Kỹ thuật giúp lúa sống chung với nắng hạn của Việt Nam được ca ngợi
Trên Bưu điện Nam Hoa, Mohammad Yunus đã có bài viết về tình hình nắng nóng đe dọa cây lúa ở Đông Nam Á, đồng thời ca ngợi các sáng kiến chống khô hạn - trong đó có sáng kiến của nông dân Việt Nam.
Năm 2023 đã được Tổ chức Khí tượng thế giới WMO xác định là năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Đáng tiếc, xu thế này vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2024, bằng chứng là dữ liệu đáng báo động vào tháng 3: nhiệt độ toàn cầu đã tăng đến mức chưa từng có, vượt mức của các thập niên trước 0,73 độ C và đặc biệt là vượt mức chuẩn thời tiền công nghiệp 1,68 độ C.
Nắng nóng lập kỷ lục
Đông Nam Á, nơi sinh sống của hơn 600 triệu người, hiện đang chứng kiến sự gia tăng số lượng các đợt nắng nóng. Dữ liệu gần đây cho thấy nhiệt độ cao chưa từng có được ghi nhận vào đầu tháng 4 tại nhiều trạm giám sát khác nhau trong khu vực.
Tại Minbu, miền trung Myanmar, người ta đã chứng kiến nhiệt độ cao nhất lịch sử là 44 độ C, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử ở Đông Nam Á, nhiệt độ được ghi nhận mức cao như vậy vào đầu tháng. Hat Yai, miền nam Thái Lan, ghi nhận nhiệt độ 40,2 độ, cũng lập kỷ lục. Tương tự, Yên Châu (Sơn La), phía Tây Bắc Việt Nam, có lúc nhiệt độ lên tới 40,6 độ, điều chưa từng xảy ra vào thời điểm này trong các năm trước.
Đông Nam Á là khu vực sản xuất lúa gạo quan trọng, chiếm 26% sản lượng gạo toàn cầu và 40% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Đông Nam Á cũng đóng vai trò là nhà cung cấp gạo chính cho các khu vực khác như châu Phi và Trung Đông.
Là lương thực chủ yếu của hơn một nửa dân số thế giới, lúa gạo là một trong những cây trồng quan trọng nhất giúp đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, do là một loại cây bán thủy sinh, lúa cần nguồn nước đáng kể và thường chỉ phát triển ở những vùng có độ ẩm cao. Vì vậy, sóng nhiệt gây ra mối đe dọa cho sản xuất lúa gạo.
Tại Indonesia, hạn hán kéo dài năm ngoái đã dẫn tới gián đoạn nguồn cung gạo và biến động giá cả. Năm nay, sản lượng gạo giảm từ 31,53 triệu tấn xuống còn 30,9 triệu tấn đẩy giá gạo tháng 2 tăng so với năm trước
Tại Đông Dương, đầu năm nay, mực nước xuống thấp đến mức nông dân gặp khó khăn trong việc tưới tiêu cây trồng. Để giải quyết các yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp, nông dân buộc phải bơm nước từ nơi khác vào ruộng của họ.
Tại Thái Lan, năng suất cây trồng giảm do nhiệt độ tăng cao và hiện tượng El Ninõ được dự đoán sẽ khiến nợ của nông dân tăng 8% trong năm nay. Tương tự, ở Malaysia, nắng nóng khắc nghiệt và hiện tượng El Ninõ đã buộc nông dân phải hoãn gieo trồng do nguồn nước suy giảm. Thông thường, nông dân ở Đông Nam Á gieo trồng 2 vụ mỗi năm nhưng với hoàn cảnh hiện tại, một số đã phải giảm xuống chỉ còn một vụ.
Các biện pháp thích nghi
Các nước Đông Nam Á đang phải hành động khẩn cấp để thích ứng và bảo vệ ngành nông nghiệp. Các chiến lược thích ứng chủ động được thực hiện với sự trợ giúp của các giống lúa chịu hạn, các loại cây trồng đa dạng, các biện pháp tưới tiêu hiệu quả và hệ thống cảnh báo sớm.
Các nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á đã phát triển các giống lúa có khả năng chống chọi với tình trạng khan hiếm nước. Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, có trụ sở tại Philippines, đã giới thiệu nhiều giống lúa chịu hạn, gồm giống Sahbhagi Dhan ở Ấn Độ, giống Sahod Ulan ở Philippines và giống Sookha Dhan ở Nepal.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu ở Indonesia đã xác định được 11 giống lúa chịu hạn. Chúng có khả năng tồn tại trong điều kiện nguồn nước thấp so với lúa thông thường, từ đó hỗ trợ nông dân giảm thiểu nguy cơ mất mùa do hạn hán.
Mặc dù lúa vẫn là cây trồng chủ lực quan trọng nhưng nông dân ở Đông Nam Á rất cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng các loại nông sản bên cạnh trồng lúa truyền thống. Việc giới thiệu các loại cây trồng thay thế như kê, sắn và lúa miến có thể nâng cao đáng kể khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành nông nghiệp.
Những loại cây trồng này có khả năng chịu hạn và nắng nóng tốt hơn, đồng thời có giá trị dinh dưỡng cao. Một số loại thậm chí còn được coi là “siêu thực phẩm”. Chúng đóng vai trò là ứng cử viên tối ưu cho luân canh cây trồng, qua đó thúc đẩy sức khỏe của đất và giảm bớt sự phụ thuộc vào phân bón hóa học.
Đa dạng hóa cũng mang lại lợi ích môi trường bằng cách giảm bớt áp lực mà độc canh gây ra cho chất lượng đất, đồng thời mang lại cho nông dân nguồn thu nhập đa dạng.
Một phương pháp tưới hiệu quả là kỹ thuật tưới lúa ướt xen kẽ, một chiến lược quản lý lượng nước nhằm duy trì độ ẩm của đất mà không bị ngập liên tục.
Tại Việt Nam, sáng kiến thí điểm của chiến lược này được hỗ trợ bởi sự hợp tác giữa giới nghiên cứu từ các trường đại học và nông dân. Nông dân có thể sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để giúp tiết kiệm nước nhờ điện thoại kết nối với hệ thống cảm biến và máy bơm nước ngoài đồng. Do đó, phương pháp này giúp giảm lượng nước cần thiết cho canh tác lúa.
Dự báo thời tiết thông thường lại thường thiếu mức độ chi tiết cần thiết để nông dân đưa ra quyết định canh tác. Hệ thống cảnh báo sớm giảm bớt hạn chế này bằng cách đưa ra dự báo đợt nắng nóng được tùy chỉnh theo các vùng và vi khí hậu riêng biệt, cho phép nông dân đánh giá mức độ nghiêm trọng và thời gian của các đợt nắng nóng sắp xảy ra.
Điều quan trọng không kém là việc phổ biến những dự báo này đến nông dân. Đông Nam Á có thể áp dụng mô hình tương tự như cách tiếp cận của Ấn Độ, trong đó Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia có kế hoạch tăng cường hệ thống cảnh báo sớm bằng cách mở rộng các kênh liên lạc: ngoài thông báo qua tin nhắn còn phát trên đài truyền hình, đài phát thanh và các nền tảng truyền thông khác.
Việc áp dụng các chiến lược thích ứng chủ động như vậy không chỉ giúp tăng cường khả năng đối phó trước các đợt nắng nóng mà còn góp phần vào sự bền vững và thịnh vượng của nhà nông trong khu vực. Những nỗ lực hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nông dân mang lại hy vọng rằng Đông Nam Á có thể vượt qua những thách thức do nắng nóng đặt ra và đảm bảo an ninh lương thực cho dân số ngày càng tăng.