Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2024): Nhớ hào khí mùa Thu Cách mạng

79 năm trôi qua, nhớ lại hào khí mùa Thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong ký ức của những cán bộ lão thành Quảng Trị vẫn trào dâng niềm tự hào.

Nhân dân Thừa Thiên - Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ ngày 23/8/1945. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Nhân dân Thừa Thiên - Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ ngày 23/8/1945. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Khí thế sục sôi

Từng tham gia hai cuộc kháng chiến, ông Nguyễn Kham (97 tuổi, ở thị xã Quảng Trị, Đảng viên 80 năm tuổi Đảng) là một trong những nhân chứng còn ghi nhớ tường tận về ngày khởi nghĩa. Tiếp nối truyền thống gia đình, ông Nguyễn Kham tham gia cách mạng từ rất sớm, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền.

Lịch sử Đảng bộ xã Triệu Ái ghi: “Ngày 25/8, Ủy ban Khởi nghĩa tổng An Đôn chọn vị trí giáp ranh ở làng Phước Mỹ và Phù Áng làm nơi đóng trụ sở và tổ chức mít-tinh đánh giá kết quả, ý nghĩa thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh. Nhân dân các làng hồ hởi, vui mừng, tập trung đông đủ, nghiêm chỉnh. Sau 15 năm chiến đấu kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy Triệu Phong, các chi bộ đảng Triệu Ái đã cùng quần chúng Nhân dân trong các làng làm nên thắng lợi rực rỡ, xóa bỏ 2 tầng áp bức bóc lột. Từ đây Nhân dân bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới do mình làm chủ”.

Ông Kham nhớ lại: "Bước vào năm 1945, vùng quê tôi trở nên sôi động. Đặc biệt, khi nghe thông tin về cuộc đảo chính Nhật - Pháp, người dân tích cực chuẩn bị cho Cách mạng làm rộn ràng khắp thôn xóm. Sự náo nức ngày một lên cao như đang chờ đón điều gì đó rất to lớn, thiêng liêng".

Theo ông Kham, Triệu Phong có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương khác của tỉnh Quảng Trị để chuẩn bị khởi nghĩa.

Ông kể: "Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), với chính sách mị dân của Nhật, nhiều cựu cán bộ lãnh đạo của Quảng Trị và Triệu Phong được phóng thích khỏi nhà tù. Họ liền bắt tay vào xây dựng căn cứ cách mạng để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Do đó, Triệu Phong là nơi có cơ sở cách mạng sớm nhất, đông đảo nhất của Quảng Trị. Nơi đây được xem là cái nôi cách mạng, sau này có nhiều cán bộ tiêu biểu như ông Trần Hữu Dực (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ); Lê Thế Hiếu, Đặng Thí (đại biểu Quốc hội khóa I), bà Hoàng Thị Ái (sau này là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam),...

Do có nhiều cơ sở cách mạng nên chỉ trong thời gian ngắn, các phong trào, tổ chức quần chúng được khôi phục rất nhanh. Nơi đây cũng là địa phương gần sát với thị xã Quảng Trị, là trung tâm tỉnh lỵ thời đó nên dễ cơ động, di chuyển. Tất cả những yếu tố đó tạo thuận lợi để các cán bộ Triệu Phong nhanh chóng xúc tiến xây dựng căn cứ địa cách mạng".

Đến tháng 7/1945, hầu hết các địa phương đã xây dựng cơ sở cách mạng hoàn chỉnh. Phủ Triệu Phong có 5 tổng đều có phong trào cách mạng vững mạnh.

Cũng theo lời ông Kham, càng đến sát ngày Tổng khởi nghĩa, đội ngũ tham gia cách mạng càng đông đảo hơn. Không chỉ các đoàn thể cứu quốc mà quan trọng hơn là tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ vũ trang. Một trung đội tự vệ chiến đấu của làng được thành lập, nằm trong đội hình tổng An Đôn - một trong 5 tổng của phủ Triệu Phong đã được chuẩn bị chu đáo.

Lúc đó, ông Kham 18 tuổi, được giao làm Chính trị viên phó Trung đội, phụ trách chính trị. Mỗi trung đội có 42 người, do 3 người chỉ huy, 3 người đảm nhận cầm cờ, đánh trống. Mỗi trung đội có 3 tiểu đội (mỗi tiểu đội 12 người).

Hội nghị đại biểu Ban thống nhất Đảng bộ Quảng Trị họp ở làng Phước Lễ (phủ Triệu Phong) nhận định, chính quyền do Phan Văn Hy làm tỉnh trưởng đã suy yếu. Từ đó Ban thống nhất đi đến quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trong cả tỉnh từ 21 - 25/8/1945. Hội nghị cử ra Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, do ông Trần Hữu Dực làm Chủ tịch lãnh đạo địa phương chuẩn bị khởi nghĩa. Chiều 22/8, lệnh khởi nghĩa được phát ra, làm nức lòng người dân.

 Những sự kiện năm xưa được ông Nguyễn Kham lưu lại trong tập hồi ký. (Ảnh: Đăng Đức)

Những sự kiện năm xưa được ông Nguyễn Kham lưu lại trong tập hồi ký. (Ảnh: Đăng Đức)

Nhớ lại hào khí ngày khởi nghĩa, ông Kham cho hay: “Lúc đó, không khí khởi nghĩa rất sôi nổi, rầm rộ suốt ngày đêm. Ngày 22/8, quân và dân Triệu Phong đứng lên giành chính quyền nhanh chóng để tiến tới giành chính quyền ở thị xã Quảng Trị. Người đi đầu mang cờ đỏ sao vàng, tiếp đến 2 anh đánh trống, sau là một trung đội. Tôi là Trung đội phó chính trị hô 3 câu khẩu hiệu: “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”, “Cách mạng Tháng Tám thành công muôn năm”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”. Mọi người đi sau đều hô vang”.

Khí thế khởi nghĩa càng dâng trào. Tối hôm đó, các tổng cũng chuẩn bị sẵn sàng. Đến 1h sáng ngày 23/8, các đơn vị tự vệ chiến đấu và lực lượng dự bị đã đột nhập nội thị tỉnh lỵ, chiếm lĩnh tất cả các vị trí được phân công. Tiếp đến lực lượng quần chúng đông đảo biểu tình thị uy từ các hướng rầm rập kéo vào nội thị. Biển người với rừng cờ, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng phèng la hô vang khẩu hiệu.

5h sáng, 5 cánh quân của 5 tổng phủ Triệu Phong và một số làng của 2 tổng An Thái và Văn Vận (của Hải Lăng) đã đứng vững trên các con đường của thị xã Quảng Trị. Do phía ta làm tốt công tác ngoại giao nên quân Nhật dù đông nhưng không dám làm gì, tỉnh trưởng Phan Văn Hy đầu hàng.

Trong ký ức của ông Phan Bá Phù (97 tuổi, Đảng viên 75 năm tuổi Đảng, ở xã Triệu Ái) vẫn vẹn nguyên cảm xúc ngày người dân đồng loạt đứng lên khởi nghĩa.

Ông Phan Bá Phù nhớ lại, trước đó theo chỉ đạo của các chi bộ, Nhân dân trong các làng của Triệu Ái chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho cuộc khởi nghĩa. Khi lệnh khởi nghĩa chính thức được Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phát ra, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Phủ ủy Triệu Phong, lực lượng khởi nghĩa các làng trên địa bàn xã Triệu Ái từ ngã ba Hà Xá kéo vào theo dọc Quốc lộ 1A, tập kết tại bãi cát làng Ái Tử, nằm trong lực lượng của tổng An Đôn. Đến khuya 22/8, lực lượng bắt đầu tiến về thị xã Quảng Trị.

“Từng đoàn người với gậy gộc, giáo mác, băng cờ, khẩu hiệu... vừa đi vừa hô vang rất rầm rộ. Vào đến sông Thạch Hãn, do người quá đông nên nhiều đoàn khởi nghĩa phải lội qua bến Hộ để đến địa điểm tập trung trước dinh tỉnh trưởng”, ông Phù cho hay.

 Ông Phan Bá Phù hồi tưởng ngày cùng Nhân dân địa phương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh: Đăng Đức)

Ông Phan Bá Phù hồi tưởng ngày cùng Nhân dân địa phương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh: Đăng Đức)

Vỡ òa cảm xúc

Trong hồi ký của mình, ông Nguyễn Kham ghi lại: “Ngày cướp chính quyền của phủ Triệu Phong là 22/8. Ngày khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh là 23/8, một ngày làm “long trời lở đất”. Đó là đội quân của người dân cày với giáo mác, cuốc rựa, mỏ xảy, dao phay... Những công cụ mà hàng ngày nông dân dùng trong sản xuất được huy động làm vũ khí để đi cướp chính quyền. Đội quân áo rách, quần đùi, chân đất, nhưng khí phách hào hùng, dữ dội, như một áp lực khổng lồ để góp một phần quan trọng quyết định vận mệnh của Tổ quốc, quê hương mặc dù trước mắt họ quân thù rất đông đảo”.

9h sáng ngày 23/8/1945, lễ mít tinh đầu tiên có hàng chục nghìn quần chúng thị xã và các phủ huyện lân cận tham gia, được tổ chức ngay trước trụ sở mới của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh (tòa công sứ Pháp và dinh tỉnh trưởng cũ) để chào mừng thắng lợi của cách mạng và hoan nghênh Ủy ban nhân dân cách mạng.

Tại đây, ông Trần Hữu Dực trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố: Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh được thành lập, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền bù nhìn. Đồng thời, kêu gọi toàn thể Nhân dân trong tỉnh đoàn kết, nhất tề thực hiện mọi công việc theo sự hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cách mạng các cấp.

 TP Đông Hà trở thành trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị phát triển mạnh mẽ hôm nay. (Ảnh: Quảng Trị IPA)

TP Đông Hà trở thành trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị phát triển mạnh mẽ hôm nay. (Ảnh: Quảng Trị IPA)

Chia sẻ về cảm xúc ngày khởi nghĩa, ông Kham xúc động: “Là người con Triệu Phong, tôi tự hào và hãnh diện về quê hương mình. Một vùng địa linh nhân kiệt, cái nôi cách mạng của tỉnh Quảng Trị. Gia đình tôi có truyền thống yêu nước, bố tham gia cách mạng sớm và làm Bí thư Chi bộ, chủ nhiệm Việt Minh nên nắm được các kế hoạch khởi nghĩa. Tôi tự hào khi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong cuộc khởi nghĩa, làm nên thắng lợi chung”.

Ông Kham cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là sự kiện vĩ đại, nối dài dòng chảy lịch sử từ 1930 khi thành lập Đảng bộ đến ngày 23/8 để giành chính quyền về tay Nhân dân Quảng Trị.

“Khi ông Trần Hữu Dực thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, dưới sân quần chúng kéo đến ngày càng đông. Tinh thần phấn khởi, niềm vui khôn tả của Nhân dân làm nên khí thế cách mạng sôi sục trong giờ phút lịch sử trọng đại của quê hương”, ông Phan Bá Phù hồi tưởng.

Tuân theo sự hướng dẫn của Trung ương, ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Ủy ban Khởi nghĩa các cấp chuyển thành Ủy ban Nhân dân Cách mạng và đảm nhiệm quản lý mọi công việc của chính quyền Nhà nước của cấp mình. Chính quyền cách mạng được thiết lập từ tỉnh đến các phủ huyện.

Nhớ về ngày Quốc khánh đầu tiên, những cán bộ lão thành như ông Kham, ông Phù đều không khỏi xúc động. “Hơn một tuần sau thành công của ngày khởi nghĩa là đến Quốc khánh, Nhân dân được sống trong niềm vui khôn xiết, hào hứng vì thoát khỏi ách áp bức, bóc lột. Người dân hăng hái tham gia các cuộc mít tinh, diễu hành do chính quyền cách mạng tổ chức. Đặc biệt, khi nghe Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua phương tiện phát thanh, ai cũng phấn khởi. Đó là những cảm xúc về mùa Thu cách mạng không thể nào quên”, ông Kham nói.

Sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Quảng Trị, lực lượng khởi nghĩa của các làng trên địa bàn Triệu Ái cùng các làng khác của tổng An Đôn tiến ra làm nhiệm vụ khởi nghĩa giành chính quyền ở thị trấn Đông Hà. Bộ máy của địch trên địa bàn Triệu Ái cũng lần lượt tan rã và nhanh chóng bàn giao con dấu, triện cho cán bộ Ủy ban Khởi nghĩa của ta.

Đăng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-niem-79-nam-cach-mang-thang-tam-1981945-1982024-nho-hao-khi-mua-thu-cach-mang-post697047.html