Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Chuẩn bị từ sớm, từ xa

2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị từ sớm, từ xa nhằm triển khai tốt nhất kỳ thi này và để địa phương chủ động thực hiện theo phân cấp ngay từ đầu năm học 2024 - 2025.

Nhận diện một số khó khăn

Chia sẻ khó khăn dự kiến phát sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng, do số tổ hợp tự chọn của thí sinh nhiều (36 tổ hợp), dự báo phòng thi sẽ tăng tại mỗi điểm thi.

Đây là vấn đề khó khăn nhất, đặc biệt với địa phương có điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt, số phòng học còn hạn chế. Nhân sự tham gia kỳ thi, nhất là công tác coi thi cũng cần nhiều hơn. Tuy nhiên, năm 2024 Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã mở rộng đối tượng tham gia coi thi. Nếu Bộ GD&ĐT không thay đổi quy định này thì địa phương sắp xếp được.

Ngoài ra, tổ chức ôn tập cho thí sinh, nhất là các môn mới thi tốt nghiệp THPT lần đầu, giáo viên có thể gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Đề thi có cấu trúc, định dạng mới, dù Bộ GD&ĐT đã sớm công bố để học sinh, giáo viên chuẩn bị, yên tâm hơn, nhưng do năm đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018 nên khó tránh khỏi giáo viên, nhà trường lo lắng.

Nhận diện những vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, tại Vĩnh Long, các trường đã tổ chức khảo sát nguyện vọng đăng ký môn thi tự chọn của thí sinh, tổng hợp sớm để dự kiến phương án tổ chức thi.

Kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức được triển khai từ đầu năm học để học sinh, giáo viên được chuẩn bị tốt nhất, đặc biệt việc làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Sở GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ trong việc xây dựng câu hỏi theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long đề xuất, Bộ GD&ĐT sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT để địa phương chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ; sớm hoàn thiện phần mềm, thử nghiệm phương án xếp phòng thi để địa phương tham khảo thông tin, chuẩn bị cho công tác tổ chức thi. Việc tập huấn, nâng cao năng lực ra đề theo cấu trúc định dạng mới cho giáo viên cũng mong Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cũng nhắc đến khó khăn khi số tổ hợp bài thi tăng lên; cùng đó là Chương trình GDPT 2018 yêu cầu phẩm chất, năng lực chứ không chỉ kiến thức, kỹ năng. Chính vì vậy, ngành Giáo dục Đăk Nông đã tuyên truyền để thay đổi nhận thức, nhất là của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên...

Chú trọng giáo dục hướng nghiệp, đổi mới quan điểm, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Tiếp tục tập huấn đội ngũ giáo viên xây dựng câu hỏi thi, lên kế hoạch tổ chức thi thử để học sinh sớm tiếp cận đề thi, câu hỏi thi theo hướng mở và làm quen với cách thức tổ chức thi tốt THPT năm 2025.

Cùng với đó, tính toán kỹ phương án nhân sự, trên cơ sở số lượng học sinh đăng ký thi môn tự chọn, nhất là số lượng cán bộ làm công tác thi. “Với Đắk Nông, đây cũng không phải vấn đề khó khăn. Sở GD&ĐT đang chờ hướng dẫn, Quy chế thi của Bộ GD&ĐT để có phương án cụ thể”, ông Phan Thanh Hải cho hay.

 Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú

Tập huấn kỹ, chạy thử mô hình

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương, từ năm 2023, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGD&ĐT phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025”; đầu năm 2024, ban hành Quyết định 764/QĐ-BGD&ĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Để chuẩn bị cho công tác ra đề thi theo hướng mở, phát huy trí tuệ tập thể toàn ngành, Bộ GD&ĐT chủ động triển khai tập huấn trên toàn quốc về quy trình, nghiệp vụ, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho hàng nghìn giáo viên, giảng viên; đây cũng là lần đầu tiên triển khai trên quy mô toàn quốc và số lượng lớn.

Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang được xây dựng và sẽ đăng mạng để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong thời gian tới, trong đó có một số điểm mới để thúc đẩy dạy và học, kiểm tra, đánh giá 3 năm cuối cấp. Điều này giúp kỳ thi có sự phân hóa cao hơn, hỗ trợ đối đa cho tuyển sinh ĐH, CĐ và ứng dụng hiệu quả hơn nữa công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nhiều khâu của kỳ thi.

Đặc biệt, thời gian tổ chức coi thi cũng được công bố từ sớm. Cụ thể, trong Khung kế hoạch năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT đã công bố dự kiến ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vào 26 - 27/6/2025. Công bố sớm ngày thi tốt nghiệp THPT giúp học sinh, nhà trường, các sở GD&ĐT chủ động hơn trong công tác dạy - học cũng như chuẩn bị ôn tập và chủ động cho kỳ thi vào lớp 10.

Về những lưu ý đối với địa phương trong chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi này, ông Huỳnh Văn Chương cho biết, Bộ GD&ĐT đã nêu cụ thể trong Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2024 - 2025. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường chức năng quản lý, gắn trách nhiệm chỉ đạo, quản lý của UBND cấp tỉnh và sở GD&ĐT trong chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.

Xây dựng và thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi đến các cấp cơ sở. Làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi; tăng cường quán triệt Quy chế thi; nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi...

Căn cứ các môn thi được công bố tại phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và Chương trình GDPT 2018 sẽ có tới 36 tổ hợp bài thi cho 2 môn tự chọn của học sinh bên cạnh 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn. Theo ông Huỳnh Văn Chương, đây là thách thức lớn cho công tác bố trí, tổ chức thi và cần được tập huấn kỹ, chạy thử mô hình bố trí phòng trí tối ưu cho các địa phương.

Để bảo đảm việc sắp xếp phòng thi là tối ưu, hạn chế tối đa việc di chuyển của thí sinh, ông Huỳnh Văn Chương cho rằng, các địa phương cần tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng ký môn thi của thí sinh từ tháng 12/2024 và xây dựng các phương án phòng thi, bố trí thực hiện thử nghiệm. Trên cơ sở kết quả khảo sát nguyện vọng của thí sinh, các sở GD&ĐT có thể tiến hành dự kiến phương án sắp xếp địa điểm thi bảo đảm nguyên tắc: Các thí sinh dự thi cùng tổ hợp tự chọn sẽ được sắp xếp trong một phòng thi.

Bài học từ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cần được phát huy để tổ chức tốt kỳ thi năm 2025. Trong đó, đặc biệt quan trọng là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương; nỗ lực của toàn ngành Giáo dục; vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội.

Cùng với đó, phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng; công tác phối hợp, kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa Bộ GD&ĐT với các bộ ngành liên quan. Cuối cùng là trách nhiệm toàn diện của UBND các địa phương trong tổ chức kỳ thi trên địa bàn và công tác truyền thông nhanh chóng, kịp thời. - Ông Huỳnh Văn Chương

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-chuan-bi-tu-som-tu-xa-post698571.html