Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Đảng với Mặt trận như 'hình với bóng'
Trong suốt 90 năm qua, Đảng luôn thể hiện vai trò của mình trong lãnh đạo đất nước, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là sự lãnh đạo tài tình đối với Mặt trận khi Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của Mặt trận. Qua đó phát huy được sức mạnh toàn dân, khối đại đoàn kết dân tộc để đi đến những thắng lợi vẻ vang của nhân dân.
Đảng hóa thân vào Mặt trận để lãnh đạo nhân dân
Nhớ lại thời kỳ Đảng mới thành lập và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong đó có Mặt trận đấu tranh trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Ngay sau khi thành lập ngày 3/2/1930, Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng nhưng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Sự nghiệp giải phóng dân tộc vô cùng khó khăn nhưng hết sức vẻ vang, và chỉ có thể thực hiện được bằng sức mạnh của cả dân tộc, đại đoàn kết toàn dân”. Với nhận thức như thế nên sau khi ra đời Đảng đã tổ chức, lãnh đạo thành lập Hội Phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đấu tranh giải phóng đất nước. Đảng gắn bó mật thiết với Mặt trận như “hình với bóng”. Tùy theo từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng, Mặt trận Dân tộc thống nhất có các hình thức và tên gọi khác nhưng với cương lĩnh và điều lệ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Muốn cách mạng thành công có 2 yếu tố là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, và sự tham gia của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thiếu 1 trong 2 yếu tố đó cách mạng không thể nào giành thắng lợi.
Kể về mốc son phối hợp giữa Đảng và Mặt trận tạo nên những thắng lợi to lớn trong từng thời kỳ cách mạng kháng chiến, ông Túc cho rằng: Mặt trận Việt Minh được thành lập ngày 19/5/1941 tại Hội nghị Trung ương 8, gác lại khẩu hiệu giai cấp mà nâng cao lợi ích dân tộc; làm cho toàn dân tộc kết dính thành một khối đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. “Khi đặt lợi ích dân tộc lên trên hết thì huy động được mọi tầng lớp nhân dân, kể cả các tầng lớp trí thức cỡ lớn như các ông Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa… bỏ danh vọng địa vị quyền lợi của tầng lớp trí thức để đi theo cách mạng. Hay cụ Phan Kế Toại, Vi Văn Định… vì lợi ích dân tộc đã trút bỏ những địa vị mà chính quyền Bảo Đại giành cho mình để đi theo kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng như vậy, các nhà tư sản dân tộc như cụ Trịnh Văn Bô, Sơn Hà… đều đi theo cách mạng vì lợi ích dân tộc. Sau này, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã đưa dân tộc lên trên hết với sự tham gia của các nhà trí thức có uy tín lớn trong nhân dân đi theo cách mạng như cụ Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Đình Thảo… là những nhân vật nổi tiếng trong trí thức miền Nam đi theo cách mạng. Khi nào coi nhẹ yếu tố dân tộc thì cách mạng sẽ gặp khó khăn”- ông Túc nói.
Hay trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 vang dội năm châu, chấn động địa cầu người ta thấy vai trò của Mặt trận Liên Việt nổi lên. Lúc bấy giờ Đảng hóa thân vào Mặt trận để lãnh đạo nhân dân. Đó là nghệ thuật của Đảng vì Đảng không có lợi ích gì khác ngoài lợi ích của dân tộc. Những người yêu nước Việt Nam thấy vai trò của Mặt trận trong những năm đó nhiều hơn vì Đảng không công khai lộ diện. Có một thời gian, Đảng rút vào hoạt động bí mật từ 11/11/1945 để tránh sự tấn công của các thế lực thù địch. Theo đó, Đảng thông qua các hoạt động của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt (tháng 3/1951) để thực hiện vai trò của mình, góp phần động viên công sức của toàn quân, toàn dân lập nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trong mọi trường hợp Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng chủ trương, đường lối chính sách đúng đắn. Điều quan trọng nhất, Đảng vừa là thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận chứ không phải như các tổ chức chính trị - xã hội khác. Với đặc điểm riêng của mình, Đảng không chỉ là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân mà cả phong trào yêu nước Việt Nam. Vì vậy Đảng vừa là Đảng của giai cấp công nhân, vừa là Đảng của nhân dân lao động và của dân tộc. Đấy là đặc điểm nổi trội nhất trong cách mạng của nước ta. Ông Túc nói: “Đảng lãnh đạo trước hết bằng xác định chính sách Mặt trận cho đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn và từng thời kỳ. Cho nên Bác Hồ từng nói: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng, công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”.
Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân
Theo ông Túc, bài học lớn nhất là đường lối đại đoàn kết dân tộc của Đảng đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của quần chúng nhân dân. “Đảng lãnh đạo bằng những người trong Đảng đoàn, đảng viên của mình hoạt động trong Mặt trận, vận động thuyết phục để Mặt trận vận động, thuyết phục nêu gương để Mặt trận thực hiện đường lối của mình chứ Đảng không buộc Mặt trận phải làm cái này cái khác. Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng sự lãnh đạo hiệp thương dân chủ và sự phối hợp thống nhất giữa các tổ chức thành viên. Người đứng đầu các đoàn thể đó đa phần là người của Đảng nên Đảng lãnh đạo thống nhất hành động để hoạt động của Mặt trận “thuận buồm xuôi gió”. Quan trọng là Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng sự gương mẫu của những người cộng sản, đảng viên hoạt động trong Mặt trận”- ông Túc cho hay.
“Trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân mình rất nghèo, bị áp bức, đau khổ, cuộc sống cực kỳ khó khăn ở những năm 1930 nhưng sau đó Đảng thành lập và lãnh đạo Mặt trận, nông dân và công nhân vùng lên. Sự tài tình của Đảng trong lãnh đạo Mặt trận quan trọng nhất và thành công của Đảng trong quá trình lãnh đạo là tất cả đều xuất phát từ nguyện vọng thiết tha của các tầng lớp nhân dân để hình thành chính sách chứ không phải áp đặt áp dụng kinh nghiệm của nước ngoài. Khi nào đường lối chính sách của ta xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ nguyện vọng tha thiết của công nhân, nông dân và người lao động và các dân tộc Việt Nam thì được nhân dân ta hưởng ứng. Khi nào áp dụng máy móc những kinh nghiệm nước ngoài thì y như rằng cách mạng gặp khó khăn”- ông Túc cho hay.
Bài học về đại đoàn kết toàn dân
Xuyên suốt quá trình Đảng lãnh đạo đất nước và Mặt trận đi đến thành công từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ông Túc cho rằng: Bài học lớn nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết chính là khi nào Đảng ta coi đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng nhất thì đảm bảo thắng lợi cho cách mạng. Chính vì thế Người đưa ra khẩu hiệu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Các đường lối của Đảng phải thực hiện đúng như 8 chữ mà Bác đã tổng kết ngày 3/3/1951 khi Đảng Lao động Việt Nam ra đời. Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gộp trong 8 chữ là: “Đoàn kết toàn dân. Phụng sự Tổ quốc”. Đưa ra dẫn chứng, ông Túc cho hay: Khi miền Bắc được giải phóng, còn miền Nam vẫn bị đô hộ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành 2 miền. Miền Bắc phục hồi kinh tế xây dựng CNXH, còn miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Nên đường lối của Đảng được thể hiện qua hình thức năm 1960 thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tính dân tộc và dân chủ ở ngay trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chứ không đặt nặng mục tiêu CNXH. Với yêu cầu cách mạng dân tộc dân chủ nên nhiệm vụ ở miền Nam khác với miền Bắc. Tuy 2 miền đều có nhiệm vụ chung là mau chóng để thống nhất đất nước.
“Khi đổi mới đất nước năm 1986, chúng ta đưa ra khẩu hiệu đoàn kết không phải trên cơ sở yêu CNXH mà trên cơ sở xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và sớm thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến lên dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Ai chả muốn đất nước hòa bình thống nhất, sớm thoát khỏi cảnh nghèo khổ, nghèo nàn lạc hậu nên đã quy tụ được mọi người. Mẫu số chung, điểm tương đồng để đoàn kết là cực kỳ quan trọng. Dân giàu nước mạnh thì ai chả muốn. Ở giai cấp nào, dù trong nước hay nước ngoài ai cũng muốn dân mình giàu và nước mạnh. Đó là mục tiêu để đoàn kết toàn dân tộc”- ông Túc lưu ý.
Theo ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân mình rất nghèo, bị áp bức, đau khổ, cuộc sống cực kỳ khó khăn ở những năm 1930 nhưng sau đó Đảng thành lập và lãnh đạo Mặt trận, nông dân và công nhân vùng lên. Sự tài tình của Đảng trong lãnh đạo Mặt trận quan trọng nhất và thành công của Đảng trong quá trình lãnh đạo là tất cả đều xuất phát từ nguyện vọng thiết tha của các tầng lớp nhân dân để hình thành chính sách chứ không phải áp đặt áp dụng kinh nghiệm của nước ngoài. Khi nào đường lối chính sách của ta xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ nguyện vọng tha thiết của công nhân, nông dân và người lao động và các dân tộc Việt Nam thì được nhân dân ta hưởng ứng. Khi nào áp dụng máy móc những kinh nghiệm nước ngoài thì y như rằng cách mạng gặp khó khăn.