Kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp: Chuỗi sự kiện không thể bỏ lỡ!
Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser đã có buổi phỏng vấn riêng với Báo Người Lao Động nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam-Pháp (2013-2023).
. Trên cương vị Tổng lãnh sự Pháp, bà có nhận định như thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp thời gian qua nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước?
- Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser: Năm 2023 quả thật là một năm rất đặc biệt đối với Pháp và Việt Nam. Chúng ta có dịp tiến hành một kỷ niệm kép: kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Đây là cơ hội để chúng ta tổng kết thành quả đã đạt được trong 50 năm qua mặc dù hiển nhiên quan hệ giữa Pháp với Việt Nam đã được thiết lập từ trước năm 1973. Để tổng kết mối quan hệ này, chúng ta cần xem xét rất nhiều lĩnh vực vì may mắn là chúng ta đã có mối quan hệ hợp tác về nhiều mặt.
Trước tiên là trên phương diện chính trị, bạn (phóng viên) đã nhắc đến chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Pháp, ông Larcher vào tháng 12 vừa qua. Nhân dịp này, ông Chủ tịch đã hội kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và đến thăm một số công trình do các doanh nghiệp Pháp thực hiện, như tuyến đường sắt đô thị (Metro) Hà Nội. Đó quả là một bước khởi động đầy ý nghĩa cho sự kiện kỷ niệm của chúng ta! Tôi cũng xin nhắc lại với quý độc giả rằng năm 2021, nước Pháp đã đón tiếp Thủ tướng Việt Nam tại Paris, đây không chỉ là dịp hội kiến Tổng thống Cộng hòa Pháp mà còn là chuyến thăm một số doanh nghiệp Pháp. Hai chuyến thăm của Ông Larcher và của Thủ tướng Việt Nam đều đặc biệt thành công. Dĩ nhiên chúng tôi hy vọng sẽ còn nhiều dịp khác để tăng cường các chuyến thăm từ hai phía.
Quan hệ giữa hai nước chúng ta đã được thiết lập vững chắc trong nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh tế, quan hệ rất dày đặc giữa hai nước được thể hiện thông qua kim ngạch thương mại song phương lên tới 8 tỉ euro năm 2022. Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục đà tăng trưởng này vì rất nhiều doanh nghiệp Pháp đang xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam và đương nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng xuất khẩu và bắt đầu đầu tư sang Pháp. Hai đại diện tiêu biểu mà tôi có thể kể đến là Viettel và VinFast nhưng chúng tôi mong có thể chào đón nhiều doanh nghiệp hơn nữa.
Pháp luật là một trong các lĩnh vực mà hai nước có quan hệ hợp tác lâu đời. Năm nay, chúng ta kỷ niệm 30 năm hợp tác pháp lý giữa Pháp và Việt Nam. Đặc biệt, nước Pháp đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình soạn thảo Bộ luật Dân sự và tham gia vào hai lần sửa đổi sau đó. Giáo sư Grimaldi, một gương mặt tên tuổi ở Việt Nam, đã đóng góp tích cực vào quá trình biên soạn này.
Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Pháp, một nước có vị trí, vai trò quan trọng ở châu Âu và trên thế giới. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của ngài Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher vào tháng 12-2022 diễn ra vào thời điểm quan trọng trong quan hệ Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Lễ khởi động các sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp được xem là khúc nhạc dạo đầu hoàn hảo cho khải hoàn ca trong quan hệ của hai nước như Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực giáo dục, theo nghĩa rộng, chúng tôi tiếp đón khoảng 6.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp. Chúng tôi rất vui mừng và hy vọng những bạn trẻ Việt Nam khác sẽ đến khám phá đất nước xinh đẹp của chúng tôi.
Chúng tôi đã có cơ hội tăng số lượng học bổng cấp cho sinh viên Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 3 trên thế giới về số lượng sinh viên nhận học bổng đại học. Đối với chúng tôi, điều này có ý nghĩa quan trọng vì sau đó, những sinh viên này có thể gia nhập các công ty Pháp hoặc Việt Nam và nhất là trong lĩnh vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Đây là lĩnh vực hợp tác mà chúng ta đã hợp tác từ rất lâu đời, thông qua Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD) hay Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự Phát triển (CIRAD).
Các cơ quan này thực hiện nhiều dự án hợp tác với Việt Nam và chúng tôi hy vọng rằng điều đó sẽ tiếp tục được duy trì. Trong lĩnh vực phát triển bền vững cũng như trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hoạt động rất tích cực tại Việt Nam. AFD thực hiện nhiều dự án quan trọng ở hàng chục tỉnh thành để chống xâm nhập mặn, lũ lụt và nước biển dâng. Đặc biệt, tôi có thể kể đến dự án tại Hội An, với giá trị 35 triệu euro, nhằm bảo vệ bờ biển và các bãi biển của khu vực này.
Có thể thấy rằng trong tất cả các lĩnh vực này, chúng ta đều rất tích cực và hợp tác dày đặc. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ tiếp tục được phát huy, đặc biệt là nhờ vào thế hệ trẻ, nhân tố rất quan trọng để phát triển quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi mong rằng năm nay, các bạn trẻ Việt Nam sẽ có cơ hội học tiếng Pháp trong các chương trình song ngữ và khám phá ngôn ngữ của chúng tôi thông qua nhiều sự kiện được tổ chức.
Mỗi năm, hội chợ Pháp ngữ diễn ra vào tháng 3 và hội chợ vừa qua mang chủ đề "Hành tinh và Môi trường" nhằm nâng cao nhận thức của các bạn trẻ về phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ còn các sự kiện văn hóa khác trong suốt năm kỷ niệm này. Chúng tôi rất háo hức trông chờ.
. Việt Nam và Pháp đang hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giáo dục và đào tạo, hợp tác giữa các địa phương… Trong năm 2023 này, Pháp có dự kiến tổ chức những sự kiện, dự án lớn nào để tôn vinh mối quan hệ Việt Nam – Pháp, nhằm giúp chia sẻ các giá trị văn hóa đặc sắc, ghi lại dấu ấn sâu đậm đối với nhân dân hai nước hay không?
- Năm 2023 là một năm rất đặc biệt với chúng ta. Chúng tôi dự kiến tổ chức sự kiện này thật tốt và cho thấy sự đa dạng trong quan hệ giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực mà bạn (Phóng viên) vừa nhắc tới. Trước tiên là trong lĩnh vực kinh tế, tháng 3 vừa qua, chúng tôi có cơ hội đón tiếp khoảng 450 nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương tập trung tại Việt Nam để thảo luận về triển vọng phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với các nước trong khu vực.
Chúng tôi hân hạnh đón ông Olivier Becht, Bộ trưởng ủy quyền phụ trách Ngoại thương, Thu hút nước ngoài của Pháp và người Pháp tại nước ngoài, tham gia và khai mạc diễn đàn Cố vấn Ngoại thương của Pháp. Chuyến thăm của Bộ trưởng góp phần tái khẳng định tầm quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp cũng như sự cần thiết tăng cường sự hiện diện kinh tế của Pháp trong khu vực này.
Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch cho nhiều sự kiện trong mọi lĩnh vực và ở khắp các địa phương: từ Hà Nội, Huế cho đến Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã khai mạc chuỗi sự kiện ẩm thực vào tháng 3 và sẽ kết thúc vào tháng 6, tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội. Nhiều sự kiện sẽ được tổ chức với sự có mặt của các bếp trưởng người Pháp và xoay quanh các chủ đề đa dạng như rượu vang, sô cô la, cà phê hoặc bánh mì, vì món bánh mì baguette của Pháp vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Vào mùa thu, chúng tôi sẽ có một chuỗi sự kiện khác xoay quanh thời trang và phong cách sống kiểu Pháp theo nghĩa khái quát và sẽ có một cuộc tranh tài quy mô lớn trong lĩnh vực thời trang để tìm ra gương mặt nhà thiết kế Việt Nam triển vọng. Chúng tôi rất háo hức chờ đón cuộc thi này và hy vọng rằng thế hệ các nhà thiết kế trẻ tương lai cũng sẽ như vậy.
Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các sự kiện xoay quanh phong cách sống và nghệ thuật bài trí bàn ăn và sẽ giới thiệu phong cách sống kiểu Pháp trong các lĩnh vực như thiết kế (với các cuộc triển lãm đang lên kế hoạch). Và đừng quên khía cạnh di sản vì vào tháng 12, sẽ có một màn trình diễn âm thanh và ánh sáng tại Đại nội Kinh thành Huế, khép lại năm kỷ niệm kép này một cách tưng bừng nhất. Chúng tôi hy vọng sẽ có thật nhiều người bạn Việt Nam tham dự tất cả các sự kiện này.