Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Tổ hợp Khoa học xã hội dễ đạt điểm khá, Khoa học tự nhiên khó hơn năm 2022
Sáng nay 29/6, các thí sinh thi tốt nghiệp THPT làm bài thi tổ hợp với thời gian làm bài là 150 phút. Buổi thi tại tỉnh Quảng Trị diễn ra an toàn, không có trường hợp vi phạm quy chế thi; bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên vắng 16 thí sinh, tổ hợp Khoa học xã hội vắng 62 thí sinh.
Buổi thi thứ 3 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra trong bối cảnh an ninh, an toàn được thắt chặt tối đa sau sự cố lọt đề thi Ngữ văn sáng 28/6 và đề Toán chiều 28/6. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh quán triệt, yêu cầu các hội đồng thi, các cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi và các lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi cần tập trung cao độ để ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế thi, đặc biệt là việc sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi cử.
Sáng nay diễn ra đồng thời 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm 3 môn thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học) và tổ hợp Khoa học xã hội (gồm 3 môn thành phần: Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý). Thí sinh chọn thi một trong hai bài thi. Mỗi môn thi thành phần có 40 câu hỏi, thời gian làm bài là 50 phút. Tổng thời gian của cả bài thi tổ hợp là 150 phút.
Kết thúc buổi thi, theo đánh giá chung của các thí sinh: Đề thi môn tổ hợp Khoa học xã hội dễ, các câu hỏi nằm trong phần ôn tập và hầu hết nằm trong chương trình nên các em dễ đạt điểm khá các môn này. Trong khi đó, đề thi môn tổ hợp Khoa học tự nhiên năm nay khó hơn so với năm 2022; cụ thể là môn Vật lý khó nhất, môn Hóa và Sinh cơ bản bám sát chương trình ôn tập.
Buổi thi sáng nay, theo đánh giá chung, các cán bộ coi thi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, trực tiếp phổ biến, nhắc nhở thí sinh thực hiện nghiêm quy chế thi; lực lượng công an tổ chức bảo vệ các địa điểm thi nghiêm ngặt và làm tốt công tác phân luồng giao thông. Các thí sinh đều nghiêm túc chấp hành tốt các yêu cầu, quy định.
Ghi nhận tại các điểm thi tại huyện Cam Lộ, các lực lượng đã tăng cường kiểm tra tác phong, dụng cụ và giấy tờ của thí sinh một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt ngay từ cổng trường.
Tại các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, công tác đảm bảo an toàn, nghiêm túc, phòng tránh gian lận thi cử cũng được các điểm thi chú trọng hơn.
Về phía cán bộ, giám thị coi thi, một mặt trực tiếp kiểm tra kỹ càng hơn các thí sinh trước khi các em bước vào phòng thi. Mặt khác vẫn phải tạo tâm lý tốt nhất cho các thí sinh, tránh gây hoang mang, lo lắng.
Những điểm thi thuộc huyện Đakrông, Hướng Hóa, hầu hết thí sinh đều đến từ các xã xa xôi, khó khăn. Dù phụ huynh và các em được nhà trường tạo điều kiện cho vào ăn, nghỉ miễn phí trong trường vào buổi trưa nhưng trước buổi thi, phụ huynh đều được thông báo ra ngoài cổng trường để đảm bảo an toàn khu vực thi.
Công tác hỗ trợ tiếp sức cho các thí sinh tiếp tục được các cơ quan, ban ngành tổ chức phối hợp, quan tâm. Để phục vụ tốt kỳ thi, Công ty Điện lực Quảng Trị đã chủ động phối hợp với các trường nơi tổ chức thi để đảm bảo cấp điện; bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư dự phòng, nhiên liệu, phương tiện, đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời thao tác, sửa chữa, xử lý khi có sự cố xảy ra.
Tại huyện Cam Lộ, Đakrông, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, các đơn vị điện lực còn bố trí cán bộ, nhân viên điện lực tổ chức phát miễn phí nước lọc đóng chai, phân công hỗ trợ cho các em học sinh tham gia thi tại các điểm thi nhằm động viên tinh thần cho các em học sinh trong đợt thi quan trọng này.
Tại các điểm thi Trường THPT Hướng Hóa, Trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa); Trường THPT Đakrông, Trường THCS và THPT Đakrông (huyện Đakrông); Trường THPT Cam Lộ… đã hỗ trợ cho thí sinh mượn Atlat địa lý; nước lọc đóng chai, sữa, suất ăn sáng, ăn trưa miễn phí…
Chiến sĩ Phan Quốc Nhật, Đồn Biên phòng Thanh (Hướng Hóa) cho biết: “Bản thân tôi rất vui khi được lãnh đạo Đồn Biên phòng Thanh giao nhiệm vụ thực hiện tiếp sức mùa thi cho các thí sinh ở huyện miền núi Hướng Hóa. Theo sự phân công chỉ đạo, từ sáng sớm, tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ đến điểm thi Trường THPT A Túc để hỗ trợ nước uống, sữa, đồ ăn sáng và dụng cụ phục vụ thi như bút, compa… Khi các thí sinh bước vào phòng thi, chúng tôi trở về đơn vị để làm công tác nấu cơm, sắp xếp bàn ghế cho bữa ăn của các em. Anh em trong đơn vị rất hạnh phúc khi góp phần công sức nhỏ vào động viên các em nỗ lực để hoàn thành kỳ thi tốt”.
Tại các huyện Triệu Phong và Hải Lăng, sáng nay nhiều thí sinh và phụ huynh đã có mặt tại điểm thi từ khá sớm để chủ động, tạo sự thoải mái về thời gian và tâm lý. Công tác tiếp sức mùa thi được triển khai tích cực. Bí thư Huyện đoàn Hải Lăng Lê Văn Phong cho biết: “Năm nay, huyện Hải Lăng có 3 đội hình tình nguyện tại 3 điểm thi là: Trường THPT Hải Lăng, THPT Bùi Dục Tài, THPT Trần Thị Tâm với gần 300 đoàn viên, thanh niên tham gia.
Tại các điểm thi, các đội hình tình nguyện đã triển khai các hoạt động ý nghĩa như: Hỗ trợ thí sinh làm thủ tục dự thi; sẵn sàng các đội tình nguyện để kịp thời ứng cứu khi có sự cố bất thường; thành lập các đội xe ôm tình nguyện đưa đón thí sinh khuyết tật, đau ốm, có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với cảnh sát giao thông phân luồng, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn tại các cổng trường; hỗ trợ các suất ăn trưa, nước uống đóng chai, nước mía và sữa cho thí sinh và người nhà thí sinh…
Ghi nhận tại các điểm thi trên địa bàn huyện Hải Lăng, so với ngày thi hôm qua, nhiều thí sinh cho biết không còn cảm thấy hồi hộp, đã bình tĩnh hơn nhiều.
Em Đặng Nguyễn An Nhã, dự thi tại điểm thi Trường THPT Bùi Dục Tài chia sẻ: “Rút kinh nghiệm hôm thi đầu tiên đến điểm thi sát giờ, tại ngày thi thứ hai này, em có mặt tại điểm thi trước 30 phút theo yêu cầu. Vì có sự chuẩn bị khá kỹ nên bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên sáng nay em làm bài khá tốt. Mặc dù môn Vật lý hơi ngoài dự tính nhưng môn Hóa học em làm bài được trên 70%. Em hy vọng với tổ hợp thi sáng nay, em sẽ được điểm khá giỏi”, An Nhã nói.
Còn em Lê Thị Ánh Dương, dự thi tại điểm thi Trường THPT Triệu Phong hào hứng chia sẻ: “Với cá nhân, em thấy đề thi tổ hợp Khoa học xã hội năm nay không quá khó, câu hỏi sát với đề cương ôn tập mà chúng em đã được ôn luyện thời gian qua. Môn Địa lý thì có Attlat hỗ trợ, còn môn Lịch sử thì có một vài câu hỏi không nằm trong sách giáo khoa, đòi hỏi học sinh phải có sự nghiên cứu, tìm tòi và tích lũy kiến thức thêm. Em hy vọng mình sẽ được trên 8 điểm ở tổ hợp này”.
Điểm thi Trường THPT Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh) là nơi có nhiều thí sinh dự thi nhất tỉnh với 604 học sinh. Qua ghi nhận tại đây, nhà trường bố trí 25 phòng thi và 3 phòng chờ để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh làm bài thi. Phía ngoài cổng trường, lực lượng công an, CSGT túc trực để đảm bảo an ninh và an toàn giao thông xung quanh khu vực thi.
Theo đánh giá của nhiều thí sinh, tại đây, nhìn chung đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên năm nay khó hơn so với những năm trước. Đề thi 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học có tính phân hóa cao. Em Hồ Hoài Nam, học sinh Trường THPT Vĩnh Linh chia sẻ: “Em thấy đề thi năm nay khó hơn năm ngoái. Mỗi môn em làm được từ 27 – 28 câu. Trong 3 môn thì em làm chắc môn Vật lý và Hóa học. Môn Sinh học em làm không được tốt lắm”.
Trong khi đó, đề tổ hợp Khoa học xã hội không quá khó nhưng có tính phân loại học lực đối với nhiều thí sinh. Em Đoàn Minh Nhật, học sinh Trường THCS & THPT Bến Quan nói: “Với em, môn Lịch sử có 4 – 5 câu khó, còn lại khá dễ. Môn Địa lý thì có nhiều câu khó hơn, khoảng 9-10 câu. Môn Giáo dục công dân thì dễ. Mỗi môn em làm được khoảng 7 – 8 điểm”.
Tại TP. Đông Hà, em Nguyễn Thị Minh Tâm, Lớp 12A1, Trường THPT Lê Lợi thi tổ hợp Khoa học tự nhiên cho biết: “Cá nhân em thấy đề năm nay vừa sức với em, tuy nhiên năm nay đề môn Sinh học hơi khó nhưng em vẫn làm được; môn Hóa khá dễ, em tự tin đạt trên 8 điểm”.
Trong khi đó, em Nguyễn Lê Thanh Hằng, lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, thi xong bài tổ hợp Khoa học xã hội đánh giá: “Theo em trong 3 môn thi sáng nay thì em thấy môn Lịch sử khó nhất. Với đề thi này thì học sinh học lực khá giỏi sẽ có mức điểm từ 7 đến 9 điểm. Riêng bản thân em tự tin các môn thi sáng nay em đạt trên 8 điểm”.