Kỳ thi Đại học thay đổi ra sao trong 10 năm qua?

Năm 2025 là lứa thí sinh đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp. Các phương thức thi tuyển vào đại học gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhìn lại chặng đường 10 năm qua để thấy Kỳ thi đại học thay đổi ra sao?

Năm 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng tuyển sinh.

Năm này, thí sinh phải làm ít nhất 4 bài thi để xét công nhận tốt nghiệp, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn thi còn lại, ngoài ra có thể thi thêm một số môn để mở rộng tổ hợp đại học.

Thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào một trường, thời gian đăng ký khoảng vào tháng 8. Thí sinh không cần chọn trường trước khi thi. Sau khi có kết quả, căn cứ vào điểm số đạt được, các em mới phải nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường mình mong muốn trong thời gian quy định. Điều này khi ấy đã tạo ra những cuộc chạy đua nộp - rút hồ sơ ở “phút thứ 89” gây tranh cãi.

Cũng trong năm này, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đầu tiên trên cả nước tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển.

Trong 10 năm qua, các kỳ thi đại học thay đổi nhiều.

Trong 10 năm qua, các kỳ thi đại học thay đổi nhiều.

Năm 2016, Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 tổ chức thi 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và các môn tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Kết quả của kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Số lượng môn thi với mỗi thí sinh là khác nhau tùy thuộc vào mục đích xét tuyển khác nhau giữa các thí sinh.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn từ các môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Đối với thí sinh thi mục đích xét tuyển đại học thì dựa vào yêu cầu của Trường ĐH, CĐ cũng như ngành trong trường này yêu cầu xét tuyển những môn gì thì học sinh sẽ đăng ký số môn thi cho đủ để phù hợp cho việc xét tuyển.

So với năm 2015, thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi thì năm 2016 thí sinh chỉ được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất.

Thí sinh bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 (không) môn thi đó; không được tiếp tục dự thi các môn thi tiếp theo; không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Năm 2017, kỳ thi tiếp tục thay đổi, thí sinh phải làm 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Sau 10 năm đổi mới thi, tuyển sinh đại học, từ việc chỉ có một lựa chọn tuyển sinh là sử dụng kết quả kỳ thi 3 chung (chung đợt thi, chung đề và dùng chung kết quả), đến nay, đã có ít nhất 20 phương thức được các trường sử dụng.

Sau 10 năm đổi mới thi, tuyển sinh đại học, từ việc chỉ có một lựa chọn tuyển sinh là sử dụng kết quả kỳ thi 3 chung (chung đợt thi, chung đề và dùng chung kết quả), đến nay, đã có ít nhất 20 phương thức được các trường sử dụng.

Đây cũng là năm thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Năm 2018, Bộ GD&ĐT không còn quy định điểm sàn như trước. Các trường tự xác định ngưỡng điểm sàn riêng. Cũng trong năm này, điểm ưu tiên khu vực giảm 50%. Cụ thể, Khu vực 1 điểm ưu tiên giảm từ 1,5 xuống 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn giảm từ 1 điểm xuống 0,5 điểm và khu vực 2 giảm từ 0,5 xuống 0,25 điểm.

Năm 2019 là năm đại học được giao chủ trì chấm trắc nghiệm. Cùng với đó, Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực, cho phép các trường được tự chủ tuyển sinh. Các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển.

Năm 2020, kỳ thi THPT Quốc gia đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.

Năm 2021, theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh, xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Năm 2022, thí sinh xét tuyển bằng phương thức nào, kể cả theo phương thức xét tuyển sớm, cũng phải đăng ký nguyện vọng trực tuyến trên hệ thống chung của Bộ. Các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ giảm dần, tối đa điểm xét tuyển (đã cộng ưu tiên) là 30 điểm.

Năm 2024, lứa học sinh cuối cùng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Về cơ bản giữ định dạng như năm 2023, tuy nhiên, có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học, và tăng dần độ phân hóa để kỳ thi đạt được các mục tiêu đề ra.

Năm 2025 là lứa thí sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp. Thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi, gồm 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Quy chế tuyển sinh đại học được sửa đổi theo hướng siết xét tuyển sớm, dự kiến còn 20% chỉ tiêu.

Sau 10 năm đổi mới thi, tuyển sinh đại học, từ việc chỉ có một lựa chọn tuyển sinh là sử dụng kết quả kỳ thi 3 chung (chung đợt thi, chung đề và dùng chung kết quả), đến nay, đã có ít nhất 20 phương thức được các trường sử dụng.

Quyền tự chủ của các trường đại học ngày càng được mở rộng. Ngoài ra, những thay đổi được đánh giá tạo điều kiện thuận lợi và thêm nhiều quyền lợi cho thí sinh.

Hưng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ky-thi-dai-hoc-thay-doi-ra-sao-trong-10-nam-qua-d232594.html