Kỹ sư xây dựng GPT-4 rời OpenAI thành lập startup robot đa năng ở Singapore và Trung Quốc

Cựu kỹ sư OpenAI đã thành lập liên doanh về robot mới với văn phòng ở Trung Quốc và Singapore, tham gia cuộc đua sản xuất máy móc thông minh khi Trung Quốc đang có động thái thúc đẩy ngành công nghiệp này.

Rời OpenAI (công ty tạo ra chatbot trí tuệ nhân tạo đình đám ChatGPT) hồi tháng 6.2023, Roger Jiang đã thành lập Light Robotics tại Singapore vào tháng 8.2024 với mục tiêu chế tạo robot đa năng, theo hồ sơ LinkedIn của ông.

Roger Jiang đã đóng góp vào việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 mạnh mẽ của OpenAI trong các lĩnh vực gồm học tăng cường nền tảng từ phản hồi của con người, dữ liệu và điều tra sự lẫn lộn, theo trang web của OpenAI.

Học tăng cường nền tảng (foundational reinforcement learning) là một nhánh trong học tăng cường tập trung vào xây dựng và cải tiến các nguyên lý cơ bản để giúp các hệ thống AI học cách ra quyết định hiệu quả trong nhiều môi trường khác nhau. Đây thường là bước khởi đầu quan trọng để phát triển các hệ thống học tăng cường phức tạp hơn.

"Điều tra sự lẫn lộn" thường liên quan đến việc xác định và xử lý các yếu tố hoặc dữ liệu không phù hợp hoặc không mong muốn trong quá trình phát triển hoặc đào tạo hệ thống AI.

Light Robotics (có tên tiếng Trung là Liangyuan Xinchuang) sẽ tập trung vào robot đồng hành hướng đến người tiêu dùng. Theo hãng tin 36Kr), Light Robotics thành lập văn phòng tại cả thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) và Singapore.

Trang LinkedIn của Light Robotics cho thấy công ty đang tuyển dụng nhân tài tại Singapore và hiện đã có một kỹ sư làm việc ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Theo Qichacha - cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Trung Quốc, công ty TNHH công nghệ Liangyuan Xinchuang đã được thành lập tại thành phố Thượng Hải vào tháng 8.

Roger Jiang không trả lời ngay lập tức khi câu hỏi được gửi trên LinkedIn.

Sau khi rời OpenAI, Roger Jiang thành lập Light Robotics với mục tiêu chế tạo robot đa năng - Ảnh: SCMP

Sau khi rời OpenAI, Roger Jiang thành lập Light Robotics với mục tiêu chế tạo robot đa năng - Ảnh: SCMP

Light Robotics sẽ tham gia vào cuộc đua khốc liệt để cung cấp những robot có mục đích hữu ích trong cuộc sống hằng ngày của con người, đặc biệt khi các công ty Trung Quốc đang tăng tốc mạnh mẽ trong bối cảnh chính phủ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này.

Vào tháng 11.2023, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết nước này nên hiện thực hóa sản xuất hàng loạt robot hình người vào năm 2025 và biến chúng thành "động lực mới quan trọng cho tăng trưởng kinh tế" trong 2027.

Các hãng công nghệ ở Trung Quốc đại lục đã giới thiệu gần hai tá robot hình người tại triển lãm công nghiệp ở thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải năm nay, nơi Optimus của Tesla (Mỹ) tham gia với tư cách là đối thủ nước ngoài duy nhất.

Trong tháng 12, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực khi một số chính quyền địa phương đang chạy đua để đưa ra các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Chính quyền thành phố Trùng Khánh cam kết trợ cấp 10 triệu nhân dân tệ (1,37 triệu USD) cho các công ty robot.

Làn sóng ủng hộ chính sách địa phương diễn ra trước hội nghị công tác kinh tế trung ương năm nay. Cuộc họp thường niên, đặt ra chương trình nghị sự kinh tế cho năm 2025, nói Trung Quốc nên "thực hiện các bước để đổi mới khoa học và công nghệ, xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại hóa", theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

Các hãng robot hình người Trung Quốc bám đuổi Tesla

Trung Quốc đang thống trị thị trường ô tô điện. Giờ đây, họ bám đuổi Tesla trong cuộc đua chế tạo robot hình người chạy bằng pin, dự kiến sẽ thay thế công nhân lắp ráp ô tô điện trên dây chuyền sản xuất.

Tại Hội nghị Robot Thế giới ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) cuối tháng 8, hơn 20 công ty Trung Quốc đã giới thiệu robot hình người được thiết kế để làm việc trong các nhà máy và nhà kho. Thậm chí nhiều hãng còn trưng bày các bộ phận có độ chính xác cao được sản xuất tại Trung Quốc cần thiết để chế tạo robot hình người.

Nỗ lực của Trung Quốc trong ngành công nghiệp mới nổi bắt nguồn từ công thức đằng sau động lực thúc đẩy ô tô điện ban đầu của nước này hơn một thập kỷ trước: Sự hỗ trợ từ chính phủ, cạnh tranh khốc liệt về giá từ nhiều công ty mới tham gia và chuỗi cung ứng sâu rộng.

"Ngành công nghiệp robot hình người của Trung Quốc cho thấy những lợi thế rõ ràng về khả năng kết nối và quản lý các thành phần của chuỗi cung ứng cũng như sản xuất hàng loạt", Arjen Rao, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu LeadLeo có trụ sở tại Trung Quốc, bình luận.

Nỗ lực chế tạo robot được hỗ trợ bởi chính sách phát triển "lực lượng sản xuất mới" trong công nghệ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thủ đô Bắc Kinh đã giới thiệu quỹ do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn trị giá 1,4 tỉ USD cho ngành robot vào tháng 1. Trong khi thành phố Thượng Hải công bố kế hoạch thành lập quỹ công nghiệp robot hình người trị giá 1,4 tỉ USD hồi tháng 7.

Các robot được trưng bày tuần này đến từ một số nhà cung cấp Trung Quốc đã đi đầu trong làn sóng ô tô điện, gồm cả nhà sản xuất pin và cảm biến.

Vào tháng 1, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự báo rằng thị trường toàn cầu hàng năm cho robot hình người sẽ đạt 38 tỉ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu robot sẽ được vận chuyển để phục vụ cho ứng dụng trong lĩnh vực tiêu dùng và công nghiệp. Goldman Sachs ước tính chi phí vật liệu để chế tạo robot hình người đã giảm xuống còn khoảng 150.000 USD mỗi chiếc vào năm 2023, không gồm cả chi phí nghiên cứu và phát triển.

"Vẫn còn nhiều cơ hội để giảm chi phí xuống. Trung Quốc có thế mạnh trong việc nhanh chóng cải tiến và sản xuất hàng loạt sản phẩm", Hu Debo, Giám đốc điều hành Shanghai Kepler Exploration Robotics, nói.

Shanghai Kepler Exploration Robotics là công ty mà Hu Debo đồng sáng lập vào năm ngoái lấy cảm hứng từ robot hình người Optimus của Tesla. Công ty này đang nghiên cứu phiên bản thứ năm của một robot công nhân để thử nghiệm trong các nhà máy. Hu Debo hy vọng giá bán nó sẽ dưới 30.000 USD.

Hiệu ứng “cá da trơn” đến với robot

Khi Tesla mở nhà máy tại thành phố Thượng Hải vào năm 2019, các quan chức Trung Quốc kỳ vọng công ty Mỹ tiên phong về ô tô điện sẽ tạo ra "hiệu ứng cá da trơn" với ngành công nghiệp Trung Quốc: Giới thiệu một đối thủ cạnh tranh lớn khiến các công ty trong nước phát triển nhanh hơn.

Hiệu ứng cá da trơn (catfish effect) là thuật ngữ dùng để mô tả một hiện tượng, trong đó sự xuất hiện của đối thủ mạnh hoặc mới mẻ trong ngành công nghiệp hoặc thị trường kích thích các công ty khác hoạt động hiệu quả hơn, nhanh nhạy hơn và cạnh tranh tốt hơn. Thuật ngữ này xuất phát từ câu chuyện về việc các ngư dân Na Uy thả cá da trơn vào các bể chứa cá tuyết trong quá trình vận chuyển. Sự hiện diện của cá da trơn, một loài cá ăn thịt và năng động, buộc cá tuyết phải luôn di chuyển để tránh bị ăn thịt, từ đó giữ cho chúng khỏe mạnh.

Hu Debo cho biết robot Optimus của Tesla cũng tạo ra hiệu ứng tương tự.

Tesla lần đầu tiên giới thiệu Optimus vào năm 2021, sau đó Giám đốc điều hành Elon Musk quảng cáo rằng nó có khả năng "quan trọng hơn cả ngành kinh doanh ô tô theo thời gian".

Tesla đang sử dụng phương pháp tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI) cho Optimus theo mô hình phần mềm Full Self-Driving dành cho ô tô điện. Các đối thủ và nhà phân tích Trung Quốc nói Tesla có thế mạnh ban đầu về AI, nhưng nước này có khả năng hạ giá thành sản xuất.

Full Self-Driving là hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến được phát triển bởi Tesla, hướng đến mục tiêu sẽ giúp xe tự động lái hoàn toàn mà không cần sự can thiệp của con người trong nhiều tình huống. Tuy nhiên, Full Self-Driving vẫn đang trong giai đoạn phát triển và không hoàn toàn tự động.

Tesla đã giới thiệu Optimus, giống như ma nơ canh, đứng trong hộp kính plexiglass bên cạnh chiếc xe bán tải điện Cybertruck tại một triển lãm bên cạnh Hội nghị Robot Thế giới ở Bắc Kinh. Plexiglass là loại nhựa acrylic trong suốt, thường được sử dụng thay thế cho kính vì nhẹ hơn, bền hơn và ít bị vỡ hơn.

Optimus của Tesla không sở hữu nhiều tính năng ấn tượng như các robot hình người Trung Quốc nhưng có thể vẫy tay, đi bộ hoặc thậm chí nhún vai, thu hút sự quan tâm lớn từ người xem và chụp ảnh.

"Năm tới, sẽ có hơn 1.000 đồng hương của tôi trong nhà máy", trích nội dung một biển báo bên cạnh Optimus.

Trong một tuyên bố, Tesla nhắc lại rằng hãng dự kiến sẽ vượt ra ngoài các nguyên mẫu để bắt đầu sản xuất Optimus với số lượng nhỏ vào năm 2025.

Robot trên dây chuyền lắp ráp ô tô

Hãng UBTech đã thử nghiệm robot hình người của mình trong các nhà máy ô tô, bắt đầu với Geely. Ngoài ra, UBTech công bố một thỏa thuận để thử nghiệm robot hình người của mình tại một nhà máy của Audi ở Trung Quốc.

"Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất hàng loạt vào năm tới. Điều đó đồng nghĩa sẽ có tới 1.000 robot hình người làm việc trong các nhà máy. Đây là cột mốc đầu tiên hướng tới việc triển khai trên quy mô lớn", theo Sotirios Stasinopoulos - Giám đốc dự án của UBTech.

Hồi tháng 10, UBTech đã nhận được hơn 500 đơn đặt hàng từ các hãng ô tô cho robot hình người mang tên Walker S1, có thể sớm giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động sản xuất tại Trung Quốc.

Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc dự đoán vào năm 2017 rằng các ngành sản xuất lớn, gồm cả ô tô, sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 30 triệu lao động vào năm 2025.

Walker S1 đang được triển khai để thử nghiệm và huấn luyện trong các nhà máy, gồm cả của BYD - hãng ô tô điện lớn nhất thế giới. Robot này sẽ làm việc cùng với các phương tiện logistic không người lái khác và những hệ thống quản lý sản xuất thông minh để tự động hóa các hoạt động quy mô lớn.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9, Tan Min (Giám đốc thương hiệu của UBTech) nói khoảng 70% khối lượng công việc ở các nhà máy đang được xử lý bằng cánh tay robot, phần còn lại do con người thực hiện. UBTech đặt mục tiêu thay thế khoảng 20% tổng khối lượng công việc bằng robot hình người, chỉ để lại 10% cho công nhân (sẽ tập trung vào việc hợp tác với với robot và quản lý công cụ trong quy trình sản xuất), Tan Min cho biết thêm.

UBTech sử dụng chip Nvidia cho robot của mình nhưng hơn 90% linh kiện đều đến từ Trung Quốc.

UBTech đã nhận được hơn 500 đơn đặt hàng từ các hãng ô tô cho Walker S1 - Ảnh: SCMP

UBTech đã nhận được hơn 500 đơn đặt hàng từ các hãng ô tô cho Walker S1 - Ảnh: SCMP

Thế hệ robot sản xuất hiện tại (những cánh tay robot khổng lồ có khả năng hàn và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác) chủ yếu do các công ty ngoài Trung Quốc dẫn đầu, gồm Fanuc (Nhật Bản), ABB (Thụy Sĩ) và Kuka (Đức) - thuộc sở hữu của nhà sản xuất thiết bị gia dụng Midea (Trung Quốc).

Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về robot sản xuất được lắp đặt tại nhà máy, nhiều hơn gấp ba lần số lượng ở Bắc Mỹ.

Hồi tháng 11.2023, Trung Quốc kêu gọi sản xuất hàng loạt robot hình người vào năm 2025, nhưng quy mô ban đầu của việc này sẽ khá nhỏ và không đủ để ngay lập tức tác động lớn đến việc sản xuất ô tô điện.

"Tôi tin rằng có khả năng sẽ mất ít nhất 20 đến 30 năm trước khi robot hình người có thể đạt được ứng dụng thương mại quy mô lớn", nhà phân tích Arjen Rao tại Viện nghiên cứu LeadLeo nhận xét.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ky-su-xay-dung-gpt-4-roi-openai-thanh-lap-startup-robot-da-nang-o-singapore-va-trung-quoc-227151.html