Ký tên lên tranh chép: có thể còn nghiêm trọng hơn cả chép tranh!
Những ngày vừa qua, giới nghệ sĩ và người yêu tranh xôn xao vì thông tin chia sẻ trên trang cá nhân của họa sĩ Lê Thế Anh (giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Ông Thế Anh cho biết họa sĩ Phạm Hồng Minh, người được mệnh danh là 'phù thủy vẽ tranh trình diễn', đã sao chép hai tác phẩm tranh vẽ của ông.
Đó là bức “Lì xì nhé” (vẽ năm 2016, kích thước 80×85 cen ti mét, chất liệu sơn dầu, từng được trưng bày tại triển lãm Chào xuân năm 2017) và “Cô gái Dao Đỏ” (vẽ năm 2013, kích thước 75×90 cen ti mét).
Chuyện không chỉ dừng ở đó, vì ông Hồng Minh còn thậm chí bị cho là đã ký… tên mình lên tranh chép. Cũng xin bổ sung thêm là cả hai tác phẩm gốc của ông Thế Anh đều đã được đăng ký quyền tác giả và đã bán cho nhà sưu tập.
Về phía ông Minh, đại diện pháp lý của họa sĩ này có tuyên bố rằng ông Phạm Hồng Minh không sao chép tranh, mà mua hai bức tranh chép “Lì xì nhé” và “Cô gái Dao Đỏ” tại một cửa hàng trên đường Trần Phú (quận 5, TPHCM). Cũng theo người đại diện, ông Phạm Hồng Minh có đầy đủ tin nhắn, hóa đơn mua hai bức tranh chép nói trên từ người chủ cửa hàng tranh(1). Về việc ký lên tranh, ông Minh cho biết là mình chỉ… viết tên lên tranh mà thôi.
Gần 20 năm sau khi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam được thông qua (năm 2005), thì không còn gì phải bàn cãi về việc đúng hay sai khi chép tranh của người khác. Sao chép tranh vẫn còn được bảo hộ quyền tác giả mà không được sự cho phép của người chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi vi phạm pháp luật bản quyền, quy định ở khoản 6 điều 28 Luật SHTT.
Cá nhân có hành vi xâm phạm bản quyền của người khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc thậm chí hình sự. Nếu như đúng là ông Minh mua tranh chép, thì người chủ cửa hàng tranh sẽ là người phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm quyền tác giả nói trên.
Hành vi sao chép tranh bất hợp pháp nếu như vô cùng hiếm ở các nước phát triển, thì lại khá quen thuộc ở Việt Nam và Trung Quốc. Tranh giả được bày bán tự nhiên trên phố, trong cửa hàng tranh, trên mạng, mà các tác giả thực sự cũng phần nhiều bất lực đành chịu.
Nhiều “họa sĩ” có hẳn xưởng chép tranh hoạt động công khai mà chẳng mấy khi bị khởi kiện hay chất vấn. Chép lại các tác phẩm đã hết hạn bảo vệ bản quyền là được phép, với điều kiện đề tên tác giả thật. Tuy nhiên, chép tranh của chính đồng nghiệp, hay tranh còn trong thời hạn bảo hộ cũng không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam và có lẽ chỉ có người nước ngoài mới ngạc nhiên về văn hóa chép tranh ở Việt Nam.
“Chuyên nghiệp” hơn ở Việt Nam, chép tranh còn thành một “đại công xưởng” mang lại nhiều lợi nhuận ở Trung Quốc. Theo đánh giá của Nikkei Asia, làng Đại Phần ở phía Đông Nam của Thâm Quyến là nơi sản xuất ra khoảng 60% tranh chép sơn dầu bán ở phương Tây, và phần lớn khách hàng là các khách sạn ở Mỹ. Gần đây, chính quyền địa phương ở đây cũng muốn thay đổi hình ảnh làng “tranh nhái”, và tập trung vào phát triển nghệ thuật sáng tạo.
Nhiều người Trung Quốc vẫn bám vào văn hóa truyền thống Trung Quốc để ngụy biện rằng chép tranh là một cách thể hiện sự tôn kính hay ngưỡng mộ tác giả mà thôi. Tuy nhiên, Luật Bản quyền của Trung Quốc đã được thông qua từ năm 1990, và xóa nhòa hoàn toàn dấu vết của văn hóa truyền thống Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Nếu như việc chép tranh còn đang là điểm tranh cãi giữa tác giả Lê Thế Anh và ông Minh, thì việc ký tên mình lên tranh chép là một hành vi khá… khó giải thích, nhất là đối với một họa sĩ như ông Minh. Không cần phải là người trong ngành nghệ thuật, chúng ta đều biết rằng ký hay viết tên lên tranh là dấu hiệu khẳng định quyền tác giả đối với tác phẩm.
Trong luật về bản quyền của Việt Nam, cũng như của nhiều nước trên thế giới, việc ký tên mình lên tranh của người khác là vi phạm quyền nhân thân của tác giả, quy định ở điều 19 Luật SHTT Việt Nam hiện hành. Điều 28 của luật này liên quan đến các hành vi vi phạm quyền tác giả có liệt kê hành vi “mạo danh tác giả” (khoản 2) hay hành vi “sửa chữa tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” (khoản 2).
Trên thực tế, hành vi mạo danh tác giả thường hiếm hơn việc sao chép tranh và tạo chữ ký giả của tác giả đích thực để lừa đảo khách hàng rằng đó là “bản gốc”, hay để ăn theo tên tuổi của họa sĩ nổi tiếng. Việc ký tên mình lên bản sao chép tranh của một nghệ sĩ khác, có thể nói là một việc khá hy hữu. Tất nhiên, chỉ có ông Phạm Hồng Minh mới có thể giải thích được hành vi này của mình.
Trong vụ bê bối tranh chép và chữ ký mạo danh này, rõ ràng là tác giả của hai bức tranh nói trên có thể khởi kiện ông Minh trên cơ sở luật về bản quyền của Việt Nam. Các họa sĩ đích thực của Việt Nam cũng nên có thái độ kiên quyết với hoạt động sao chép tranh ở Việt Nam, thậm chí khởi kiện ra trước tòa án, mới có thể sớm chấm dứt được vấn nạn này, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người nghệ sĩ.
(1) https://vietnamnet.vn/hoa-si-bi-to-ky-ten-len-tranh-chep-2078617.html
Lê Thiên Hương