Kỷ niệm về người tiên phong mở Đường Hồ Chí Minh trên biển

Tôi không có cơ hội được gặp Thượng tá, Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 962 (nay là Lữ đoàn 962, Quân khu 9), bởi ông đã mất từ khi tôi chưa nhập ngũ, nhưng tôi may mắn nhiều lần được đến thăm quê hương, gia đình, được nghe con gái ông là Bông Thị Ưa cùng nhiều đồng đội của ông ở 'Đoàn tàu không số' và Đoàn 962 kể về thời quân ngũ của Anh hùng Bông Văn Dĩa.

Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa sinh năm 1905, trong một gia đình ngư dân nghèo ở ấp Rạch Gốc, làng Tân Ân, huyện Năm Căn, tỉnh Minh Hải (nay là xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Từ nhỏ, do chứng kiến cảnh thực dân, đế quốc, điền chủ bóc lột, đối xử hà khắc với nhân dân lao động nên khi được thầy giáo, nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển giác ngộ, Bông Văn Dĩa đã tình nguyện đi theo cách mạng. Năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng, rồi tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hòn Khoai. Bị thực dân Pháp đàn áp, thầy Phan Ngọc Hiển cùng 9 người khác bị kết án tử hình, còn Bông Văn Dĩa cùng hơn 20 chiến sĩ bị đày ra Côn Đảo. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng.

 Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa (bên trái) và Đại tá Khưu Ngọc Bảy (bên phải). Ảnh tư liệu

Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa (bên trái) và Đại tá Khưu Ngọc Bảy (bên phải). Ảnh tư liệu

Với bản tính trung thực và tinh thần dũng cảm, ông luôn được cấp trên tin cậy, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), ông được giao cùng với đồng đội tổ chức nhiều chuyến tàu vượt biển sang Thái Lan trao đổi, thu mua và sản xuất vũ khí, đạn dược trên đất bạn rồi vận chuyển về phục vụ chiến trường miền Nam. Bông Văn Dĩa đã cùng đồng đội tổ chức thành công nhiều đợt vận chuyển vũ khí về nước bằng đường biển và đường bộ. Trên hành trình vượt biển, băng rừng, ông và đồng đội nhiều lần chạm trán, anh dũng chiến đấu với hải tặc, sơn tặc, bảo vệ tài sản của cách mạng. Ngoài ra, ông còn tham gia tổ chức LLVT tại hải ngoại gồm con em Việt kiều Thái Lan và Campuchia yêu nước được huấn luyện, trang bị vũ khí, đưa về nước tham gia chiến đấu.

Bên bàn thờ phảng phất mùi trầm hương nhè nhẹ, trong căn nhà tưởng niệm Anh hùng Bông Văn Dĩa, Đại tá, cựu chiến binh Khưu Ngọc Bảy (nguyên Phó đoàn trưởng Đoàn 962) từng công tác với ông Dĩa trong nhiều năm, bồi hồi kể lại: "Đời quân ngũ của anh Bông Văn Dĩa gắn với nhiều hiểm nguy, gian khó trong thời kỳ cách mạng gặp khó khăn, nhưng ở đâu và trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến mấy, anh Dĩa cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong những nhiệm vụ ấy, phải kể tới chiến công của anh ở “Đoàn tàu không số”. Anh là người trực tiếp chỉ huy đội tàu của Bạc Liêu vượt biển bằng ghe buồm thô sơ ra miền Bắc xin vũ khí về cho quê hương đánh giặc; sau đó lại từ Bắc trở về Nam cũng bằng chính chiếc ghe ấy với nhiệm vụ thăm dò cửa lạch, bến bãi và nơi cất giấu vũ khí an toàn, chuẩn bị mở màn cho chiến dịch vận chuyển một lượng lớn vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển (năm 1962).

Tháng 7-1962, đồng chí Bông Văn Dĩa lại được Trung ương chỉ định vượt biển trở ra Bắc báo cáo kết quả tìm bến bãi và địa điểm cất giấu hàng hóa. Tháng 10-1962, Chính trị viên Bông Văn Dĩa cùng Thuyền trưởng Lê Văn Một trên tàu Phương Ðông I (thuộc Ðoàn 759, nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân) vận chuyển hơn 30 tấn vũ khí vượt biển trên chuyến tàu đầu tiên từ miền Bắc vào miền Nam an toàn.

Sau đó, theo chỉ đạo của Trung ương, đồng chí Bông Văn Dĩa ở lại bến Cà Mau, thành lập Đoàn 962 với nhiệm vụ tổ chức đón những chuyến tàu chở vũ khí từ Bắc vào Nam; giữ tuyệt đối bí mật bến bãi, kho tàng và tiếp nhận hàng nghìn tấn vũ khí, quân trang, quân dụng; tổ chức vận chuyển về khắp các chiến trường ở miền Tây và miền Ðông Nam Bộ an toàn.

Theo Đại tá, cựu chiến binh Khưu Ngọc Bảy, từ sau sự kiện "Tàu không số" bị lộ (tháng 2-1965 ở Vũng Rô, Phú Yên), địch tăng cường tổ chức kiểm soát khiến việc vận chuyển vũ khí của ta chịu nhiều tổn thất. Trước tình hình đó, Đoàn trưởng Bông Văn Dĩa đã mưu trí cùng đồng đội sáng tạo ra phương thức vận chuyển bán công khai bằng tàu hai đáy. Những chuyến tàu hai đáy tiếp tục vượt qua hàng rào dày đặc của địch, vận chuyển vũ khí vào phục vụ chiến trường miền Nam...

Với những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc, tháng 6-1967, đồng chí Bông Văn Dĩa đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông được coi là người chiến sĩ tiên phong mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

CHU ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/ky-niem-ve-nguoi-tien-phong-mo-duong-ho-chi-minh-tren-bien-788894