Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Kính mắt, bút, nhẫn thông minh, tai nghe siêu nhỏ... vào 'tầm ngắm'

Hơn 20 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ diễn ra trên cả nước. Để tránh xảy ra sai sót, công tác đảm bảo an toàn kỳ thi được chú trọng, trong đó có giải pháp ngăn ngừa tình trạng gian lận bằng thiết bị công nghệ cao.

5 nhóm vấn đề đặc biệt coi trọng

Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa được Bộ GD&ĐT mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi năm nay có tính chất hết sức quan trọng, là kỳ thi kết thúc Chương trình giáo dục phổ thông 2006 để năm sau bắt đầu kỳ thi với học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

"Kỳ thi là một kênh để đánh giá chất lượng dạy học của các trường và cung cấp kết quả tin cậy cho các đơn vị tuyển sinh. Vì vậy, mỗi một điều sơ suất sẽ làm sai lệch đi kết quả kỳ thi", lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý 5 nhóm vấn được đặc biệt coi trọng là: công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác hỗ trợ vì kỳ thi diễn ra trên quy mô toàn quốc, số lượng thí sinh lớn, với sự vào cuộc của nhiều bộ - ngành, địa phương; công tác chuẩn bị; tổ chức; thực hiện. Trong đó, công tác chuẩn bị chiếm đến 80% sự thành công; tổ chức, thực hiện chiếm 20%. Do đó, việc chuẩn bị phải kỹ lưỡng, khi thực hiện phải đúng quy chế.

Trong đó, công tác thanh tra phải làm nghiêm ngặt nhưng không tạo căng thẳng cho thầy cô, thí sinh. Khi cần thiết thì nhắc nhở, nếu nhắc rồi mà vẫn chưa đúng thì thực hiện theo quy chế. Trường thi phải nghiêm túc, nghiêm minh, nhưng thân thiện.

Cách phát hiện gian lận thi tốt nghiệp THPT bằng thiết bị công nghệ cao

Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái - Phó trưởng phòng, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an), về cơ bản các thiết bị có hình dạng giống các đồ vật thông dụng, thiết kế nhỏ gọn có thể được thí sinh mang vào phòng thi. Các thiết bị này có liên kết 2 phần trong và ngoài phòng thi, phần trong phòng thi có tai nghe và thiết bị thu phát, như tai nghe siêu nhỏ đút lọt trong lỗ tai, thiết bị thu phát thí sinh có thể giấu bất kỳ chỗ nào trong người.

Hình ảnh một số thiết bị công nghệ cao thường được sử dụng để gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hình ảnh một số thiết bị công nghệ cao thường được sử dụng để gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

"Hiện nay xuất hiện một số thiết bị gian lận công nghệ cao mới như nhẫn thông minh có hình dáng giống hệt nhẫn trang sức bình thường, có chức năng kết nối với các thiết bị thông minh khác như điện thoại, máy tính, máy tính bảng…

Từ nhẫn này phát ra màn hình ảo, với góc hẹp nào đó, thí sinh có thể nhìn thấy nhưng cán bộ coi thi rất khó nhìn ra màn hình này. Ngoài ra, điểm đặc biệt của nhẫn thông minh là tính năng điều khiển qua giọng nói, điều khiển bằng thao tác của ngón tay, rất khó nhận biết. Đáng nói, khả năng tương tác của nhẫn này với điện thoại di động có thể xa hơn 100m, ra tới ngoài khu vực thi".

Về các loại bút thông minh, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái cho biết, các loại bút này có khả năng chiếu hình ảnh trên trang giấy hoặc mặt phẳng, đủ để thí sinh có thể đọc được file word hoặc pdf. Kính mắt thông minh hiện nay cũng có kích thước nhỏ hơn và nhiều tính năng hơn. Kính có thể tích hợp màn hình ảo trước mắt kính và chỉ người đeo kính mới nhìn thấy, được kết nối với điện thoại và các thiết bị bên ngoài.

"Kỳ thi năm ngoái chúng tôi phát hiện ra phương thức sử dụng máy ghi âm kỹ thuật số, dù không thu phát sóng trực tuyến nhưng bằng cách nào đó thí sinh vẫn có thể tiếp nhận được dàn ý, đáp án sau khi đề được đưa ra.

Qua kinh nghiệm của năm ngoái, nhiều điểm thi có phòng thi sát với nhà dân, thậm chí có những phòng thi chỉ cách 5-7m. Trong khi nhà dân nhiều tầng, phòng thi lại sử dụng cửa kính. Trong trường hợp này đối tượng gian lận ngoài nhà dân có thể dùng ống nhòm thu đề thi của thí sinh để trên mặt bàn. Ban chỉ đạo thi các địa phương cần chỉ đạo các điểm thi chú ý vấn đề này, các phòng thi nếu không thay đổi được cần sử dụng rèm che để tránh tình trạng trên".

Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, các thiết bị thu phát như đầu phát wifi, mạng internet, đầu máy, tivi… cần mang ra khỏi phòng vì nguy cơ rất cao. Riêng với tivi, nếu không mang ra khỏi phòng thì phải tạm ngắt khả năng thu phát.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Với các điểm in sao đề thi, khu vực chấm thi các địa phương có yêu cầu phòng kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan công an hỗ trợ kiểm tra và vô hiệu hóa các thiết bị để tránh nguy cơ lộ lọt thông tin ra ngoài.

Để nhận diện và phát hiện, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái cho rằng việc này chủ yếu nhờ đến cán bộ coi thi: "Cán bộ coi thi cần nắm bắt tâm lý, quan sát hành vi của thí sinh, kiểm tra các vật dụng, qua đó có thể ngăn chặn được hành vi gian lận. Theo đó, cán bộ coi thi cần quan sát kỹ các vật dụng mà thí sinh mang vào phòng thi, đặc biệt lưu ý bề mặt vật dụng để phát hiện bất thường. Thiết bị thu hình có lỗ ống kính, thu âm thanh thì lỗ rất nhỏ, có thể nhỏ hơn đầu tăm; kiểm tra đồng hồ điện tử, trạng thái hoạt động, biểu tượng cột sóng…

Cán bộ coi thi cần quan sát biểu hiện tâm lý không bình thường của thí sinh, ví dụ trời nóng bức nhưng thí sinh lại mặc áo dài tay, nhiều lớp; cổ áo, túi áo cộm đồ vật, để tóc dài trùm tay trùm gáy; miệng lẩm nhẩm đọc đề. Trong quá trình làm bài lưu ý những hành động bất thường của thí sinh như luôn dùng tay để chỉnh đồng hồ, gọng kính; quan sát kỹ tai của thí sinh để phát hiện tai nghe siêu nhỏ…".

Hơn 60% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội

Theo số liệu mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến thời điểm này Bộ GD&ĐT ghi nhận tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.395, tăng khoảng 45.000 thí sinh so với năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ thí sinh đăng ký trực tuyến chiếm 94,66%.

Trong số các thí sinh đăng ký dự thi, có 96% thí sinh học lớp 12 và 4% thí sinh tự do. Đáng chú ý, 63% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội và 37% đăng ký bài Khoa học tự nhiên.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-2024-kinh-mat-but-nhan-thong-minh-tai-nghe-sieu-nho-vao-tam-ngam-169240601122826035.htm