Lãnh đạo Đà Nẵng: Cán bộ phường ở đồng bằng đông, có thể điều động lên miền núi

TP Đà Nẵng có thể sẽ đưa cán bộ tại các phường đồng bằng lên vùng núi để giải quyết bài toán thiếu cán bộ, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin

Ngày 9-7, ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng đoàn công tác của thành phố đã có buổi làm việc với UBND xã Bến Giằng về tổ chức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, kiểm tra tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bến Giằng

Ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, kiểm tra tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bến Giằng

Đà Nẵng: Có phường 150 cán bộ

Tại buổi làm việc, ông Trần Nam Hưng cho biết việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp ở Đà Nẵng đang được tổ chức rất tốt, nhất là trung tâm phục vụ hành chính công của các xã - phường, người dân bày tỏ niềm vui vì thủ tục được giải quyết kịp thời, nhanh gọn.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết thành phố thành lập các đoàn công tác đi trực tiếp các địa phương để nắm bắt khó khăn, vướng mắc để báo cáo với lãnh đạo Đà Nẵng giải quyết, cái nào bức xúc thì xử lý trước.

"Các xã miền núi hiện nay đa phần biên chế thiếu hoặc vừa đủ, cả hệ thống chính trị khoảng 66-67 người, trong khi các xã - phường đồng bằng, thành phố số lượng dư lớn. Điển hình như phường Tam Kỳ khoảng 125 người, gấp đôi quy định; phường Ngũ Hành Sơn (trên cơ sở giữ nguyên từ quận Ngũ Hành Sơn cũ) lên tới 150 người, gấp hơn 2 lần số cán bộ quy định.

Đây là bài toán mà lãnh đạo thành phố cần tính toán, sắp tới có thể luân chuyển, điều động, bố trí sắp xếp cán bộ dưới đó lên trên này. Nhất là cán bộ lĩnh vực công nghệ thông tin, hiện các xã miền núi thiếu nhiều" - ông Hưng nói.

Ông Châu Ngọc Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Bến Giằng, TP Đà Nẵng - phát biểu tại buổi họp

Ông Châu Ngọc Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Bến Giằng, TP Đà Nẵng - phát biểu tại buổi họp

Ông Châu Ngọc Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Bến Giằng, cho biết xã hình thành trên cơ sở nhập 3 xã Tà Bhing, Tà Pơơ, Cà Dy, diện tích lớn, địa bàn trải dài.

Sau sáp nhập, trụ sở làm việc xã Bến Giằng được bố trí tại 3 nơi nên gặp khó khăn trong công tác, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chính quyền số chưa đáp ứng được yêu cầu, địa bàn quản lý rộng, cán bộ, công chức đi làm trung bình 15 km, có người hơn 40 km.

Cán bộ, công chức của xã cơ bản đảm bảo về số lượng nhưng thiếu người có chuyên môn sâu như xây dựng, thẩm định dự án, đất đai, đầu tư, chuyên viên CNTT nên phải vừa làm vừa học… Theo ông Vĩnh, dù gặp một số khó khăn nhưng tinh thần làm việc, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ xã rất tốt, được người dân đánh giá cao.

Đà Nẵng có thể tuyển thầy giáo làm cán bộ xã

Kết luận buổi làm việc, ông Trần Nam Hưng đề nghị xã Bến Giằng tiếp thu các ý kiến góp ý của đại diện lãnh đạo các sở, ngành. Ông Hưng đánh giá so với nhiều địa phương miền núi khác thì Bến Giằng có các điều kiện tốt hơn. Một số xã vùng cao của TP Đà Nẵng khó khăn hơn nhiều, bước đầu cán bộ chưa có chỗ ăn, ở, nghỉ ngơi, phải nghỉ trưa, nghỉ tối tại nhà dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Nam Hưng phát biểu tại buổi họp

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Nam Hưng phát biểu tại buổi họp

"Thời gian đầu đi vào vận hành chắc chắc sẽ có các khó khăn nhưng lãnh đạo xã phải phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương, cùng động viên nhau, tạo động lực, khí thế làm việc tốt, hiệu quả để giải quyết tốt công việc cho người dân" – ông Hưng yêu cầu.

Ông Hưng yêu cầu cần sớm ban hành quy chế làm việc của xã, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã giải đáp cụ thể các kiến nghị, đề xuất của UBND xã Bến Giằng.

Theo ông Hưng, hầu như các xã của TP Đà Nẵng đều có kiến nghị liên quan đến cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chỗ ở... Vấn đề này, thành phố sẽ tính toán, lãnh đạo Đà Nẵng thống nhất chủ trương cấp kinh phí phù hợp với điều kiện của từng xã, phường.

Ông Trần Nam Hưng đề nghị địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục các khó khăn trong điều kiện của mình. Ông ví dụ, xã Trà My tuyển thầy dạy CNTT của trường học về làm việc. Đây là cách làm hay để giải quyết bài toán thiếu cán bộ. Ông Hưng gợi ý địa phương cũng có thể thuê cán bộ VNPT, Viettel trong thời gian 1-2 năm đầu để đáp ứng công việc.

Ông Hưng giao Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu thành phố điều động, bổ nhiệm các vị trí còn khuyết tại các xã - phường, giải quyết mâu thuẫn hiện tại là nhiều xã miền núi thiếu cán bộ trong khi các phường đồng bằng dư.

Ông Hưng cũng cho biết chủ trương và yêu cầu UBND xã sớm thuê đơn vị tư vấn quy hoạch chung xã mới. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa chữa, đầu tư trụ sở làm việc để tránh lãng phí…

Tuyệt đối không chạy theo hình thức trong xây dựng nông thôn mới

Ông Trần Nam Hưng yêu cầu xã Bến Giằng nói riêng và các địa phương phải đặt nội dung xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm quan trọng nhất của xã, làm tốt 19 tiêu chí thì xem như hội đủ tất cả các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, phát triển đời sống người dân…

Ông Hưng đánh giá cao lãnh đạo xã Bến Giằng đã thẳng thắn nhìn nhận bất cập trong việc công nhận Tà Bhing là xã nông thôn mới năm 2024, trong khi thực chất đời sống nhân dân còn khó khăn.

Ông Hưng yêu cầu từ nay về sau tuyệt đối không chạy theo hình thức, số lượng mà không hiệu quả. "Hiệu quả của xây dựng nông thôn mới là người dân có điều kiện kinh doanh, sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên" - ông Hưng nói và yêu cầu phải thay đổi nhận thức, các báo cáo chính trị phải xuyên suốt, xoay quanh về 19 tiêu chí chứ không như hiện nay việc đánh giá xây dựng nông thôn mới thường nằm ở mục cuối cùng…

Trần Thường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lanh-dao-da-nang-phuong-o-dong-bang-dong-can-bo-co-the-dieu-dong-len-mien-nui-196250709152411578.htm