Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024):Khẳng định vai trò trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có Gia Định báo và một số báo khác tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu - Trung Quốc, Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên, đánh dấu cột mốc ra đời của dòng báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Báo Thanh Niên (21/6/1925) - Tờ báo Cách mạng Việt Nam đầu tiên. Ảnh tư liệu.

1. Vào ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên xuất bản số đầu tiên tại số nhà 13, đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Từ khi Báo Thanh niên ra đời, Báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Với tôn chỉ hành động của một cơ quan tuyên truyền phục vụ cho sự nghiệp cách mạng do Đảng, Bác Hồ khởi xướng và lãnh đạo; do vậy vào ngày 21/6/2000, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý lấy ngày xuất bản số đầu tiên của Báo Thanh niên (21/6) là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Trải qua 99 năm hình thành và phát triển, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, những người làm báo đã vượt lên mọi khó khăn, không quản hy sinh, có mặt trên tất cả các mặt trận để kịp thời phản ánh mọi diễn biến của cuộc chiến đấu. Hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận.

Phóng viên Báo Bình Thuận đang tác nghiệp. Ảnh: Đ.Hòa.

Hàng trăm nhà báo đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng nước nhà. Sau khi nước ta giành độc lập, tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Báo chí nước nhà đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của Báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Các cơ quan Báo chí đã quan tâm tích cực, chủ động triển khai bài bản, chất lượng, tạo được điểm nhấn, lan tỏa mạnh mẽ, góp phần định hướng dư luận xã hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc truyền tải nội dung thông tin, đa dạng hóa hình thức thể hiện, sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại để tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân… Cùng với đó, Báo chí luôn khẳng định là một vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Trong 99 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển phong phú, đa dạng; đang hiện đại hóa kỹ thuật tiên tiến, đầu tư và sử dụng công nghệ cao để ngày càng hoàn thiện hơn. Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang không ngừng phát triển… Trước những yêu cầu mới, Báo chí Cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

2. Ngày nay, khi cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển toàn diện, được bạn bè trong và ngoài nước trân trọng, đánh giá cao, nhưng bên cạnh đó sự nghiệp cách mạng sẽ luôn đứng trước thời cơ đan xen thách thức. Vai trò của Báo chí Cách mạng nói chung, của các cơ quan Báo chí tỉnh nhà nói riêng ngày càng quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến đường lối, pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong phát huy quyền làm chủ, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân; trong xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trong cổ vũ, tôn vinh điều thiện, cái đẹp, cái tiến bộ; lên án cái xấu, cái ác; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, trì trệ và tất cả những gì phương hại tới lợi ích quốc gia… Do vậy, các cơ quan Báo chí tỉnh nhà phải thực sự là cầu nối thông tin 2 chiều, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời chuyển tải kịp thời những chủ trương, chính sách, định hướng phát triển của đất nước và của tỉnh để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Trước yêu cầu thông tin kịp thời, trung thực, có định hướng và lại phải hấp dẫn đối với các nhóm độc giả rất đa dạng, đòi hỏi ở những người làm báo không chỉ bản lĩnh, hiểu biết, sự nhạy bén mà còn là tính chuyên nghiệp rất cao. Mỗi tin, bài; thậm chí cho đến mỗi câu từ tưởng chừng là nhỏ nhặt cũng đều có thể mang lại những tác động lan tỏa tích cực hoặc ngược lại, nhất là những tác động tiêu cực lại thường lan nhanh hơn, dễ hơn, ranh giới giữa kết quả và hậu quả là rất mong manh… Do vậy các cơ quan Báo chí tỉnh nhà cũng như bản thân mỗi người làm báo phải thể hiện bản lĩnh chính trị của mình, bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm, bằng trí tuệ và đạo đức của người làm báo trong từng bản tin, từng phóng sự, từng tác phẩm báo chí mà mình thực hiện để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong tỉnh, trong nước và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống - xã hội qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân để góp phần xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp hơn.

Phóng viên báo, đài tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: Đ.Hòa.

“Bằng tình cảm, trách nhiệm, trí tuệ, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, bề dày truyền thống, nỗ lực đổi mới, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra…” - Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ky-niem-99-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-21-6-1925-21-6-2024-khang-dinh-vai-tro-trong-cong-cuoc-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-119763.html