Kỳ quan chiến đấu KAAN: Tham vọng định nghĩa lại các cuộc không chiến

Kỳ quan chiến đấu thế hệ mới - máy bay KAAN, tham vọng vượt khỏi biên giới, liệu có đủ sức định hình lại cuộc chơi không quân toàn cầu trong thập kỷ tới?

Bên lề sự kiện Teknofest, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) đã công bố một cột mốc quan trọng cho dự án máy bay chiến đấu KAAN. Công ty xác nhận chiếc tiêm kích thế hệ thứ năm sản xuất hàng loạt đầu tiên dự kiến sẽ bàn giao cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm 2028.

Một "kỳ quan công nghệ" và tham vọng xuất khẩu

Quá trình tiến đến năm 2028 đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm khắt khe và tiến bộ từng bước. Nguyên mẫu KAAN đầu tiên xuất xưởng vào ngày 17/3/2023 tại nhà máy của TAI ở Ankara, nơi các kỹ sư thực hiện hàng loạt thử nghiệm trên mặt đất để kiểm chứng cấu trúc khung và các hệ thống.

Những thử nghiệm này, bao gồm mô phỏng tải trọng tĩnh và kiểm tra tích hợp hệ thống, đã đặt nền móng cho chuyến bay đầu tiên của máy bay. Ngày 21/2/2024, phi công thử nghiệm đã điều khiển KAAN cất cánh từ căn cứ không quân Mürted, hoàn thành chuyến bay kéo dài 13 phút, đạt độ cao 8.000 feet và tốc độ 230 hải lý/giờ.

Chuyến bay thứ hai của máy bay chiến đấu quốc gia KAAN được thực hiện thành công tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 06/5/2024. (Ảnh của TUR Defence Industries Presidency/Anadolu qua Getty Images)

Chuyến bay thứ hai của máy bay chiến đấu quốc gia KAAN được thực hiện thành công tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 06/5/2024. (Ảnh của TUR Defence Industries Presidency/Anadolu qua Getty Images)

Việc lùi thời điểm bàn giao đến 2028, dù có vẻ lâu nhưng phản ánh độ phức tạp của việc phát triển một tiêm kích thế hệ thứ năm từ con số 0. Khác với các máy bay thế hệ cũ, những tiêm kích hiện đại như KAAN đòi hỏi quá trình thử nghiệm rộng rãi để đảm bảo độ tin cậy trong các tình huống chiến đấu.

KAAN là một kỳ quan công nghệ được thiết kế để cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu. Là một máy bay chiến đấu tàng hình đa nhiệm, hai động cơ, KAAN đạt tốc độ tối đa Mach 1.8 và trần bay 55.000 feet. Radar của máy bay, sử dụng công nghệ mảng quét điện tử chủ động (AESA), mang lại khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu vượt trội.

Khoang vũ khí bên trong máy bay có thể mang theo các loại vũ khí chính xác cao, bao gồm tên lửa hành trình SOM-J, giúp KAAN tấn công mục tiêu mặt đất mà vẫn giữ được tiết diện radar thấp. Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và hệ thống tác chiến điện tử cho phép KAAN hoạt động trong môi trường tác chiến mạng, chia sẻ dữ liệu với các nền tảng khác để phối hợp nhiệm vụ phức tạp.

Từ F-16 đến KAAN: Một bước nhảy thế hệ

Vai trò thay thế F-16 là trung tâm nhiệm vụ của KAAN. Thổ Nhĩ Kỳ hiện sở hữu một trong những đội F-16 lớn nhất thế giới với hơn 200 chiếc, nhưng nhiều chiếc đã gần hết hạn sử dụng. Chi phí bảo dưỡng tăng cao, trong khi nâng cấp dù khả thi cũng không thể sánh với năng lực của một tiêm kích hiện đại.

KAAN được thiết kế để đảm nhận các nhiệm vụ ưu thế trên không và tấn công mặt đất mà F-16 từng thực hiện, với lợi thế tàng hình và hệ thống điện tử tiên tiến. Đến năm 2050, KAAN dự kiến sẽ trở thành xương sống của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, với ít nhất 100 chiếc sản xuất theo cấu hình Block 10 ban đầu.

Ngoài sử dụng trong nước, KAAN còn được kỳ vọng trở thành sản phẩm xuất khẩu đáng kể - điều hiếm có đối với một tiêm kích thế hệ thứ năm.

Hiện tại, KAAN đã cho thấy tiềm năng rõ rệt, việc biến tiềm năng đó thành hiện thực sẽ không chỉ định hình tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả bức tranh sức mạnh không quân toàn cầu. Liệu một quốc gia từng phụ thuộc vào máy bay nhập khẩu có thể thực sự "định nghĩa lại bầu trời" theo cách riêng của mình? Câu trả lời sẽ dần hé lộ trong những năm tới.

Thế Hải (Theo Bulgarianmilitary)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-quan-chien-dau-kaan-tham-vong-dinh-nghia-lai-cac-cuoc-khong-chien-204250507080809992.htm