Kỷ niệm là món quà
Hôm rồi Dương nhắn tin cho tôi, gửi ảnh con trai kháu khỉnh vừa tròn 2 tuổi của cậu. Mới đó mà thời gian trôi qua thật nhanh. Nhớ hơn 3 năm trước, khi tôi đang công tác ngoài đảo rất xa quê nhà, Dương nhắn: 'Tớ sắp cưới, kiểu gì cậu cũng phải về dự đấy'.
Vậy là cậu bạn rất đặc biệt thời phổ thông của tôi cuối cùng cũng yên bề gia thất. Tôi thu xếp công việc và trở về. Trong buổi tiệc, chúng tôi gặp lại những người bạn cũ từng gắn bó suốt 3 năm phổ thông. Từng kỷ niệm vui buồn được nhắc lại. Tôi thấy mình như được sống lại khoảng thời gian cũ, những tháng ngày hồn nhiên, trong trẻo tuổi học trò.
Nhìn Dương bảnh bao, chững chạc trong bộ vest chú rể, tôi không khỏi xúc động. Mới hôm nào cậu hãy còn là học sinh cá biệt nhiều phen khiến thầy cô và ba mẹ khổ tâm, lo lắng. Vậy mà giờ cậu sắp làm trụ cột gia đình. Đúng là ai rồi cũng sẽ trưởng thành.
Nhớ ngày ấy tôi là lớp trưởng, còn Dương là cậu học trò lêu lổng, ham chơi. Cậu “đốt” hầu hết thời gian vào tiệm net. Ngày nào cậu cũng xách cặp đi học nhưng không tới lớp; hoặc có tới lớp học một, hai tiết đầu thì mấy tiết cuối cũng cúp cua đi theo tiếng gọi của những trận đánh trên màn hình màu ngoài tiệm net. Mẹ cậu là tiểu thương buôn bán ở chợ rất bận rộn khi là lao động chính nuôi chồng mất sức và 3 người con. Chỉ mình Dương là con trai nên bà cũng rất khổ tâm khi cậu không lo học hành, sợ tương lai sẽ phải lao động chân tay khổ cực.
Trong một lần đi họp phụ huynh, mẹ Dương dúi vào tay tôi năm mươi ngàn đồng, dặn lúc nào Dương bỏ học hãy gọi báo cho cô hay. Thời điểm mười bảy năm trước, số tiền đó với một nữ học sinh vùng quê như tôi được gọi là lớn. Dù tiếp xúc với Dương ít nhưng quan sát tôi biết Dương là cậu học trò thông minh. Không hiểu sao lúc đó tôi nảy ra ý định sẽ giúp Dương thay đổi, trở nên ngoan ngoãn và chăm học. Vậy là tôi bắt đầu chiến lược của mình bằng sự quan tâm qua những bức thư tay.
Tôi viết thư cho Dương mong cậu sẽ mở lòng tâm sự với bạn bè cùng lớp hoặc với tôi. Tôi khuyên cậu tập trung học hành đừng suốt ngày mê mẩn chơi game mà đánh mất tương lai. Ban đầu Dương có vẻ thờ ơ, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, cậu bắt đầu trò chuyện cùng tôi.
Dần dà sự kiên trì của tôi cũng có chút thành quả. Dương bắt đầu đi học đều hơn và chúng tôi ngày càng thân thiết với nhau. Những ngày lớp có buổi lao động hay vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, cậu ấy đều chờ tôi rồi cùng nhau đi trên một chiếc xe đạp Dương chở. Nhớ lần đi dự đám cưới của thầy chủ nhiệm, vì nhà xa lại đi bằng xe đạp nên Dương đã tình nguyện đưa tôi về. Nhà tôi cách lộ cái một quãng đồng, vậy mà Dương chẳng ngại ngần bì bõm cùng tôi lội nước. Lúc đó đang là mùa nước nổi, đồng tràn lênh láng, sợ áo quần tôi bị ướt, Dương đã cõng tôi băng qua cánh đồng dài…
Kỷ niệm đó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi dù đã gần 20 năm trôi qua. Sau này, mỗi đứa có một lựa chọn cho riêng mình, chúng tôi đi trên những con đường khác nhau nên không thường gặp mặt. Ai nghĩ rằng cậu học trò cá biệt năm nào khiến thầy cô ngao ngán đã thi đậu vào trường cảnh sát, rồi về tỉnh nhà trở thành một giảng viên. Cú lội ngược dòng ngoạn mục khiến mọi người không khỏi bất ngờ về Dương. Với tôi, đó là niềm tự hào vì bạn đã không đánh mất tương lai vào những trò game vô bổ.
Bây giờ mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, chúng tôi đều cười xòa. Kỷ niệm đúng là món quà tuyệt đẹp với chúng tôi.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/158664/ky-niem-la-mon-qua