Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2023): Tự hào truyền thống, phát huy trách nhiệm làm tốt công tác tham mưu
Trải qua 93 năm xây dựng và phát triển, ngành Tổ chức xây dựng Đảng không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ và xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Điển hình là ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai Đề án số 07-ĐA/TU ngày 15/7/2021 về “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, giai đoạn 2021-2025” (viết tắt là Đề án số 07-ĐA/TU). Sau hơn 2 năm triển khai Đề án, với việc tổ chức thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nổi bật là toàn tỉnh đã kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) gắn với tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đảng bộ tỉnh hiện có 97.250 đảng viên, sinh hoạt tại 589 TCCSĐ (trong đó có 229 chi bộ cơ sở, 360 đảng bộ cơ sở, với 22 đảng bộ bộ phận, 4.675 chi bộ trực thuộc).
Thực hiện sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố theo chỉ đạo của Trung ương, toàn tỉnh đã giảm từ 3.032 xóm, tổ dân phố xuống còn 2.254 xóm, tổ dân phố (giảm 478 xóm, 300 tổ dân phố).
Tính đến ngày 30/8/2023, toàn tỉnh đã giảm 17 TCCSĐ, giảm 19 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở so với thời điểm ban hành Đề án số 07-ĐA/TU. Đặc biệt chỉ còn 9 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ (giảm 100 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ so với thời điểm ban hành Đề án).
Số lượng TCCSĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua được kiện toàn phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tình trạng xóm, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng dần được khắc phục. Vai trò, vị trí, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ đã có chuyển biến rõ rệt; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên.
Theo kết quả đánh giá việc thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, tỷ lệ TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong hai năm 2021-2022 là trên 96% (vượt hơn 16% so với chỉ tiêu); tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trung bình hai năm 2021-2022 là trên 95% (cao hơn 15% so với chỉ tiêu).
Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh thời gian qua gắn với các nội dung của Đề án số 07-ĐA/TU, không thể không nhắc đến bước đột phá trong việc tham mưu với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai hiệu quả ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”. Đây là bước đi mới, thể hiện tinh thần tiên phong trong chuyển đổi số của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Trước đây, khi chưa có ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”, việc quản lý sinh hoạt, công việc đảng vụ đều cơ bản thực hiện thủ công. Sau khi triển khai ứng dụng, cơ bản các đảng ủy đã đưa nghị quyết lên phần thông tin nội bộ để tiện khai thác, chia sẻ; còn các chi bộ khai thác thông tin, tài liệu trên ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” để phục vụ các kỳ sinh hoạt định kỳ.
Với các đảng viên, ứng dụng có nhiều hữu ích khi cung cấp các thông tin chính thống về công tác xây dựng Đảng. Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" rất tiện lợi. Khi truy cập, tôi có thể cập nhật kịp thời nhiều thông tin, tài liệu nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng.
Thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các đảng bộ trực thuộc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên mới, nhằm bổ sung nguồn sinh lực mới cho Đảng. Với nhiều giải pháp sát thực, hiệu quả, chất lượng, số lượng đảng viên ngày một nâng lên; số đảng viên mới kết nạp là nữ, trẻ, có trình độ đại học tăng cao.
Thống kê từ năm 2021 đến tháng 8/2023, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 6.027 đảng viên, trong đó có 3.338 đảng viên nữ (chiếm 55,38%), 611 đảng viên là học sinh, sinh viên (chiếm 10,14%), 323 đảng viên là công nhân (chiếm 5,63%), 3.207 đảng viên có trình độ đại học (chiếm 53,21%), 1.633 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 27,09%). Đặc biệt, tỷ lệ thành lập tổ chức đảng và kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp có sự khởi sắc. Từ năm 2021 đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh thành lập được 17 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, với tổng số 214 đảng viên.
Cùng với Đề án số 07-ĐA/TU, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh đã nỗ lực tham mưu với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 08-ĐA/TU về "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới" (viết tắt là Đề án số 08-ĐA/TU).
Sau 2 năm triển khai Đề án số 08-ĐA/TU, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp của tỉnh được nâng lên rõ rệt. Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của các địa phương và của tỉnh.
Riêng về đội ngũ cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, toàn tỉnh hiện có 231/328 cán bộ có trình độ chuyên môn thạc sĩ trở lên, đạt 70,42% (vượt 10,42% so với mục tiêu Đề án số 08-ĐA/TU); 35/47 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, đạt 74,46% (vượt 24,46% so với mục tiêu); 100% cán bộ lãnh đạo có trình độ tin học đáp ứng công tác lãnh đạo, quản lý theo Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…
Có thể nói, với sự tham mưu chủ động, tích cực của ngành Tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ của tỉnh thời gian qua được triển khai thực hiện đồng bộ, liên thông giữa các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Việc bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ được triển khai kịp thời, cơ bản bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác giới thiệu cán bộ ứng cử vào các chức danh bầu cử trong các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan chính quyền đều được thực hiện trên cơ sở quy hoạch, đào tạo cán bộ. Trong đó, công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được cả yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ và đổi mới về phong cách, lề lối làm việc ở cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, góp phần từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ…
Đồng chí Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, khẳng định: Phát huy truyền thống 93 năm xây dựng và phát triển, thời gian tới, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là làm tốt công tác tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh thực sự tiêu biểu, mẫu mực về năng lực, phẩm chất và uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới...