Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Vẫn bình mới rượu cũ?

Kỳ thi THPT năm 2020 tập trung mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, sự thay đổi 'đột ngột' mục đích cơ bản của kỳ thi là thách thức lớn với nhiều trường đại học trong công tác tuyển sinh để đảm bảo chất lượng 'đầu vào'.

Dư luận cho rằng, Bộ GD&ĐT đang “cố đấm ăn xôi” khi vẫn duy trì kỳ thi THPT mà không quan tâm đến làn sóng “tẩy chay” quay lưng với hình thức thi “rối như canh hẹ” mà Bộ đang triển khai. Có ý kiến thẳng thắn cho rằng Bộ nên cương quyết bỏ hẳn kỳ thi THPT, trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH.

“Cuộc đua marathon” của các trường chính thức bắt đầu

Bộ GD&ĐT vừa công bố vẫn tổ chức kỳ thi THPT nhưng tập trung cho mục đích xét tốt nghiệp. Chính vì vậy, thời điểm này các trường ĐH đang cấp tập lên phương án thay thế để tuyển sinh. Theo ông Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa TP.HCM, nếu kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp thì phương thức xét tuyển từ kết quả thi THPT sẽ được điều chỉnh là “sử dụng kết quả thi THPT kết hợp với điểm học bạ”. Nhà trường sẽ có 5 phương thức xét tuyển.

Tự chủ đi kèm với kiểm soát chất lượng nguồn tuyển vẫn là bài toán nan giải. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Thực tế, trường hợp thi THPT nhưng giảm môn thi thì các tổ hợp môn tuyển sinh sẽ bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng như thế nào còn tùy vào việc môn nào bị giảm. Trường có tổ hợp bị ảnh hưởng sẽ dùng tổ hợp khác, hoặc có thể dùng thêm các điều kiện phụ như điểm học bạ THPT, hoặc tổ chức đánh giá đầu vào (thi tuyển), hay dùng kết quả đánh giá từ các trường/tổ chức khác.

Về vấn đề này, ông Phạm Thái Sơn, - Giám đốc Tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM phân tích, nếu chỉ thi 3 môn Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ thì các trường ĐH sẽ khó khăn trong xét tuyển. Tuy nhiên, theo ông Sơn “có còn hơn không”, bởi việc sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia vẫn được các trường chú trọng. Phần lớn các trường đều sử dụng các khối xét tuyển có Toán và Ngữ văn nên có thể lấy điểm của 2 môn này làm môn chính, còn lấy điểm học bạ các môn lớp 12 đối với môn thứ 3. Có thể một số các trường ĐH lớn sẽ tổ chức hoặc kết hợp để tổ chức thi các môn theo ý của mình. Các trường nhỏ hay không tổ chức được kỳ thi riêng cũng có thể dựa vào kết quả thi của trường lớn để xét tuyển.

Nói cho cùng, kỳ thi THPT năm 2020 chủ yếu chỉ để xét tốt nghiệp nên sẽ không có độ phân hóa cao, phân chia năng lực học sinh. Chính vì thế, rất khó để các trường sử dụng kết quả đặc biệt là các trường top trên. Do đó, một số trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Quốc gia Hà Nội đã cân nhắc phương án tổ chức thi riêng.

Trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội đang trong thời gian hoàn thiện phương thức tổ chức, hình thức, nội dung bài thi. Ngoài các phương thức xét tuyển như hiện nay: tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, đánh giá năng lực, đại học cùng khối ngành, nhóm ngành thì nhiều trường mong muốn cùng liên kết với nhau để tuyển sinh.

Xét tuyển học bạ ồ ạt, chất lượng ai quản?

Với tình hình nghỉ học dài do dịch Covid-19, xét tuyển theo học bạ trở thành phương án tối ưu được nhiều trường top dưới lựa chọn trong năm nay. Tại TP.HCM, nhiều trường ĐH đã thông báo xét tuyển ĐH theo kết quả 5 học kỳ. Theo đại diện các trường, xét 5 học kỳ cũng không ảnh hưởng gì so với xét 6 học kỳ. Với phương thức xét tuyển này, học sinh đã có thể tham gia xét tuyển và chỉ chờ kết quả tốt nghiệp là có thể nhập học sớm so với phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT Quốc gia; các trường ĐH khi xét tuyển 5 học kỳ cũng có thể tổ chức đào tạo sớm. Tuy nhiên, không ít chuyên gia giáo dục băn khoăn, nếu chỉ xét tuyển đại học căn cứ vào học bạ, có thể nhàn cho các trường và dễ tuyển sinh, nhưng chất lượng đầu vào sẽ khó đảm bảo.

Theo đánh giá của GS Nguyễn Đình Đức, tuyển sinh đại học “quá dễ dãi” ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Lý giải về những nhận định của mình, GS Đức cho rằng, các địa phương có mặt bằng giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương. Việc xét theo học bạ sẽ thiếu chính xác, không công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan, nhất là các ngành “hot” như y, dược, kinh tế, luật, công nghệ thông tin. Mặt khác, thực tế cũng cho thấy một số trường THPT dễ dãi khi đánh giá, thậm chí “biếu điểm, cấy điểm” cho học sinh. Việc tuyển sinh này còn nảy sinh những phức tạp trong quá trình quản lý đào tạo.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một số đại học y dược cũng cho rằng sẽ không xét tuyển học bạ nếu kỳ thi THPT Quốc gia không tổ chức. Phương thức này chưa đủ để đảm bảo chất lượng, công bằng cho thí sinh. Việc đánh giá giữa các vùng miền, trường học trong cùng một khu vực có sự không tương đồng. Học sinh có thể đạt học lực giỏi ở trường này nhưng với năng lực đó ở trường khác chỉ được đánh giá loại khá. Xét học bạ 3 năm THPT chỉ đảm bảo được rằng năng lực học tập của học sinh là ổn định và hạn chế ảnh hưởng nếu kết quả năm học cuối bị thay đổi.

Về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Nếu trường ĐH đã nhận thí sinh vào thì họ phải lo “đầu ra”, bởi nếu đầu ra bị đơn vị tuyển dụng từ chối không nhận sinh viên thì trường sẽ “chết”. Hiện nay trường ĐH không còn ở thế độc tôn nữa nên buộc phải cạnh tranh để phát triển, còn trường nào không tiến lên được thì tự khắc phải tự giải thể, chứ không còn cách nào khác được”.

Còn theo tính toán của Bộ GD&ĐT, các trường có thể sẽ tổ chức thi riêng để xét tuyển chủ yếu thuộc khối Y Dược, An ninh, Quốc phòng, tức là khối trường top đầu (chiếm khoảng 10% tổng số trường đại học trong cả nước). Tuy nhiên, những thay đổi trong phương thức thi tốt nghiệp PTTH năm nay chắc chắn sẽ tạo áp lực không nhỏ cho học sinh và phụ huynh trước ngưỡng cửa kỳ thi quan trọng này, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến dài ngày trong điều kiện phòng Covid-19 thời gian qua.

Đã đến lúc trả lại quyền tự chủ cho các trường

Sau 4 năm triển khai hình thức thi với những sự khen chê, đặc biệt là sau lùm xùm của sự cố tiêu cực tại hàng loạt địa phương trên cả nước vào năm 2019 đã dấy lên sự nghi ngờ trong dư luận về hiệu quả thật sự của một sự cải cách mạnh mẽ, hội nhập của Bộ Giáo dục. Theo đó, làn sóng “tẩy chay”, quay lưng với cách thức thi này ngày càng nhiều đồng thời nhiều ý kiến thẳng thắn yêu cầu bỏ kỳ thi THPT, trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nên quy về một mối, dưới sự điều hành của Bộ GD&ĐT và sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh sẽ giảm thiểu tối đa những tiêu cực.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Hưng (Đại học QGHN) nhận định, hình thức thi 2 trong 1 đã bộc lộ một số mặt hạn chế như chúng ta đã biết, nhất là các lỗ hổng có thể làm thay đổi kết quả thi, nếu không có những biện pháp kỹ thuật lấp được “lỗ hổng” thì nên bỏ. Việc tổ chức thi tốt nghiệp trả về cho các tỉnh, điều này là hợp lý vì kỳ thi này không có tính chất cạnh tranh. Về lâu dài thì việc tuyển sinh do các trường tổ chức là cần thiết và mang tính bắt buộc, ấy là khi đầu vào đại học không còn là áp lực đối với học sinh, còn đầu ra là một sự chọn lọc sinh viên qua quá trình học tập.

Cũng theo PGS.TS Mai Văn Hưng, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước thì không nên điều hành việc thi tuyển mà việc này nên để cho một cơ quan đánh giá độc lập, hoặc các trường đại học. Song trước khi chưa có cơ quan này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên điều hành, nhưng điều quan trọng là cơ chế điều hành, quy chế tuyển sinh phải hạn chế được tối đa những tiêu cực của con người.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình, nên xem xét bỏ kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1”, bởi không nên “ôm đồm” một kỳ thi ít hiệu quả, khi chỉ để tìm ra 2-3% học sinh rớt tốt nghiệp. Nếu xóa bỏ được kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay, Bộ GD&ĐT sẽ có thời gian và dồn lực để đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục.

Ngọc Thành

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-van-binh-moi-ruou-cu-post77945.html