Kỳ Sơn sau trận lũ ống kinh hoàng
Hơn 1 ngày sau trận lũ ống kinh hoàng, hàng nghìn người dân thuộc xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang được chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng… hỗ trợ khắc phục hậu quả. Đây được xem là trận lũ lịch sử trong vòng 40 năm qua.
Ngập trong bùn lầy
Một thị trấn đẹp trong xanh ngày nào, nhưng chỉ sau một đêm, Mường Xén đã bị “phủ” kín bùn đất, rác, cành cây. Đến nay, sau gần 2 ngày tính từ thời điểm cơn lũ quét đi qua, người dân với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng đang thực hiện mọi nỗ lực khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, ám ảnh nhất của họ chính là cơn lũ, một cơn lũ quét lịch sử, nó ập đến quá nhanh, dù trước đó cả chính quyền và người dân đều đã có sự phòng bị.
Sáng ngày 3/10, cùng với người dân trong bản, ông Nguyễn Văn Thành (60 tuổi) trú tại khối 1, thị trấn Mường Xén đang đào bới dưới lớp bùn dày gần 1m tìm những tài sản còn sót lại. Đứng giữa căn nhà với đống tài sải “ngậm” bùn đất, ông Thành buồn bã kể: Hầu hết tài sản trong nhà coi như vứt, không còn cái gì có thể sử dụng được nữa. Theo ông Thành, khi lũ quét qua vào khoảng 5h sáng ngày 2/10, ông và 7 người trong gia đình chỉ biết chạy lên chỗ cao, không kịp di chuyển bất cứ thứ gì.
“Nó ập vào nhanh như thác đổ, trong chốc lát, mọi thứ chìm nghỉm trong bùn lầy, đất đá. Nước chảy rất kinh hoàng, tôi phải mở hết cửa để nước có thể chảy thoát ra phía sau nhà. Chỉ trong chốc lát, nhà đã ngập hơn 1,5m. Lúc đó tất cả mọi người nháo nhào tháo chạy, không kịp mang đi một thứ gì” - ông Thành nhớ lại. Sau khi lũ rút, trở về nhà là một cảnh hoang tàn, toàn bộ đồ dùng sinh hoạt, xe máy, tủ lạnh… đều đã bị vùi lấp dưới lớp đất cát dày gần cả mét. Nước rút, để lại một lớp đất pha cát nén chặt lại dưới nền nhà. Ông Thành bảo, không thể bới lên được, chỉ có thể chờ đợi lực lượng chức năng hỗ trợ, dùng máy móc cào bùn đất ra ngoài.
Cách đó không xa là gia đình chị La Thị Hồng (khối 1, thị trấn Mường Xén) về nhà trong cảnh tan hoang, mọi thứ không còn khô ráo mà được “bọc” một lớp bùn nhão nhoẹt. Chị cho biết, cả chiều hôm đó trời mưa to, loa của khối phát cảnh báo về lũ, nên cả nhà đánh thức nhau dậy nấu mì gói. Tuy nhiên, chưa kịp ăn thì cơn lũ ập đến. “Lũ lên nhanh đến nỗi, tôi và 2 đứa con bị kẹt lại trong phòng ngủ. Khi nước đã dâng lên 1m, may mắn bố mẹ tôi chạy đến kịp, giúp đưa 2 cháu nhỏ thoát ra ngoài nên thoát nạn” - chị Hồng kể về giây phút kinh hoàng. Về lại căn nhà hôm trước đang ngăn nắp, gọn gàng, giờ đây toàn bùn đất, tan hoang, chị Hồng bảo, hiện cả gia đình vẫn đang tránh trú tại nhà người thân, bởi nhà toàn bùn đất, mà con suối phía sau vẫn gào thét, không thể nào ngủ nổi.
Nỗ lực khắc phục
Đi sâu vào trung tâm thị trấn Mường Xén vào sáng ngày 3/10, ngoài những nỗ lực cào dọn bùn đất của người dân, chúng tôi thấy hai chiếc máy ủi liên tục hoạt động, san gạt lớp đất cát để các phương tiện có thể chạy được. Cứ nơi nào 2 chiếc máy ủi đi qua, lớp bùn được cào lên lại chất cao thành núi. Dưới lớp đất ấy, lộ ra hàng loạt xe máy, xe đạp… bị lũ bùn vùn lấp. Thậm chí, đã có nhiều chiếc xe máy biến dạng, không ai có thể nhận được xe của mình, nếu không có ký hiệu đặc biệt.
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Qua thống kê, ngoài 1 cháu bé 4 tháng tuổi bị thiệt mạng và đã tìm thấy thi thể, ngoài ra, cơn lũ đã cuốn trôi 14 nhà dân; làm ngập, hư hỏng, sạt lở một phần khoảng 110 ngôi nhà khác; 14 trụ sở cơ quan Nhà nước bị bồi lấp. Vì bị sạt lở nhiều điểm nên tuyến Quốc lộ 7 từ thị trấn Mường Xén đi cửa khẩu Nậm Cắn và đường từ xã Tà Cạ đi xã Tây Sơn vẫn đang bị ách tắc, 2 xã Tây Sơn và Tà Cạ vẫn đang bị cô lập.
Đặc biệt, tại bản Hòa Sơn có 236 hộ với 966 nhân khẩu và bản Sơn Hà của xã Tà Cạ bị cô lập hoàn toàn, các lực lượng chức năng tiếp cận rất khó khăn. Ông Thò Bá Rê nói thêm: Để tiếp cận 2 bản này, lực lượng chức năng đã bắc tạm 1 chiếc cầu tre vượt suối Huồi Giảng để vào bản, nhằm hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những người dân đang gặp khó khăn sau trận lũ. Còn tại khu vực thị trấn Mường Xén, chính quyền đã tiến hành sơ tán đến nơi an toàn 25 người dân thuộc địa bàn khối 1.
Đại tá Dương Văn Hiền - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cho biết đến ngày 3/10 đơn vị đã tiếp cận được các bản Hòa Sơn, Sơn Hà của xã Tà Cạ để mang nhu yếu phẩm như nước sạch, mì tôm vào cho bà con, nơi bị cơn lũ chia cắt từ tối ngày 2/10 vừa qua.
Chỉ đạo tại hiện trường, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu: Trước mắt, huyện Kỳ Sơn cần khẩn trương rà soát, liên lạc với các hộ dân của bản Hòa Sơn và bản Sơn Hà, xã Tà Cạ bị cô lập, lên phương án vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men để cung cấp cho bà con. Tinh thần không để bà con bị thiếu đói tại thời điểm này. Đối với lực lượng Công an, Quân đội tổ chức vận chuyển bằng đường bộ phải đảm bảo an toàn, tổ chức chặt chẽ. Việc quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho các hộ dân đang nằm trong vùng nguy hiểm, đề phòng sẽ xuất hiện tình huống mưa to. Song song với đó, huyện cần tiếp tục thống kê thiệt hại để có phương án ứng phó, hỗ trợ người dân sau thiên tai.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ky-son-sau-tran-lu-ong-kinh-hoang-5698363.html