Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một phần của đổi mới giáo dục
Ngày 8/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Dự hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quang cảnh hội nghị
Tập trung nguồn lực, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ
Báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Nam cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Qua đó, tiến độ và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ ngày càng cao. Tính đến ngày 26/6/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành 32/83 nhiệm vụ được giao chủ trì.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và đề án quan trọng, có tác động lớn đến ngành và toàn xã hội như: Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo; Luật Nhà giáo; các Nghị quyết của Quốc hội; các đề án, nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao và đột phá đổi mới sáng tạo; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; …
Chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác tuyển sinh mầm non, tuyển sinh đầu cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2025 - 2026. Chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 trong bối cảnh là Kỳ thi đầu tiên dành cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời vẫn đảm bảo công tác thi cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Kết quả các cuộc thi trong nước và khu vực, quốc tế tiếp tục đạt kết quả cao, khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tập huấn học sinh giỏi.
Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam. Xây dựng kế hoạch triển khai thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn. Hình thành liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam.
Công tác cải cách thủ tục hành tiếp tục được triển khai cơ bản đảm bảo. Tổ chức thành công và tham dự nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương.
Chuẩn bị các tài liệu phục vụ lãnh đạo Bộ báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ, làm việc với một số quốc gia, tổ chức quốc tế và một số địa phương.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng trong quá trình triển khai, vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật, đề án hoàn thành chậm thời hạn. Tỉ lệ giải ngân nhiều đơn vị 6 tháng đầu năm thấp hơn kế hoạch giải ngân Bộ đã ban hành.
Phối hợp triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh mới, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học đã phối hợp, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Phó Giám đốc Đại học Huế Bùi Văn Lợi chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm, công tác tái cấu trúc bộ máy nhân sự được nhà trường tiến hành rà soát, đảm bảo mục tiêu tinh gọn, hiệu quả, đúng tiến độ theo yêu cầu đề ra.
Bày tỏ niềm vui khi Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn cho hay, tín hiệu đáng mừng là số chỉ tiêu sinh viên được tuyển thẳng ngành sư phạm năm nay đã tăng đáng kể so với kỳ tuyển sinh năm trước.
Thông tin về việc Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Đây là điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ. Điều này thể hiện rất rõ trong tuyển sinh ngành sư phạm năm nay”. Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, vì vậy cần sự tham mưu, vào cuộc của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, các trường đại học để Luật Nhà giáo thực sự đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị
Về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Thứ trưởng Thường trực nhận định: “Thực hiện đổi mới giáo dục là cả quá trình, trong đó có Kỳ thi và có những điều chỉnh phù hợp với các mục tiêu, hướng tới học sinh, hướng tới giáo dục thực chất”.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi tại hội nghị
Lưu ý với các cơ sở giáo dục đại học tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: năm 2025, Quy chế tuyển sinh đại học có những điểu chỉnh nhằm khắc phục những tồn tại của các năm trước. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sự ủng hộ, đồng thuận của các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện tốt công tác tuyển sinh chặt chẽ, nghiêm túc về chỉ tiêu, quy trình, việc quy đổi, rà soát phần mềm thuận lợi, không để xảy ra sự cố…
Không bỏ sót việc, không chạy theo làm cho xong
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị thuộc, trực thuộc, các cơ sở giáo dục đại học trong 6 tháng đầu năm 2025. “Việc sắp xếp, tái cấu trúc bộ máy với lượng công việc lớn, đòi hỏi cao, diễn ra nhanh chóng mà đạt được những kết quả trên là sự nỗ lực hết sức, đáng ghi nhận của bộ máy tham mưu”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, 6 tháng đầu năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ. Đặc biệt là các yêu cầu về thể chế, bộ máy, chức năng nhiệm vụ theo quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo mới. “Bối cảnh đó, chúng ta cũng nắm bắt cơ hội, vận mệnh mới của ngành Giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm, các chính sách quan trọng của ngành Giáo dục đã được thông qua. “Chưa bao giờ ngành Giáo dục được quan tâm như bây giờ. Và đứng trước sự quan tâm như vậy, là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với ngành chúng ta”, Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị
Đề cập đến Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ trưởng khẳng định: “Đó là một phần của đổi mới giáo dục”. Với số lượng môn thi, nội dung, chương trình, Kỳ thi năm nay được đánh giá là Kỳ thi phức tạp nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Kỳ thi đã hoàn thành một số khâu rất quan trọng.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Giáo dục, xác lập vị thế của người làm nhà giáo trở nên chính quy, chính thức. Điều này càng trở nên có ý nghĩa mạnh mẽ hơn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi, bổ sung ba luật là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, trong thời gian 6 tháng, nhiều văn bản, nghị định, thông tư được ban hành. Trong đó có nhiều quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, với các nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng cuối năm thì “những thay đổi lớn vẫn còn ở phía trước. Những thay đổi 6 tháng đầu năm là những thay đổi chung. Những thay đổi 6 tháng cuối năm là thay đổi nội tại, theo chiều sâu, cụ thể hơn từ những thay đổi chung trước đó”, Bộ trưởng cho biết.
Lưu ý về những công việc trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị “không bỏ sót việc, không chạy theo làm cho xong, phải chủ động, thích ứng và thực hiện ở tất cả các cấp, bậc học”.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đã lưu ý về công tác triển khai năm học mới; phát triển công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo; tổ chức các hội nghị lớn của ngành Giáo dục; quy hoạch mạng lưới, sáp nhập các cơ sở giáo dục đại học…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao tặng cờ thi đua, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác năm 2024.