Di sản thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc bình chọn, có giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học, được pháp luật bảo vệ bởi các điều ước quốc tế. Các địa điểm này được đánh giá là có tầm quan trọng đối với lợi ích tập thể nhân loại. Tại Việt Nam, vịnh Hạ Long là kỳ quan có tới 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Ảnh: Trần Quý.
Vịnh Hạ Long có 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào các năm1994 theo tiêu chí (vii) và năm 2000 theo tiêu chí (viii). Năm 1994, vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị thẩm mỹ (tiêu chuẩn vii). Năm 2000, vịnh này tiếp tục được công nhận lần thứ hai với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo (tiêu chuẩn viii). Ảnh: Trần Quý.
Cùng vịnh Nha Tranh ở Khánh Hòa và Lăng Cô ở Thừa Thiên Huế, năm 2003, vịnh Hạ Long được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới chọn là một trong số 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới. Ảnh: Nguyễn Tuấn.
Với vẻ đẹp hiếm có, vịnh Hạ Long là điểm đến hấp dẫn dành cho du khách thập phương, nguồn cảm hứng của thơ phú. Miêu tả về vẻ đẹp của vịnh Hạ Long, ngay từ thế kỷ 15, nhà thơ Nguyễn Trãi đã ví nơi này như “Kỳ quan đá giữa trời cao” trong tác phẩm Ức Trai thi tập của ông. Ảnh: Nguyễn Tuấn.
Theo Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh, Hạ Long là vịnh biển có nhiều đảo nhất ở Việt Nam. Nơi đây có khoảng 1.969 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa được đặt tên. Về diện tích, Hạ Long là vịnh nhỏ thuộc vịnh Bắc Bộ, giới hạn diện tích khoảng 1.553 km2, trong đó vùng lõi của vịnh có diện tích 335 km2. Ảnh: Du lịch Hạ Long.
Trên vịnh Hạ Long, nhiều danh lam thắng cảnh thu hút lòng người, tiêu biểu trong số đó phải kể đến Động Thiên Cung, Hang Sửng Sốt, Hang Đầu Gỗ... Ảnh: Du lịch Hạ Long.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing