của Bác đã và đang được toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện trong suốt quá trình đấu tranh giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, hướng tới tương lai “đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng XHCN”.
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/ky-niem-75-nam-bai-tho-chuc-tet-cua-bac-ho/206782.htm