Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Hà Nội mùa thu năm ấy

Khi biết tôi có ý định viết về những 'địa chỉ đỏ' ở Hà Nội, có người bảo: 'Hà Nội vốn đã là một địa chỉ đỏ rồi'. Điều đó rất đúng, nhưng thực tâm tôi vẫn muốn viết về những 'địa chỉ đỏ' cụ thể và đầy đủ hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình mãi trở thành những giây phút lịch sử của dân tộc Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình mãi trở thành những giây phút lịch sử của dân tộc Việt Nam

Từ Nhà hát Lớn…

“Địa chỉ đỏ” đầu tiên mà tôi muốn đến là Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là công trình được người Pháp xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành 10 năm sau đó. Nó được xây dựng theo mẫu nhà hát Opera Garnier ở Paris (Pháp), nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Tuy thế, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái 2 mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong.

Ra đời muộn hơn các nhà hát ở Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) và Hải Phòng, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất, trở thành hình ảnh quen thuộc và đặc trưng của Hà Nội. Tôi đã nhiều lần vào cả 3 nhà hát, nhưng theo cảm nhận của riêng thì Nhà hát Lớn Hà Nội đẹp hơn, to rộng hơn. Nhà hát lớn Hà Nội là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là những sự kiện cách mạng. Nơi đây, ngày 17-8-1945 đã có cuộc mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh thành phố Hà Nội. Sáng 19-8-1945, quần chúng cách mạng Hà Nội đã biến cuộc mít tinh của chính quyền do Nhật dựng lên thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh. Cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc tuần hành, từ Nhà hát Lớn dòng người tiến đến Phủ Khâm sai Bắc kỳ (Bắc bộ phủ) làm cuộc Tổng khởi nghĩa.

Do yêu cầu công việc nên tôi đã nhiều lần đến gặp Đại tướng Nguyễn Quyết, vị tướng già với gương mặt phúc hậu, hồi tháng 8-1945 ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông nhiều lần nhắc tới sức mạnh của quần chúng nhân dân đứng lên ủng hộ Việt Minh và cùng cán bộ Việt Minh cướp chính quyền một cách hòa bình. Đại tướng Nguyễn Quyết nhắc tới việc Đảng bộ Hà Nội đã quyết định đúng đắn khi chớp thời cơ, vận dụng thời cơ một cách khéo léo, quyết liệt. Đại tướng Nguyễn Quyết khẳng định: “Cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19-8-1945 không phải là cuộc cách mạng mang tính tự phát của quần chúng mà là cuộc cách mạng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh do Đảng bộ Hà Nội và Xứ ủy Bắc kỳ trực tiếp lãnh đạo”.

Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Vị tướng già còn nhắc tới câu chuyện khôn khéo của cách mạng, đó là khi đoàn tuần hành kéo đến trại lính bảo an do quân Nhật đóng giữ. Thời điểm đó, quân Nhật ở Hà Nội có tới 1 vạn lính, được trang bị vũ khí đầy đủ, nếu lực lượng này can thiệp hoặc thực hiện đàn áp quần chúng của ta thì tổn thất là rất lớn, cách mạng khó có thể thành công được. Do đó, Đảng bộ Hà Nội đã chỉ đạo các đồng chí Nguyễn Khang, Trần Tử Bình đến đàm phán với quân Nhật. Vị tướng già cười rất vui kể rằng: “Cán bộ của ta đến gặp chỉ huy quân Nhật và nói đơn giản là, Nhật Hoàng đã ký đầu hàng rồi, các ngài chỉ đợi ngày quân Đồng minh đến giải giáp mà thôi. Đây là công việc nội bộ của chúng tôi, các ngài không nên can thiệp vì nếu can thiệp sẽ có đổ máu. Mà đã đổ máu thì binh lính của các ngài phải chết vô ích, không được trở về nước gặp gia đình, người thân. Chỉ huy quân Nhật thấy lý lẽ đó đúng, vả lại nếu cố can thiệp thì cũng không được lợi gì do bản thân chính quyền mà họ dựng lên quá yếu ớt, không thể đối trọng với sức mạnh của Việt Minh. Đúng như dự đoán, sau khi tiếp nhận đề nghị của Ủy ban Khởi nghĩa, quân Nhật án binh bất động và ta đã cướp chính quyền về tay nhân dân.

… tới Phủ Khâm sai Bắc kỳ

Chính phủ lâm thời Việt Nam được thành lập và ra mắt quốc dân đồng bào sáng 2-9-1945. Một chính quyền non trẻ ngay khi đi vào hoạt động đã vấp phải thử thách lớn, đó là ngân khố quốc gia cạn kiệt, nhân dân trong nước vừa trải qua nạn đói rất khủng khiếp. Để giải quyết tình hình kinh tế khó khăn đó, từ ngày 17 đến 24-9-1945, ta đã tiến hành “Tuần lễ vàng” nhằm quyên góp ủng hộ Chính phủ. Tuần lễ vàng được khai mạc sáng 17-9 ngay tại thềm Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong lễ khai mạc, do bận việc không đến dự được nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Cố vấn Vĩnh Thụy (tức Vua Bảo Đại đã thoái vị) đến dự và đọc diễn văn. Cố vấn Vĩnh Thụy đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư Người kêu gọi: “Tôi mong rằng toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, hết sức vì nước hy sinh. Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận. Mong toàn quốc đồng bào làm tròn nghĩa vụ. Việt Nam độc lập muôn năm!”. “Tuần lễ vàng” đã diễn ra và thu được nhiều lợi ích, các nhà tư sản, tri thức, các tầng lớp dân chúng Hà Nội đã nô nức xếp hàng ủng hộ “Quỹ Độc lập” bằng tiền, vàng.

Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945

Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945

Trở lại câu chuyện đoàn tuần hành của quần chúng tiến tới Phủ Khâm sai Bắc kỳ, tòa nhà này cao 2 tầng nằm trên phố Ngô Quyền thuộc phường Tràng Tiền. Trước đó tòa nhà là Dinh Thống sứ Bắc kỳ của người Pháp, khi người Nhật đảo chính Pháp và dựng lên chính phủ bù nhìn thân Nhật thì được đổi tên là Phủ Khâm sai Bắc kỳ hay Bắc bộ phủ. Đoàn tuần hành kéo đến đây rất đông, họ hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh và yêu cầu chính quyền bù nhìn phải bàn giao chính quyền cho cách mạng. Quần chúng đã trèo qua hàng rào sắt ùa vào bên trong chiếm tòa nhà.

Tôi đã hơn một lần gặp ông Quang Ngọc (tên chính là Nguyễn Hữu Hậu) để phỏng vấn cho bộ phim tài liệu, những lần đó ông đều đưa chúng tôi đến trước cửa Nhà khách Chính phủ (Bắc bộ phủ cũ) để ghi hình cho thực tế. Ngày 19-8-1945 ông Quang Ngọc mới 17 tuổi, trong câu chuyện kể với chúng tôi ông cho biết: “Hồi đó tôi là học sinh học trường Văn Lang. Sáng 19-8 tôi theo mọi người đến Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh do Việt Minh lãnh đạo. Rồi từ Nhà hát Lớn tôi theo đoàn tuần hành kéo đến Phủ Khâm sai. Đến đó tôi thấy 2 cánh cổng sắt đóng chặt, tất cả số lính canh bên trong hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Mọi người cùng hô vang khẩu hiệu và bảo nhau trèo rào vào bên trong. Tôi còn trẻ nên trèo vào trước, thấy các phòng đều không có người. Đang lúc ngó quanh tìm lối đi thông sang các phòng bên thì bất ngờ có người lao tới trao cho tôi lá cờ đỏ sao vàng được gấp vuông vức cẩn thận, rồi nói rất to và nhanh: “Treo ngay cờ lên”. Tôi cũng chẳng kịp nhận ra đó là ai, nhưng đoán chắc là người chỉ huy vì anh rất nhanh nhẹn, xông xáo, luôn miệng hướng dẫn mọi người. Thế là một tay cầm cờ, một tay xách khẩu súng, tôi cứ lần theo lối cầu thang chạy ngược lên sân thượng tòa nhà. Lên tới nơi nhưng một mình lúng túng quá, loay hoay một lúc tôi cũng buộc được lá cờ vào dây rồi kéo lên”.

Ông Quang Ngọc kể tiếp: “Khi ấy được thực hiện nhiệm vụ này, lại ở vào thời khắc lịch sử quan trọng, tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Nhưng thú thực lúc ấy tôi cũng chưa hiểu hết ý nghĩa to lớn của việc mình làm. Sau này ngẫm lại tôi mới thấm thía rằng, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Phủ Khâm sai Bắc kỳ là niềm kiêu hãnh, là sự cổ vũ vô cùng to lớn cho khí thế đấu tranh của hàng vạn người dân Hà Nội”.

Được biết đúng 1 tháng sau, chàng trai trẻ Quang Ngọc xung phong tòng quân, được trên biên chế cùng 31 thanh niên Thủ đô vào Chi đội 3 đoàn quân Nam tiến. Đây là Chi đội Nam tiến đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-niem-79-nam-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9-ha-noi-mua-thu-nam-ay-post587149.antd