Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Vì sao điểm thi môn Ngữ văn không cao?
Tại nhiều địa phương cho thấy, môn Ngữ văn Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang quá trình chấm thi rất khan hiếm điểm cao, nhưng lại xuất hiện nhiều bài thi điểm kém khiến nhiều người liên tưởng đến điểm thi môn Ngữ văn năm nay sẽ rất 'bết bát'.
Thời điểm này, nhiều địa phương đang tích cực chấm thi THPT Quốc gia 2019 để kịp tiến độ ngày 14/7 sẽ công bố điểm thi. Trong số các địa phương hoàn thành chấm thi môn Ngữ văn và sơ bộ môn Ngữ văn cho thấy, năm nay điểm chủ yếu của thí sinh sẽ là ở mức trung bình, nghĩa là phổ điểm tương đối đẹp nếu để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương cho thấy, môn Ngữ văn rất khan hiếm điểm cao, tính tới điểm hiện tại chưa có điểm 10 nào. Điểm cao nhất vẫn chỉ là 9 điểm, nhưng mỗi địa phương cũng chỉ lác đác vài thí sinh được 9 điểm, có địa phương còn chỉ có điểm 8 là cao nhất.
Tại TP.HCM, theo kết quả sơ bộ tại kỳ thi năm nay, toàn TP.HCM có trên 61 nghìn bài Ngữ văn đạt điểm trung bình trở lên, tỉ lệ 89,4%. Điểm cao nhất môn Văn của thí sinh là điểm 9, với 6 bài thi.
Tương tự, ngày 7/7, tỉnh Nam Định cũng đã hoàn tất chấm thi môn Ngữ văn. Kết quả sơ bộ cho thấy, điểm cao nhất là 9,25 điểm với 8 bài thi đạt được. Có đến 18 bài thi bị điểm điểm "liệt" (từ 1,0 điểm trở xuống). Tỷ lệ bài thi môn Ngữ văn có điểm từ trung bình trở lên chiếm trên 89%.
Ghi nhận tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Giang, Hải Phòng… điểm môn Ngữ văn xuất hiện các thí sinh điểm kém ở mức điểm "liệt", điểm 2 - 3 cũng có một lượng thí sinh ở mức điểm này. Trong khi đó, điểm cao ở điểm 8 và 9 điểm trở lên cũng chỉ có ít thí sinh đạt được.
Nhận xét về đề Ngữ văn Kỳ thi Quốc gia 2019, TS. Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết, đề thi đảm bảo theo cấu trúc như mô hình đề từ 2017, ngữ liệu đề thi có dung lượng vừa phải phù hợp, có khả năng khơi gợi những suy nghĩ, xúc cảm mang giá trị nhân văn và có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc cho học trò.
Tuy nhiên, thưa vắng điểm cao, đặc biệt là điểm 9, 10 trong khi rất nhiều học sinh đạt điểm trung bình, thậm chí điểm "liệt" cho thấy nguyên nhân của việc này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ đề thi. Nhiều thí sinh, giáo viên cho rằng đề thi năm nay khá khô khan, có chút khác biệt so với đề thi minh họa, đề thi ở mức an toàn trong khâu ra đề nên chưa khơi dậy được sự sáng tạo, cảm xúc đối với các thí sinh.
Bên cạnh đó, đáp án mà Bộ GD&ĐT công bố cho môn Ngữ văn cũng buộc các hội đồng chấm thi phải hết sức chặt chẽ, nghiêm túc, chi tiết. Ngoài ra, Năm nay trong việc chấm thi tự luận, các Hội đồng thi sẽ phải tuân thủ theo nguyên tắc chấm kiểm tra 5% tổng số bài thi sau khi đã hoàn tất vòng chấm 1, vòng chấm 2. Trong đó việc chấm kiểm tra sẽ "nhắm" vào các bài thi có số điểm cao, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh.
Chính điều này cũng đã khiến cho các thầy cô ít nhiều cảm thấy "nhát tay" hơn trong quá trình chấm thi, vì thế việc cho điểm trong "ngưỡng an toàn" sẽ là phương pháp mà đa số giám khảo áp dụng.
Năm nay, việc chấm thi tự luận, các Hội đồng thi sẽ phải tuân thủ theo nguyên tắc chấm kiểm tra 5% tổng số bài thi sau khi đã hoàn tất vòng chấm 1, vòng chấm 2, trong đó những bài điểm cao sẽ chấm thẩm định lại. Chính vì điều này khiến các giáo viên chấm thi thận trọng, chấm an toàn thay vì "thưởng điểm" cho thí sinh, điều mà môn Ngữ văn xưa nay thường được chấm thiên về cảm xúc văn học.
Với những lý do nêu trên, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, phổ điểm của môn Văn năm nay sẽ dao động trong khoảng từ 4 đến 7 điểm, số lượng thí sinh đạt trên 8 điểm sẽ tương đối ít so với mọi năm.
Dù điểm thi môn Ngữ văn sẽ không có mưa điểm cao, nhưng cũng sẽ đạt mục tiêu của kỳ thi đó là xét tốt nghiệp và đại học, cao đẳng. Phần lớn thí sinh sẽ ở mức điểm trung bình, là phổ điểm đẹp để phục vụ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Nhìn một cách tổng quát, điểm môn Ngữ văn năm nay cũng không có gì đột biến, bởi năm 2018, môn Ngữ văn có 901.806 thí sinh dự thi nhưng không có điểm 10 và chỉ có 7 thí sinh đạt 9,75 và 783 bài thi bị điểm liệt.