Kỳ thi lớp 10: hiểu năng lực bản thân để đặt đúng nguyện vọng
Ngoài môn thi thứ 3, những điểm mới của kỳ thi lớp 10 THPT đầu tiên theo chương trình mới, học sinh lớp 9 và phụ huynh Hà Nội cũng băn khoăn về phương pháp học hiệu quả, cách thức đặt nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường THPT mình mong muốn.
Chủ động xây dựng kế hoạch học tập
Ngày 23/2, hàng nghìn phụ huynh cùng học sinh lớp 9 tại các trường THCS của Hà Nội đã có mặt tại Trường THPT chuyên Chu Văn An tham dự Ngày hội "Tự tin vào lớp 10". Tại đây, học sinh, phụ huynh được nghe các chuyên gia tư vấn đến từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội và các trường THCS, THPT trên địa bàn TP giải đáp những thắc mắc liên quan đến công tác ôn tập, thi, tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 – 2026.

Học sinh cấp THCS hào hứng tham dự Ngày hội "Tự tin vào lớp 10" tại Trường THPT chuyên Chu Văn An. Ảnh: N.B
Phó Trưởng Phòng giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Đăng Nghĩa chia sẻ: Năm học 2024 – 2025 là năm thứ 4 cấp THCS thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và học sinh lớp 9 năm nay sẽ là lứa đầu tiên thi lớp 10 theo chương trình mới. Trước những thay đổi chung của Bộ GD&ĐT, mỗi học sinh lớp 9 cần có sự chuẩn bị thật kỹ càng về cả tinh thần và kiến thức để tự tin bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới.
Theo nhà giáo Trần Đăng Nghĩa, mỗi học sinh cuối cấp luôn có sự đồng hành của 3 yếu tố: nhà trường – thầy cô, gia đình và bản thân học sinh. Trong đó, nhà trường và thầy cô có vai trò định hướng, dẫn dắt; gia đình luôn quan tâm, động viên, chăm sóc hàng ngày, còn bản thân học sinh luôn cần sự chủ động, nỗ lực, nghiêm khắc, kỷ luật với chính mình.

Phụ huynh có con chuẩn bị thi lớp 10 tham dự ngày hội tư vấn.
Học sinh không thể tự bơi trong bể kiến thức mà cần có thầy cô định hướng. Muốn định hướng tốt, nhà trường phải có kế hoạch giảng dạy, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm học sinh để đạt hiệu quả ôn tập cao nhất. Bên cạnh đó, học sinh phải tự xây dựng cho mình kế hoạch học tập chi tiết, tránh những thói quen tùy tiện gây mất thời gian, loại bỏ những thiết bị không quá cần thiết ra khỏi góc học tập. Điều quan trọng nữa là đề cao vai trò chủ động của mình trong học và ôn tập.
Nêu rõ hơn về phương pháp học tập hiệu quả, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) Lưu Văn Thông cho biết, chỉ còn khoảng 4 tháng nữa, học sinh lớp 9 sẽ chính thức bước vào kỳ thi lớp 10 THPT công lập năm học 2025 – 2026. Học sinh cần xác định mục tiêu để từ đó tìm phương pháp biến mục tiêu thành hiện thực.
Một trong những điều rất quan trọng đối với học sinh cuối cấp, nhất là khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, đó là dành thời gian tự học.
“Tự học không có nghĩa là ngắt kết nối với thầy cô. Trong thời đại hiện nay, ngoài trao đổi với thầy cô trực tiếp, học sinh còn có thể kết nối trực tuyến để hỏi thầy cô về những vấn đề mình quan tâm. Trong quá trình tự học, học sinh phải có tài liệu, sách tham khảo, đề thi của các năm trước.... Học sinh hoàn toàn có thể tự bấm giờ để thực hành làm bài thi, qua đó tự rút kinh nghiệm và căn chỉnh thời gian làm bài hợp lý”, thầy Lưu Văn Thông chia sẻ.
Đặt nguyện vọng phù hợp năng lực
Chủ động nắm bắt thông tin chính xác qua các kênh chính thống là một trong những vấn đề ông Nghiêm Văn Bình lưu ý với học sinh và phụ huynh. Tháng 8/2024, Sở đã công bố đề minh họa các môn thi lớp 10. Đây là căn cứ tham khảo để học sinh làm quen với đề thi theo chương trình mới; đồng thời có định hướng học và ôn thi hiệu quả.

Các chuyên gia tư vấn tại Ngày hội.
Liên quan đến việc lựa chọn nguyện vọng (NV) lớp 10, đại diện Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT) cho hay, nhiều năm trở lại đây, Hà Nội cho phép mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 NV dự tuyển vào 3 trường THPT công lập xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3, trong đó NV1 và NV2 phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh (KVTS) theo quy định, NV3 có thể thuộc KVTS bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Nếu học sinh chỉ đăng ký 2 NV vào 2 trường THPT công lập, phải đăng ký NV1 thuộc KVTS theo quy định, NV2 thuộc KVTS bất kỳ. Nếu học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 NV vào 1 trường THPT công lập, có thể đăng ký vào trường THPT thuộc KVTS bất kỳ.
Khi đăng ký NV, thí sinh phải cân nhắc kỹ để lựa chọn trường phù hợp năng lực bản thân và điều kiện gia đình; tránh việc đăng ký theo số đông hoặc theo xu hướng. Thực tế, có nhiều học sinh đạt điểm thi rất cao, có thể đỗ trường tốp đầu nhưng lại không tự tin dẫn đến phải học trường mình không thực sự mong muốn. Ngược lại, có học sinh học lực và điểm thi chỉ ở mức khá nhưng lại đăng ký trường cao hơn khả năng đến vài điểm.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An tư vấn cho học sinh, phụ huynh.
“Với các kỳ thi chuyển cấp, trong đó có kỳ thi lớp 10, mỗi học sinh hãy tìm cho mình hướng đi phù hợp với năng lực của mình nhất. Có 3 môn trong kỳ thi lớp 10, hãy tự tính toán xem trường mình mong muốn phải đạt bao nhiêu điểm/môn thì đỗ; sau đó đối chiếu vào năng lực của mình và xây dựng kế hoạch, phương pháp học phù hợp. Trong quá trình ôn tập, học sinh nên chia nhỏ theo từng giai đoạn để phấn đầu; các em cũng cần nằm được phương pháp làm bài ứng với từng môn thi để đạt điểm số cao nhất trong khả năng của mình", nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp cũng cho rằng, ngoài quan tâm đến trường THPT mình mong muốn, phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu kỹ xem trường THPT đó có tổ hợp môn lựa chọn nào.
Chương trình THPT hiện có 8 môn bắt buộc 4 môn lựa chọn và 3 chuyên đề học tập. 4 môn lựa chọn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xét tuyển đại học và định hướng nghề nghiệp sau này của mỗi học sinh. Do vậy, cả cha mẹ và học sinh cần chủ động tìm hiểu điều này để việc chọn trường THPT là phù hợp nhất với năng lực, mong muốn của học sinh trong tương lai.
Các chuyên gia tư vấn cho rằng, việc ôn tập, tự học là quan trọng, nhưng giấc ngủ sâu và chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng quan trọng không kém. Trong thời gian ôn thi căng thẳng phổ biến tình trạng học sinh học tràn lan, học đến 2 – 3 giờ sáng hoặc học quên ăn, quên ngủ. Điều này là không nên. Học sinh cần ngủ đủ giấc, đồng thời có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, tập luyện thể thao, thư giãn hợp lý. Có như vậy mới có thể học tập trung, hiệu quả và dồn toàn sức cho việc học.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-thi-lop-10-hieu-nang-luc-ban-than-de-dat-dung-nguyen-vong.html