Ký sự sông Ba (kỳ 1): Từ nơi miền thượng…

Chúng tôi 'ngược dòng' tìm về thượng nguồn sông Ba ở đỉnh Ngọc Rô, thuộc dãy núi Ngọc Linh. Tại đây, sông Ba bắt đầu hành trình 'từ nguồn ra biển'…

Về với “ngòi” nơi phía núi

Ngọc Linh Liên Sơn hay là dãy Ngọc Linh gồm 10 dãy núi cao, nối thành đường phân thủy cho hai hệ thống sông, một chảy sang phía Tây có sông Sê San, góp nước cho sông Mê Kông; một hệ thống chảy sang phía Đông, gồm sông Cái – đầu nguồn sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc và sông Ba.

Một dòng thác nơi đầu nguồn sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Một dòng thác nơi đầu nguồn sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Ngày trước, giới học giả thường dùng cụm từ “sông ngòi” với ngụ ý “sông” luôn gắn với “ngòi”. Ngòi sông Ba ở trong lòng núi Ngọc Rô. Còn cửa sông Ba thì chảy qua thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Từ thành phố Tuy Hòa ngược lên, chúng tôi không tham vọng bất cứ một sự ly kỳ nào cho sự tìm kiếm ngọn nguồn dòng sông này. Tuy nhiên, cái cảm giác về “ngòi”, về nguồn như một nam châm hút chúng tôi về phía núi.

Phía núi có người Ba Na và người Xơ-đăng sinh sống. Đó là hai tộc người quan trọng ở Tây Nguyên, mà Ngọc Rô cũng như cả dãy Ngọc Linh như tấm lưng che chở cho sự sống của họ. Ngày xưa, khi ông bà ta chưa đủ điều kiện ra biển, thì xứ sở được hiểu theo hai thành tố “núi” và “sông”. Khái niệm ấy trở nên thiêng liêng hơn khi ta đến đây, thượng nguồn sông Ba.

Thác Pa Sỹ, tỉnh Kon Tum cũng là nơi đầu nguồn sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Thác Pa Sỹ, tỉnh Kon Tum cũng là nơi đầu nguồn sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Miền thượng sông Ba có măng và sâm. Măng để ăn còn sâm để làm thuốc. Sâm mọc trên núi Ngọc Linh nên người ta gọi là sâm Ngọc Linh. Chuyện về loài sâm quý này còn “nằm trong bụng” cụ già A Nít ở làng Long Lái, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Trong chiến tranh, người ta gọi sâm Ngọc Linh mọc trong rừng là cây “cỏ giấu” hay “củ đắng”.

Ông A Nít nói “Ngày xưa không biết sâm là gì, lấy lá trị sốt rét, lấy củ trị đau bụng thôi”. Từ năm 1973, khi bom đạn còn dội xuống núi rừng thì khu Y tế Trung – Trung bộ cử một tổ cán bộ đi tìm cây sâm. Trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn, nhưng họ đã thành công khá mỹ mãn. Ông A Nít nói tiếp “Năm 1980 có bác sĩ lên lấy sâm chỉ cho bà con uống…”

Năm 1973, ở độ cao 1.800 mét so với mặt biển, đoàn đã tìm thấy một vùng sâm rộng lớn thuộc phía Tây núi Ngọc Linh. Sau 15 ngày nghiên cứu về hình thái, sinh thái, quần thể, quần lạc, phân bố, di cư và phát tán… người ta xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm, có thể chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Lặng lẽ, hùng vĩ đưa nước về xuôi…

Thác Phú Cường, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Thác Phú Cường, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Thượng nguồn sông Ba có những đập tràn, nơi ghi dấu sự bê tông hóa cách thức ngăn nước tự nhiên bằng đá của người sắc tộc, vốn cũng nhại lại từ những ghềnh thác thiên nhiên có sẵn trên những đoạn sông. Những đập tràn tạo cho dòng sông một tiết điệu mới, điều hòa một sức mạnh tự nhiên không trở nên tai hại cho con người.

Sông Ba từ thượng nguồn đến gần An Khê, sông chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, lòng sông hẹp, lắm thác ghềnh. Từ An Khê đến Cheo Reo, lòng sông dần mở rộng, khi đến Phú Bổn, sông tiếp nhận thêm nước của sông Ayun Pa – một phụ lưu bên hữu ngạn sông Ba. Sông Ba hết sức “thanh thản” vào mùa khô. Triền sông hào phóng bày ra một mặt bằng thênh thang cho nhiều sinh hoạt của cư dân. Triền sông như thể sân nhà, rồi là sân vận động, thậm chí là một đại lộ…

Người Kinh lên Tây Nguyên buôn bán, làm ăn, học và truyền các cách chế tác nông cụ và cây trồng với người bản địa, mà sông Ba như “Con đường tơ lụa” để người ta men theo. Qua các mô hình tác tạo bằng gỗ, mô phỏng những cảnh sinh hoạt, lao động sản xuất trưng bày tại nhà truyền thống Tòa giám mục Kon Tum, ta có thể nhận ra những nét văn hóa của các sắc tộc Ba Na, Gia Rai, Xơ-đăng…

Tại đây, cũng có khá nhiều đồ gốm cổ Quảng Đức – Phú Yên, bởi Thạch Thành ở Phú Yên là một trong các hướng mà những thừa sai phương Tây từ đồng bằng lên Tây Nguyên truyền đạo. Đây cũng là con đường gốm cổ Quảng Đức mở rộng thị phần lên Tây Nguyên thời hoàng kim của nó.

Gốm Quảng Đức. Ảnh: Dương Thanh Xuân

Gốm Quảng Đức. Ảnh: Dương Thanh Xuân

Chúng tôi xem sông Ba như một trục thời gian, như một đường biểu diễn cho sự tiến triển đời sống các mặt của cộng đồng, các sắc tộc nên mượn những hiện vật tại nhà truyền thống này để làm ví dụ và điểm nhấn. Những hiện vật từng chìm sâu trong bóng tối thời gian, nhưng được dòng sông cất giữ.

Ngoài kia, con sông Ba đang lặng lẽ và hùng vĩ đưa nước về xuôi, đưa những nguồn lực cho con người. Sông Ba sẽ chảy về xuôi không chỉ những âm thanh của thác ghềnh, mà dòng nước còn mang theo cả tiếng cồng chiêng.

Núi Ngọc Linh đang ngày đêm tích khí, tụ mây. Và những hạt mưa miền Thượng này sau khi ngấm tưới cho cây rừng xanh tươi, chúng hồ hởi khơi mạch, lớn dòng, xuôi dòng để thành sông Ba – để còn thêm những Kon Plông, Kbang, An Khê, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tuy Hòa…

Đón xem kỳ 2Ký sự sông Ba: Cùng về Ayun Pa

Trần Chí Kông Trần Quang

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/ky-su-song-ba-ky-1-tu-noi-mien-thuong/