Kỷ niệm những ngày tiếp quản tổng cuộc dầu hỏa của chính quyền Sài Gòn (Kỳ 1)

Năm tháng sẽ trôi đi nhưng trong một đời người có những kỷ niệm đặc biệt mà mỗi khi nhớ lại nó vẫn sôi động như đang diễn ra trước mắt với những xốn xang lay động đến từng ngõ ngách của tâm hồn. Đối với tôi, những ngày đầu tháng 5 năm 1975 là một trong những kỷ niệm đó.

Cố PGS.TS. Trần Ngọc Toản

Cố PGS.TS. Trần Ngọc Toản

Tôi tốt nghiệp tiến sỹ công nghệ tại trường dầu Bucarest – Rumani ngày 22/12/1970, đúng vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và về công tác tại Liên đoàn 36 vào tháng 1/1971. Trong thời gian đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Cùng với hàng triệu thanh niên miền Bắc hăng hái tòng quân, những công nhân, cán bộ ở Liên đoàn 36 cũng lớp lớp ra đi chiến đấu. Trong số những cán bộ kỹ thuật có anh Nguyễn Ngọc Sớm – kỹ sư địa chất, đoàn trưởng đoàn 36B, tiền thân của Viện Dầu khí ngày nay và tôi năm nào cũng có tên trong danh sách đi B. Anh Sớm nguyên là đại đội trưởng biệt động Sài Gòn, đã từng bị bắt và đày ở nhà tù Côn Đảo, còn tôi là một người lính của chiến trường Liên khu 5, đã từng chiến đấu trong vùng tạm chiếm Quảng Nam – Đà Nẵng nên được xem là có ít nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hậu địch do đó được lãnh đạo Liên đoàn ưu tiên lựa chọn để vào Nam công tác. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc lúc đó cũng là một nhiệm vụ trọng tâm rất mới mẻ nên hàng năm, cứ sau mỗi lần tập trung lại được về lại đơn vị tiếp tục làm việc. Sau này tôi hiểu rằng việc điều động những cán bộ khoa học kỹ thuật đã được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa đi vào chiến trường cũng được cấp trên cân nhắc rất kỹ, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn phát triển của cách mạng.

Đầu năm 1975, sau chiến thắng Phước Long, tình hình chiến sự đã đổi khác. Chúng tôi lại có lệnh đi tập trung, tập hành quân bộ với chiếc ba lô đựng đầy gạch vụn và chắc chắn là sẽ được đi thật. Chúng tôi đều có gia đình, con cái còn bé bỏng, kinh tế rất khó khăn, mọi nhu cầu của cuộc sống chỉ được đáp ứng ở mức tối thiểu nên mọi sự cực khổ để gánh vác cái tổ ấm con con ấy đều đổ lên vai những người vợ đảm đang mà hàng vài tháng chúng tôi mới có điều kiện về thăm một hai ngày. Thế nhưng ở thời chống Mỹ, khi được tin chồng sẽ đi B, các bà vợ đều giấu kín những cảm xúc đau buồn để động viên chúng tôi lên đường với lòng tự hào như hàng triệu bà mẹ, bà vợ anh hùng khác của đất nước.

Sang đầu tháng 3/1975, chúng tôi được chính thức thông báo sẽ đi cùng với một số cán bộ địa chất để vào làm việc trong đoàn địa chất của Chính phủ Cách mạng Miền Nam Việt Nam, phụ trách về mảng dầu khí. Tài liệu kỹ thuật hầu như chằng có gì ngoài vài bài báo bằng tiếng Pháp về địa chất đất liền xuất bản trước năm 1945 của Sở Địa chất Đông Dương và vài bài báo hàng ngày xuất bản ở Sài Gòn năm 1974 nói về giếng khoan Hồng-1x với kết quả tìm ra được vết dầu mà không có một chi tiết nào về địa chất – địa vật lý của thềm lục địa nhưng lại rùm beng về “trữ lượng dầu hỏa ở Trung Đông so với ở bồn trũng Sài gòn – Sarawak giống như con tem dán trên lưng con voi(!)”.

Nhóm lưu học sinh Việt Nam sang Rumani tháng 8/1956 cùng 2 giáo sư Đại học Tổng hợp Bucarest dạy bổ túc Toán, Lý, chương trình Trung học phổ thông (Từ trái sang phải: Người ngồi: Nguyễn Hữu Thuận (Y khoa Bucarest, nay sống ở Rumani); Nguyễn Hoàng Minh (Đại học Mỏ Petrosani); người đứng: Trần Ngọc Ý (Khoa Hóa, Đại học Bách khoa Bucarest); Trương Văn Bích (Đại học Mỏ Petrosani); Trần Ngọc Toản (Đại học Dầu mỏ, Khí đốt và Địa chất Bucarest).

Nhóm lưu học sinh Việt Nam sang Rumani tháng 8/1956 cùng 2 giáo sư Đại học Tổng hợp Bucarest dạy bổ túc Toán, Lý, chương trình Trung học phổ thông (Từ trái sang phải: Người ngồi: Nguyễn Hữu Thuận (Y khoa Bucarest, nay sống ở Rumani); Nguyễn Hoàng Minh (Đại học Mỏ Petrosani); người đứng: Trần Ngọc Ý (Khoa Hóa, Đại học Bách khoa Bucarest); Trương Văn Bích (Đại học Mỏ Petrosani); Trần Ngọc Toản (Đại học Dầu mỏ, Khí đốt và Địa chất Bucarest).

Sang đầu tháng 4/1975 sau khi ta giải phóng Huế, Đà Nẵng, việc chuẩn bị lên đường được tiến hành gấp rút hơn. Chúng tôi bàn giao công việc cho các đồng chí ở lại, nhận ba lô, quân phục giải phóng quân, lương khô, thuốc men và tuần nào cũng có mặt ở Hà Nội vài ngày để chờ nhận lệnh. Lúc này trong danh sách của chúng tôi được bố trí thêm anh Lê Quang Trung, kỹ sư địa chất, sau này là Phó Tổng Giám đốc Vietsopetro. Như thế, nhóm chúng tôi có 3 người do anh Sớm phụ trách. Tình hình chiến sự càng diễn biến nhanh, chúng tôi lại càng sốt ruột. Cả ngày gần như chẳng làm gì nhưng đi về thăm vợ con cũng không được phép. Mãi đến ngày 28/4/1975 mới có cuộc họp chính thức do ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất chủ trì giao nhiệm vụ cụ thể cho đoàn, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Đức, Tổng cục phó, nguyên chiến sỹ Ba Tơ. Ông Điệp đầy xúc động thông báo quyết định của Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng Miền Nam trong năm 1975. “Các đồng chí là cán bộ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ thu thập tài liệu địa chất, dầu khí của chính quyền Sài Gòn, tìm hiểu cơ sở vật chất, nhân lực, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, hệ thống quản lý và nắm tình hình khoáng sản, dầu khí phục vụ cho công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Tình hình chưa biết sẽ diễn biến như thế nào nhưng chắc chắn là sẽ rất ác liệt vì theo quy luật thì kẻ địch đến bước đường cùng càng ngoan cố. Trong tương lai có thể là sẽ có một chính phủ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam nhưng cũng có thể là một chính phủ liên hiệp tùy thuộc vào việc giải phóng Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cũng như phản ứng của Mỹ như thế nào. Dù trong điều kiện gay go, phức tạp đến đâu thì các đồng chí cũng phải hoạt động trên tinh thần của một chiến sĩ cách mạng, một chiến sĩ giải phóng quân, dũng cảm, sáng tạo, tìm mọi cách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đó là những câu tôi còn ghi lại được trong sổ công tác ngày ấy.

Ngày lên đường ấn định vào 5/5/1975. Bây giờ nhìn lại thì thấy cấp trên lúc đó cũng không biết chiến sự còn kéo dài đến bao lâu nhưng chắc chắn là không phải ngay trong một vài tháng. Ngày 29/4/1975, vợ tôi từ Nam Định lên Hà Nội tiễn tôi lần cuối. Vào 1 giờ chiều ngày 30/4 trong lúc tiễn vợ ra ga về Nam Định thì loa phóng thanh ở Bờ Hồ thông báo tin chiến thắng, phát lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Ngay khi lời thông báo dõng dạc của phát thanh viên vừa chấm dứt cả Hà Nội như nổ tung, tất cả mọi người đổ ra đường, nói cười dậy phố, truyền cho nhau những tin nóng hổi nghe bất cứ từ nguồn nào, kể cả nguồn tự tưởng tượng ra. Và cũng không biết từ đâu hàng ngàn lá cờ xuất hiện, màu đỏ hòa với màu phượng vĩ đầu mùa, di chuyển ngược xuôi trong tiếng nhạc hân hoan của các bài ca cách mạng phát ra từ những chiếc loa phóng thanh mở hết công suất giữa một cuộc mít tinh tuần hành tự phát của cả Thủ đô trong muôn sắc màu. Tôi và vợ tôi đi giữa dòng người ấy với niềm vui quá đỗi đột ngột, quá lớn lao, nước mắt cứ tự dưng trào ra không ngăn lại được.

Ngày 1/5, tôi đến Tổng cục Địa chất để hỏi xem kế hoạch lên đường có gì thay đổi không nhưng không gặp ai. Trên đường về tôi tình cờ gặp một cán bộ chỉ huy cao cấp của tôi. Đồng chí ấy nói tôi ngày mai đi với đoàn an ninh, có nhiều việc phải làm ngay, sau sẽ trở về với đoàn địa chất.

Ngày 2/5 tôi sang sân bay Gia Lâm cùng với đoàn mới. Chiếc máy bay mang biển số BH-198 xuất phát lúc 1 giờ 15 phút chiều. Qua Phủ Lý lúc 1 giờ 30, tất cả chỉ còn là một biển mây, thấp thoáng mới thấy một vài thôn xóm như những đảo nhỏ. 1 giờ 36 phút bay trên Nho Quan, các núi đá vôi xếp lô nhô, tím sẫm, những con đường trắng đục, mảnh như sợi chỉ đặt vô tình trên tấm thảm xanh. 1 giờ 40 đến địa phận Thanh Hóa, tỉnh kết nghĩa với Quảng Nam quê tôi, nhìn rất rõ vùng biển nông màu đỏ đục khác hẳn với vùng biển xa bờ màu xanh lơ. Lần đầu tiên tôi được đi máy bay trên bầu trời Tổ quốc, xúc động không biết nói thế nào cho hết. Tôi có thói quen viết nhật ký bằng văn xuôi hoặc văn vần, đó là những “bức ảnh đa chiều” ghi lại cảnh thiên nhiên và tình cảm của mình ở những vùng đi qua. Tôi ghi lại ở đây các đoạn nhật ký viết trên máy bay ngày ấy để các bạn cùng đọc cho vui.

Qua Phủ Lý:

Kính chào Miền Bắc thân yêu

Bao xương, bao máu, bao nhiêu lòng vàng

Hôm nay tung cánh về Nam

Nước non ngàn dặm lại càng thiết tha.

Ngã ba Đồng Lộc:

Đến đây đường rẽ thành ba

Đường Nam, đường Bắc, đường qua xứ Lào

Gì kia lóng lánh như sao

Chắc tay cô Tám đang chào đoàn quân.

Bến Hải:

Quanh co một dải Cửa Tùng

Vĩnh Linh đất thép anh hùng là đây

Dịu dàng đàn hải âu bay

Gió xuân cách mạng ngất ngây cánh buồm.

Thừa Thiên - Huế:

Trắng phau bãi cát Miền Trung

Trên cao nhìn xuống biết vùng nào đây

Xe tăng, đại bác còn đầy

Chỏng chơ, lố nhố như bầy ruồi đen.

Hải Vân:

Ngổn ngang núi đứng xây thành

Trắng phau mây nối núi xanh với trời

Hải Vân, đất Quảng đây rồi

Ô hay, nước mắt lại rơi ướt đầm.

Quy Nhơn:

Lại bay trên mặt Biển Đông

Thẳng băng sóng tựa anh hùng duyệt binh

Nước chia nửa lục nửa xanh

Hẳn thềm lục địa long lanh ánh dầu.

Nam Trung Bộ:

Nha Trang, Phan Thiết nằm đâu

Xa xa xanh thẫm sắc màu Tây Nguyên

Mênh mông sao những đồn điền

Rừng vàng, biển bạc mọi miền về ta.

Đến Gia Định:

Dưới chân là một biển nhà

Vườn cây Gia Định la đà sắc xuân

Cờ sao đỏ thắm như rừng

Dọc ngang phố xá tưng bừng ngày vui.

Xuống Tân Sơn Nhất:

Thoắt đà ba chục năm trời

Bao nhiêu máu chảy, đầu rơi trên đường

Việt Nam – Tổ quốc yêu thương

Vươn vai Phù Đổng kiên cường hiên ngang

Trên vòng nguyệt quế vinh quang

Ngày mai ta biết gian nan còn nhiều

***

Nghiêng nghiêng cánh mũ tai bèo

Quả tim người lính lại reo trên đường...

Hà Nội – Sài Gòn ngày 2/5/1975

Xem tiếp kỳ sau...

Cố PGS.TS Trần Ngọc Toản

Nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/ky-niem-nhung-ngay-tiep-quan-tong-cuoc-dau-hoa-cua-chinh-quyen-sai-gon-ky-1-726995.html