Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới: Hà Nội chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên có lứa học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án thi mới với nhiều điều chỉnh so với các kỳ thi giai đoạn trước.

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục Thủ đô đang tích cực, chủ động chuẩn bị kỹ cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo chương trình mới.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) làm bài khảo sát theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông của chương trình mới. Ảnh: Minh Khang

Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) làm bài khảo sát theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông của chương trình mới. Ảnh: Minh Khang

Không chủ quan

Năm học 2024-2025, thành phố Hà Nội có gần 250 trường trung học phổ thông công lập, tư thục với khoảng 300.000 học sinh, trong đó số học sinh lớp 12 chiếm 1/3. Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, xác định đây là kỳ thi rất quan trọng đối với học sinh phổ thông, lại là lứa học sinh lớp 12 đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình mới, thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các nhà trường tập trung mọi nguồn lực và điều kiện tốt nhất cho kỳ thi.

Thời điểm này, dù chưa tựu trường năm học mới, song ghi nhận từ nhiều học sinh, phụ huynh học sinh và thầy, cô giáo các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố cho thấy, thông tin về phương án thi mới liên tục được cập nhật.

Theo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, học sinh chỉ phải thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn), 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Hình thức thi được giữ ổn định như trước năm 2025, trong đó môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Tinh thần chung được Ban Giám hiệu các trường quán triệt tới giáo viên chủ nhiệm và học sinh lớp 12 là tuyệt đối không chủ quan. “Học sinh có nhiều thuận lợi khi nắm rõ phương án thi ngay từ khi học lớp 11, số môn thi giảm hơn so với kỳ thi từ năm 2024 trở về trước, lại được chọn môn thi. Tuy nhiên, những thuận lợi này cũng dễ khiến học sinh có tâm lý chủ quan. Nhà trường sẽ tăng cường nhắc nhở, quản lý học sinh ngay từ những ngày đầu năm học” - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương chia sẻ.

Em Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) cho biết: “Việc giảm số môn thi, lại được chọn môn thi so với các kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 là phương án thi chúng em mong chờ nhất. Nhờ việc được biết sớm phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi cũng như các thông tin liên quan từ khi còn học lớp 11, chúng em có thời gian để tìm hiểu, tập dượt với đề thi”.

Điều chỉnh cách dạy, cách học

Từ đề thi minh họa và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, các nhà trường có định hình rõ hơn trong việc tổ chức dạy, học, từ đó có giải pháp hiệu quả, phù hợp với học sinh đơn vị mình.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) Trần Thị Hải Yến cho biết, năm học 2024-2025, trường có gần 800 học sinh lớp 12. Các em đều đã tham gia làm bài khảo sát toàn thành phố vào tháng 3-2024. Đợt khảo sát này giúp các em làm quen với cách thức thi mới, đặc biệt là về cấu trúc đề thi và các dạng trắc nghiệm mới. Kết quả của đợt khảo sát cũng như hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, giáo viên và học sinh có thêm định hướng để điều chỉnh cách dạy, cách học bảo đảm hiệu quả, đáp ứng tốt nhất với kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà, đây sẽ là năm học bận rộn với cả thầy và trò. Việc sớm ban hành đề thi minh họa, cấu trúc định dạng đề thi, việc tổ chức cho học sinh toàn thành phố làm bài khảo sát để tập dượt với kỳ thi mới là rất cần thiết và cần tiếp tục được thực hiện. Bám sát định hướng của chương trình mới và cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm 2025, nhà trường đã và đang tích cực xây dựng đề kiểm tra theo hướng tăng kỹ năng vận dụng cho học sinh, đồng thời sẽ thường xuyên tổ chức cho học sinh làm quen với cấu trúc đề thi.

Thời điểm này, nhiều học sinh bày tỏ lo lắng về hai dạng thức trắc nghiệm mới trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới là chọn câu trả lời đúng - sai và chọn câu trả lời ngắn. “Em mong muốn nhà trường sẽ có nhiều đề kiểm tra để chúng em làm quen hơn với cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp, nhất là với hai dạng thức trắc nghiệm mới”, em Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) nêu ý kiến.

Liên quan đến việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, giải đáp câu hỏi của nhiều học sinh, phụ huynh về việc có thể đăng ký thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn để có thêm cơ hội tham gia xét tuyển đại học năm 2025 hay không, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Ngọc Hà lưu ý, học sinh không được chọn quá 2 môn tự chọn. Đặc biệt, 2 môn này phải được chọn trong số các môn mà học sinh được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-dau-tien-theo-chuong-trinh-moi-ha-noi-chuan-bi-chu-dong-ky-luong-675603.html