Xuất hiện trong phong trào Cách mạng năm 1940 ở Nam Kỳ, cờ đỏ sao vàng năm cánh gắn liền với lịch sử đấu tranh giành, giữ vững nền độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới, phát triển của Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh 2/9, hãy cùng PNVN nhìn lại hình ảnh lá cờ Tổ quốc gắn liền với những thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước.
Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) - Ảnh tư liệu
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong cuộc mít-tinh diễn ra tại quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), ngày 19/8/1945 - Ảnh tư liệu
Chỉ kim tuyến được phụ nữ Hà Nội dùng để thêu cờ đỏ sao vàng, chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
Trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), có hai người phụ nữ vinh dự được tham gia kéo cờ. Đó là bà Lê Thi (sinh năm 1926 tại Hà Nội), bà trở thành chiến sĩ Việt Minh năm 1945, đồng thời hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ Cứu quốc và bà Đàm Thị Loan (sinh năm 1926 tại Cao Bằng), vợ cố Đại tướng Hoàng Văn Thái. Lúc sinh thời, bà Lê Thi có kể lại: Sáng 2/9/1945, bà dậy từ sớm cùng chị em phụ nữ trên phố Hàng Bông tới quảng trường Ba Đình, đi trong Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, vừa đi vừa hô khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm!". Khoảng 13h30 ngày 2/9/1945, hàng vạn đồng bào đã sẵn sàng chờ đến giờ phút Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Thời khắc thiêng liêng trong tiếng Quốc ca vang lên, bà Lê Thi và bà Đàm Thị Loan từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên. Lá cờ tung bay trước gió thu, bà ứa nước mắt xúc động xen lẫn tự hào. Trong ảnh, bà Lê Thi (trái) cùng bà Đàm Thị Loan ở Quảng trường Ba Đình năm 1997. Để kỷ niệm buổi kéo cờ lịch sử, hai bà thường gặp nhau vào ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình. - Ảnh gia đình nhân vật cung cấp
Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, hình ảnh đi vào lòng người là lá cờ Cách mạng của Mặt trận Việt Minh, biểu tượng hiệu triệu nhân dân đứng lên giành chính quyền, giành độc lập dân tộc. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam vẫn lưu giữ những lá cờ mang dấu ấn của thời khắc lịch sử ấy, trong đó có lá cờ Tổ quốc treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào trước Tổng khởi nghĩa. Trải qua 78 năm, lá cờ Tổ quốc treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) đã ngả màu thời gian nhưng kỷ vật thiêng liêng này vẫn chạm được vào cảm xúc của mỗi người con đất Việt khi đến tham quan Bảo tàng. Trong ảnh là một du khách nhí đứng chào trước lá cờ Tổ quốc được treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào. - Ảnh: Hải Hòa
Cờ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến về xây dựng cơ sở Cách mạng tại tổng Bàng Hành (huyện Bắc Quang, Hà Giang) năm 1945. Hiện vật này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
Làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề thêu truyền thống. Tháng 8/1945, Ủy ban kháng chiến kêu gọi các nghệ nhân của làng thêu cờ Tổ quốc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa và ngày Lễ tuyên ngôn độc lập. Ngày 19/8/1945, hàng ngàn lá cờ của làng Từ Vân đã nhuộm đỏ các con phố, tung bay rực rỡ ở quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngày nay, phụ nữ trong làng vẫn duy trì nghề may cờ Tổ quốc. - Ảnh: Hải Hòa
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, ngày 5/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 5-SL về việc bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Quốc kỳ Việt Nam nền đỏ sao vàng đã được Quốc hội Việt Nam chính thức công nhận trong bản Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được thông qua ngày 9/11/1946.