Kỷ niệm những chuyến đi…
Ký sự của Xuân Phong (Tạp chí Thương hiệu & Công luận)
BPO - Đời người, ai mà chả có ít nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm gia đình, kỷ niệm học trò, kỷ niệm bạn bè, kỷ niệm quê hương… Chỉ riêng chuyện “nghề gì mùi gì” cũng ngồn ngộn biết bao kỷ niệm... Nghề báo chúng tôi - là những chuyến đi rong ruổi trên khắp mọi vùng, miền, đến với thực tiễn - cây đời, khao khát làm sao viết được những bài báo hay, súc tích và có hồn.
“Ra đảo… Robinson”
Hồi sinh viên năm thứ 3 (Phân viện Báo chí và Tuyên truyền - nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), chúng tôi đã được nhà trường cho đi thực tập lần đầu. Tôi đăng ký thực tập tại một tờ báo lớn của Thủ đô.
Suốt quãng thời gian thực tập (3 tuần), báo chỉ cấp duy nhất 1 giấy giới thiệu “Phóng viên tập sự”. Sau kỳ thực tập, tôi đã có được 4 bài đăng trên báo này, vượt kế hoạch giao 1 bài. Trong đó có một kỷ niệm đáng nhớ.
Cầm giấy giới thiệu “Phóng viên tập sự” trong tay, tôi thấy mình kiêu hãnh làm sao! Tự nhiên, chợt nhớ ra một điều, rằng mình có người bạn “tri kỷ” là Nguyễn Thái Sơn, cùng sống với nhau bên Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc), về ở tận Mai Châu (Hòa Bình), thử làm một chuyến lên đó…
(Xin nói thêm, năm 1982, tôi - chàng lính trẻ Lữ đoàn 249 - Công binh Sông Lô, được cử đi học nghề tại Tiệp Khắc. Sau 4 năm học, ra trường nhận bằng đỏ, chúng tôi xin ở lại làm công nhân hơn 4 năm. Năm 1990, tôi về nước và mãi 1994 tôi mới thi - đỗ và vào học hệ chính quy, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Rủ được anh bạn Phạm Ngọc Chuẩn, khi đó đang thực tập tại báo Tiền phong (hiện là phóng viên báo Thái Nguyên), với anh Nguyễn Văn Tuấn, cũng bạn ở cùng bên Tiệp Khắc, chúng tôi làm cuộc hành trình ngược Mai Châu. Cách Hà Nội chừng 150km, đường lên Mai Châu ngoằn ngoèo, leo đồi, núi cao.
Sớm tinh mơ, từ Hà Nội, chúng tôi đi bằng 2 chiếc xe máy cà tàng, phải mất hơn 6 tiếng đồng hồ mới tới thị trấn Mai Châu.
Tới nơi, hỏi Sơn “bò to” (cán bộ Phòng Thuế huyện) thì được biết, cậu ấy đang ở “đảo… Robinson” - bản Phúc (Phúc Sạn, Mai Châu).
Lúc này, đã hơn 11 giờ trưa. Ba chúng tôi, ai nấy mệt nhoài, bụng đói, nhưng vì cái tên “đảo… Robinson” lôi cuốn, tôi cố thuyết phục họ bằng được cùng tới đó.
Đứng dưới lưng chừng núi (đoạn Quốc lộ 6 cũ) nhìn xuống lòng hồ Phúc, thấy sâu hun hút, chóng mặt. Được biết, trước năm 1987, lòng hồ là bản của bà con người Mường, khi trở thành hồ chứa nước Thủy điện Hòa Bình thì bà con phải bươn lên sinh sống trên triền núi cao bên kia hồ.
Trận mưa lúc sớm chưa kịp ráo nước, để lại những đám ướt lấp lóa tựa những mảnh gương soi - suốt lối mòn nhỏ xíu dốc từ đường chính xuống tới mặt hồ, dài hơn trăm mét. Nếu đứng ở bất kỳ một điểm nào trông xuống, cũng không thấy mặt hồ. Bởi lẽ, lòng hồ là vực thẳm sâu…
Dò dẫm theo lối mòn xuống lòng hồ, chúng tôi phát hoảng. Tay túm chặt gốc cây hoang, chân trần bấm chắc vào khe đá, vẫn cứ lo bị tụt. Mãi rồi cũng xuống tới mặt nước.
Một cái hồ hình lòng chảo khá rộng, nhìn sang bờ bên kia, chỉ thấy những vệt mờ. Chờ độ mươi phút đồng hồ thì gặp đò máy.
Cán bộ huyện Mai Châu đi cùng nói vui: “Các anh được ưu tiên. Thường thì khách phải đợi cỡ nửa tiếng mới có đò”.
Ngồi đò máy chừng 15 phút, tôi hỏi chú xế: - Mình sắp tới chưa?
- Còn bằng ấy thời gian nữa là tới, chú xế không ngoái đầu lại, nói.
Tôi chợt rùng mình. Con đò nhỏ nhoi “ít” sức ngựa chở chúng tôi, đang chơi vơi giữa lòng hồ. Nghe nói cái lòng chảo này sâu tợn, nước ngập tới lưng chừng núi.
Ngước nhìn sang phía bên kia bờ: Vách núi dựng đứng, cây cối um tùm che chắn hết cả lối đi. Xa hơn, cao hơn, thấp thoáng bóng nhà sàn.
Đò tiến dần tới bờ, rồi mọi người bám vào một lối mòn!
- Lại một lối mòn nhỏ xíu! Tôi thốt lên.
Chú xế bảo:
- Lối mòn này, dài gấp mấy lần lối mòn các anh đã xuống dốc bên kia hồ!
Thế rồi leo - bò đến bủn rủn chân tay, tóc gáy dựng đứng.
Anh bạn nói giọng hài hước:
- “Leo” bản, cứ như ra đảo… Robinson!
Đường dân sinh vất vả là vậy.
Mà đường dân sinh, thì nó là “cái cột sống” đối với bà con dân bản.
Chưa hết, đời sống của bà con người Mường ở lưng chừng núi gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn đủ bề bởi ruộng không có, chỉ trông vào cây sắn, cây muồng. Nguồn nước chỉ nhỏ giọt, chẳng khác nào “nước mắm nhỉ”. Việc học hành của con trẻ, thật là điều đáng buồn…
Sau chuyến đi đó, tôi viết bài báo dài “Nỗi niềm người dân bản Phúc” - đăng trên tờ báo lớn, nơi tôi đang thực tập, được đánh giá cao…
Trở lại trường học tập, trong lòng tôi “khát” được đi thực tế để tiếp tục viết bài. Nhưng đi đâu, làm gì?
Không có giấy giới thiệu thì khó lắm. Tôi với anh bạn Phan Ngọc Chính mới nghĩ ra cái trò… chữa ngày trên giấy giới thiệu ở tờ báo tôi đã thực tập lúc trước.
Hai anh em đi công tác, nhờ vào cái “bùa” đó. Đến khi hết ngày, thì chữa đến… tháng. Điều này, mới ngúc ngoắc làm sao! Do tôi không khéo nên dễ bị nhận ra là… man trá! Nhưng không còn cách nào khác, đành “mặc kệ”!
Lần đó, chúng tôi đi thực tế Đông Anh (Hà Nội), nơi có nhiều đơn vị, doanh nghiệp…
Có mặt ở địa phương, hễ thấy chỗ nào có tên doanh nghiệp hay cơ quan, thì chúng tôi đều mạnh dạn “xin vào làm việc”. Nhưng như đã nói ở trên, bởi giấy giới thiệu “người mắt kém cũng dễ dàng nhận ra…” nên phần lớn đi tới đơn vị nào cũng đều bị “soi”…
Thành thử, có không ít đơn vị từ chối bằng đủ lý do, có đơn vị “dẫu soi mà vẫn tiếp”. Đi hết buổi sáng, tới giờ ăn trưa, mua đôi chiếc bánh mì “không người lái” ăn tạm cho đỡ đói rồi tìm bãi có cây xanh nằm nghỉ, chiều lại xông pha…
Chuyến đi để lại nhiều áy náy, nhưng lại thành công. Đó là việc tôi đã hoàn thành các bài báo (những nơi tiếp đón), đăng trên một số báo, có gửi báo biếu đơn vị - điều đó để chứng tỏ mình không thất tín và bởi một phần say nghiệp - có nhuận bút - vô cùng cần thiết đối với tôi khi đó.
Đã như cái nghiệp…
Vừa ra trường (tháng 8-1998), mới “chân ướt chân ráo” đã được nhận vào làm tại báo Lao động Xã hội - đó là niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi.
Mồng 4 Tết 1999, có mặt tại Tòa soạn, anh Phí Văn Chiến - Trưởng ban Thời sự bảo tôi: “Cậu đi công tác Bắc Giang ngay, viết về Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc (Chương trình 327)”.
Không chậm trễ, tôi lên đường ngay buổi sáng, tới huyện Yên Dũng, một trong những nơi phát triển mạnh nghề rừng của Bắc Giang.
Trời rét căm căm, lại mưa phùn. Giữa đường, lạnh quá, tôi phải khoác thêm chiếc áo mưa quân đội.
Tới cầu Bắc Giang, tôi chẳng may đi vào đường một chiều. Cán bộ công an tuýt còi, đề nghị dừng xe. Tôi kéo áo mưa, miệng nói không ra hơi: “Mong anh thông cảm, trời rét quá, tôi trùm kín nên nhìn không rõ”. Có lẽ, bộ dạng tôi khi đó “ốm” quá nên cán bộ công an mới nói nhỏ nhẹ: “Lần sau, anh đi đường, nhớ chú ý quan sát cho kỹ”.
Có mặt tại trụ sở UBND huyện Yên Dũng, tôi xin được vào gặp lãnh đạo…
Và câu đầu tiên Phó chủ tịch UBND huyện dành cho tôi: “Sao phóng viên báo đã đi công tác sớm thế?”!
Tròn 2 ngày, tôi tiếp cận với cán bộ UBND huyện, Phòng Nông nghiệp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hạt Kiểm lâm… Về, hoàn thành bài báo “Xanh mãi Nham Biền” - được Ban biên tập khen ngợi.
Một lần (1999) anh Xuân Ba (khi đó phụ trách trang phóng sự Báo Tiền phong) bảo tôi:
- X.P đi Bắc Giang, viết về cây vải thiều tự nhiên chết rũ.
- Nhưng bên báo em không cử đi, sợ về bài viết không được đăng?
- Chú cứ xin giấy giới thiệu “Lao Xã” đi công tác Bắc Giang, anh sẽ đăng trên báo Tiền phong!
Như được mở cờ trong bụng, không chần chừ, ngay sáng hôm sau, tôi lên đường. Chuyến công tác thật vô cùng vất vả.
Tại huyện Lục Ngạn, nơi có số cây vải “ngoẻo” nhiều nhất/tổng số hơn 6.000 cây chết rũ cả tỉnh, tôi phải tiếp cận cả bên Đảng ủy, UBND, Phòng Nông nghiệp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; sang các huyện Lục Nam, Yên Thế cũng vậy. Lại về làm việc với cán bộ Sở Nông nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục Bảo vệ thực vật…
Khi thông tin chưa thực sự tin cậy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật đều khuyên tôi: “Phóng viên nên tới Viện Bảo vệ thực vật (Hà Nội), gặp các giáo sư để tìm hiểu thêm cho kỹ lưỡng…”.
Vậy là, điều tra về cây vải tự nhiên chết rũ, tôi đã phải chóng mặt, đi không biết bao nhiêu cơ quan, tới nhiều nơi mới giúp làm sáng tỏ.
Về nhà, sau mấy đêm vắt óc suy nghĩ, tôi mới bắt tay vào viết, hoàn thành bài báo dài “Phương thuốc nào cho cây vải Bắc Giang - tự nhiên chết rũ?”, đăng trên báo Tiền phong…
Nghiệp báo là vậy.
Nhà báo, phóng viên phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều… thì mới có thể đúc rút cho mình những kinh nghiệm, phương thức ứng xử hay và mới có thể cầm bút viết lên những bài báo - mà mình cho là tâm đắc.
Nghề báo - đòi hỏi kiến thức rộng, càng am hiểu nhiều lĩnh vực càng tốt. Đương nhiên, người “yêu nghề báo” - ngoài những phẩm chất về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, còn đòi hỏi phải có bản lĩnh, sự đam mê và lấy thực tiễn - coi thực tiễn là “cây đời mãi mãi xanh tươi”!
Đối với một người làm báo, đương nhiên phải học tập lý luận, trau dồi nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức một cách toàn diện; song, nắm bắt thực tiễn là một vấn đề hết sức quan trọng.
Học lý luận không bao giờ là đủ. Song, dù trình độ lý luận đến đâu mà không đi sát cuộc sống, không hằng ngày, hằng giờ quan sát thực tiễn và suy nghĩ những gì đang diễn ra trong thực tiễn, góp một tiếng nói vào sự giải quyết các vấn đề thời sự nóng bỏng trong thời cuộc, thì không thể có những đề tài hay, càng không thể có những bài báo hay được.
Cuộc sống - tức là thực tiễn - là gốc mà hoa trái là các bài báo. Không có gốc tốt, không thể có hoa thơm trái ngọt. Không có thực tiễn thì không thể có bài báo hay.
Thực tiễn là gốc của lý luận, là nguồn cảm hứng muôn đời của thi nhân, văn nghệ sĩ, là tiêu chuẩn của chân lý và cũng là nguồn vô tận của báo chí. Vốn thực tiễn cùng với lý luận - là tài sản vô giá của người làm báo.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/133593/ky-niem-nhung-chuyen-di