Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Đảm bảo nghiêm túc, công bằng với tất cả thí sinh

Ngày mai 27-6, hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước sẽ đến các điểm thi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trước khi bước vào kỳ thi trong 2 ngày 28 và 29-6.

Trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng (ảnh), Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, đã nhấn mạnh đến công tác tổ chức thi tại địa phương.

PHÓNG VIÊN: Thưa Thứ trưởng, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các địa phương đã hoàn tất?

*Thứ trưởng PHẠM NGỌC THƯỞNG: Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã được phân cấp, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Do đó sự chuẩn bị từ địa phương bao gồm các điều kiện cơ sở vật chất, lựa chọn con người, tập huấn đội ngũ làm công tác thi, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống bất thường, hỗ trợ thí sinh dự thi… nếu được làm tốt sẽ là cơ sở cho thành công của kỳ thi.

Qua làm việc trực tiếp với các địa phương và báo cáo của 63 tỉnh thành gửi về cho thấy, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được thực hiện với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện, hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế. Tuy nhiên, có thể xuất hiện tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng công việc này nhiều năm đã làm; chủ quan từ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị đến công tác kiểm tra, giám sát các quy trình. Do đó, Bộ GD-ĐT, BCĐ quốc gia đã quán triệt trong các chỉ đạo khi làm việc tại địa phương, cũng như trong các cuộc họp, tập huấn với BCĐ thi tỉnh thành và đội ngũ cán bộ làm công tác thi.

Kỳ thi ngoài mục đích xét tốt nghiệp, kết quả thi còn được các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển. Vậy đề thi sẽ như thế nào?

* Kết quả kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh; cũng là cơ sở để nhiều trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học, cao đẳng (trên 60% trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển). Với tính chất như vậy, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đồng thời, nội dung đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp là căn cứ để các cơ sở đào tạo đại học sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.

Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo ngay từ đầu tháng 3, làm cơ sở để các nhà trường, giáo viên, học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.

Gian lận thi cử ngày càng tinh vi, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị công nghệ cao. Bộ GD-ĐT và các địa phương đã có biện pháp ngăn chặn?

* Đây là vấn đề đã được Bộ GD-ĐT và Bộ Công an cảnh báo từ nhiều năm qua. Đồng thời với đó là những giải pháp được đưa ra để vừa cảnh báo, vừa ngăn chặn, giảm gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho không chỉ thí sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn toàn xã hội về việc phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao; việc mua bán, sử dụng những thiết bị này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.

Cùng đó, để phòng chống gian lận thi cử nói chung và gian lận bằng thiết bị công nghệ cao nói riêng, vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng. Khi công tác tập huấn được thực hiện nghiêm túc, những người làm công tác coi thi tiếp nhận đầy đủ các thông tin từ tập huấn, nắm chắc các cảnh báo, nhận diện và thực hiện nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất thì việc phát hiện và ngăn chặn thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận thi cử là có thể thực hiện được. Một kỳ thi nghiêm túc, không có gian lận cũng chính là để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.

Trước thềm kỳ thi, Thứ trưởng có lưu ý, nhắn nhủ gì tới thí sinh, phụ huynh và cán bộ coi thi?

* Tôi đã đến làm việc với nhiều địa phương và gặp gỡ các em học sinh tại một số trường học trong những ngày ôn thi nước rút. Không khí và tinh thần học tập của các em rất đáng ghi nhận. Tôi mong rằng, các em sẽ mang tinh thần này để bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.

Với các vị phụ huynh, ngoài dành sự chăm sóc, động viên tinh thần cho các em thí sinh bình tĩnh, tự tin, phụ huynh cũng cần dành sự quan tâm nhắc nhở các em thực hiện đúng quy chế thi - có như vậy mới tránh được những thiệt thòi về kết quả thi cho chính các em.

Với đội ngũ cán bộ coi thi nói riêng và tất cả cán bộ làm công tác thi nói chung, tôi muốn nhắc lại tinh thần chỉ đạo “4 đúng - 3 không” mà Bộ GD-ĐT đã quán triệt. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức. Thực hiện được “4 đúng - 3 không” chính là chúng ta đang hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan và công bằng.

Ngày 25-6, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia có báo cáo nhận định tình hình thời tiết cả nước trong thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, tại Hà Nội, TPHCM và phần lớn các địa phương ở Bắc bộ, Nam bộ không xảy ra nắng nóng, về chiều có thể mưa dông cục bộ.

PHÚC VĂN

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2023-dam-bao-nghiem-tuc-cong-bang-voi-tat-ca-thi-sinh-post695008.html