Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn (26/3): Đồng hành cùng nữ thanh niên lập thân, lập nghiệp
Với sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, cô gái 9X Nguyễn Lê Ngọc Linh (ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã khởi nghiệp ngay trên quê hương mình với mô hình nông nghiệp bền vững 'Vườn rừng bản Thổ'.
Cô gái 9X làm giàu với "Vườn rừng bản Thổ"
Sinh ra ở vùng cao, chứng kiến những cánh rừng xanh ngày càng ít đi, đất đai bị hoang hóa, Ngọc Linh nung nấu ý định học xong sẽ trở về quê nhà Như Xuân khởi nghiệp. Năm 2019, ở tuổi 29, vừa sinh con xong, Linh xin nghỉ công việc làm truyền thông ở một công ty tại Thủ đô để về quê thực hiện giấc mơ mà mình ấp ủ lâu nay.
Ai cũng lo cho hành trình khởi nghiệp của người mẹ trẻ ở vùng đất khó, nơi mà nhiều người chỉ mong học giỏi để được thoát ly. Vậy nhưng, với nỗ lực học hỏi về làm nông nghiệp bền vững, sau hơn 3 năm, Ngọc Linh đã trồng và phủ xanh khoảng 6ha rừng tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân) với 100 loại cây, chủ yếu là cây ăn quả, cây dược liệu và cây rừng bản địa.
Với mong muốn tạo ra sản phẩm mang hương vị núi rừng, Linh đã mày mò nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm mật ong lên men. Đến nay, sản phẩm mật ong của "Vườn rừng bản Thổ" đã có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa. Sản phẩm mật ong lên men cũng được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
"Vườn rừng bản Thổ" hiện nay đã phát triển thành hợp tác xã với 17 xã viên, đều là những người trong cộng đồng sống dựa vào rừng. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho 20-25 người, hợp tác xã còn tạo sinh kế cho người dân liên kết trồng cây dược liệu và nuôi ong ven rừng phòng hộ, giúp hàng trăm hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định, trong đó 98% đối tượng hưởng lợi là phụ nữ dễ bị tổn thương, thuộc hộ nghèo. Doanh thu năm 2023 của "Vườn rừng bản Thổ" là 1,3 tỉ đồng.
Ngọc Linh cho biết, sự thành công của cô ngày hôm nay có sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn. "Tham gia cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp, em được hỗ trợ về truyền thông, được kết nối với các chuyên gia, đặc biệt là được hỗ trợ vay vốn. Những hỗ trợ đó đã tiếp sức cho em ngày càng phát triển", Ngọc Linh chia sẻ.
Vững bước trên hành trình khởi nghiệp
Còn với Bùi Thị Thủy (sinh năm 1988, ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nếu không có sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn thì giờ này cô vẫn còn "lẫm chẫm trong khởi nghiệp". 17 tuổi, Thủy đã đi làm. 23 tuổi, cô lập gia đình.
Từng trải qua nhiều nghề để kiếm sống như buôn gà, chăn nuôi, trồng trọt, cô cảm thấy chênh vênh khi không xác định được con đường sự nghiệp của mình sẽ thế nào. Năm 2019, trong một lần thấy chị hàng xóm nấu nước gội đầu từ các sản phẩm thiên nhiên, Thủy tâm sự với người em về công việc này.
Bản thân không có chút kiến thức nào về lĩnh vực này nhưng với sự động viên của người em, Thủy đã mày mò tìm hiểu, khởi nghiệp với mô hình kinh doanh dược liệu vườn lá - tận dụng nguồn nguyên liệu từ cây bưởi để tạo ra sản phẩm. Từng bước một, sai rồi sửa, Thủy đã đi những bước đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của mình như thế.
Từ năm 2020, cô mạnh dạn tham gia những cuộc thi về khởi nghiệp. Sau khi đạt giải Nhì cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, Thủy đã tận dụng những hỗ trợ về truyền thông, vốn, kỹ năng làm Tiktok... vào phát triển mô hình kinh doanh của mình.
Thành lập hợp tác xã sản xuất và kinh doanh dược liệu vườn lá, Thủy mong muốn liên kết phụ nữ địa phương hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Hiện nay, hợp tác xã đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm: xà phòng, tinh dầu, sữa tắm, dầu gội, dầu xả, các sản phẩm dưỡng da… được làm từ bưởi.
Các sản phẩm đang được phân phối tại TPHCM, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Nai. Ngoài kinh doanh, Thủy còn mở lớp hướng dẫn làm xà phòng cho những cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp với sản phẩm xà phòng thủ công.