Kỷ niệm với Chư Păh

Trước đây, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) được đặt tên là Khu 4. Khu 4 bao gồm cả vùng phía Bắc đường 19B, Đông giáp thị xã Pleiku và phía Tây đường 14, Bắc giáp tỉnh Kon Tum, Tây giáp nước bạn Campuchia.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), để làm tốt công tác quản lý xã hội và xây dựng, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng-an ninh, địa giới hành chính được quy hoạch, phân chia lại, khi đó mới lấy tên là Chư Păh.

 Thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) hôm nay. Ảnh: Phạm Quý

Thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) hôm nay. Ảnh: Phạm Quý

Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, chúng tôi-những cán bộ trẻ của huyện Chư Păh (cũ), mỗi lần được phân công đi công tác ở các xã phía Bắc của huyện là nỗi cực nhọc không thể tả hết. Vì địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên Huyện ủy chủ trương chia thành từng cụm, mỗi cụm có 3-4 xã, phân công 1 ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách.

Từ thị trấn Ia Kha-trung tâm huyện lỵ-bằng xe đạp hoặc đi bộ, chúng tôi vượt chặng đường chưa đầy 20 km về Pleiku mất gần cả buổi. Rồi từ Pleiku đi các xã phía Tây hoặc Đông đường 14, chúng tôi cũng phải “nằm vùng” ít nhất là nửa tháng. Những chuyến công tác ấy thường kết hợp nhiều việc, từ vận động bà con không được nghe theo, không tiếp tế cho bọn FULRO đến việc khai hoang, phục hóa; làm thủy lợi; chăm sóc, thu hoạch lúa, hoa màu, nhập kho lương thực cho Nhà nước.

Công việc nào cũng có chỉ tiêu kế hoạch cụ thể, chưa hoàn thành thì chúng tôi chưa được rời cơ sở, trừ đồng chí lãnh đạo cụm cứ mỗi tuần phải về họp giao ban để báo cáo tình hình và nhận sự chỉ đạo từ huyện để triển khai cho tuần công tác mới.

Những chuyến công tác dài ngày như thế thường là vào những tháng đầu năm, đầu vụ mùa, vụ Đông Xuân để triển khai kế hoạch năm hoặc là những tháng cuối năm, chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch cả năm. Tuy vất vả nhưng chúng tôi rất vui vì được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con dân làng. Những đêm ở nhà rông với vách thưng bằng tre nứa, gió thổi vù vù, lạnh buốt thấu xương, chúng tôi vây quanh bếp lửa bên ghè rượu cần với mấy con cá khô cùng già làng.

Những năm ấy, dân làng còn nghèo lắm. Thế nhưng, thương cán bộ xa nhà, xa cơ quan, bà con có con cá bắt được từ sông suối, mớ rau kiếm được từ nương rẫy đều chia cho cán bộ. Những bữa cơm thơm lừng hương gạo mới mà bà con mời chúng tôi thật thấm đượm tình người.

Kết thúc chuyến công tác, chúng tôi còn được nhận những món quà của làng như nải chuối, mấy quả bí bầu, giò phong lan. Truyền thống hậu cứ với nghĩa tình quân dân như cá-nước thời kháng chiến vẫn hiện hữu mỗi khi chúng tôi có dịp trở lại làng với bà con.

Năm 1996, tỉnh Gia Lai đề nghị Trung ương cho quy hoạch lại địa giới hành chính và chia tách, thành lập 2 huyện mới là Chư Păh và Ia Grai để thuận lợi cho công tác quản lý, tạo thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Sau gần 30 năm chia tách, thành lập huyện mới và 50 năm sau ngày giải phóng, với sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ và chính quyền địa phương, cùng nhiều chủ trương, chính sách phù hợp tình hình thực tế, bộ mặt nông thôn Chư Păh đã có nhiều thay đổi. Huyện đã xóa hộ đói, từng bước giảm hộ nghèo một cách bền vững; hạ tầng cơ sở được đầu tư phát triển; hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố vững mạnh.

Địa bàn huyện Chư Păh khá rộng, điều kiện gần dân, hiểu dân vẫn còn là mục tiêu phấn đấu. Trong tương lai gần, tên huyện này sẽ đi vào kỷ niệm, bởi theo chủ trương mới, ở địa phương chỉ còn 2 cấp chính quyền là tỉnh và xã. Xã mới rồi đây sẽ còn rộng về diện tích tự nhiên và dân số sẽ tăng lên đáng kể. Việc sáp nhập nhiều xã vào với nhau sẽ giúp cấp ủy, chính quyền, cán bộ địa phương gần dân hơn.

Đặt ra tiêu chí cho việc sáp nhập xã, phường, thị trấn là điều nên làm để tránh tình trạng mỗi nơi làm theo một kiểu, song cũng phải xem xét điều kiện văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc vùng miền mà vận dụng sao cho hợp lý hợp tình, bởi mục tiêu cuối cùng vẫn là giúp công tác quản lý xã hội tốt hơn, sản xuất và đời sống của người dân phát triển, quốc phòng-an ninh đảm bảo hơn.

ĐOÀN MINH PHỤNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ky-niem-voi-chu-pah-post322352.html