Kỹ thuật mới trong phẫu thuật nhi

Dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai lần đầu tiên vừa triển khai kỹ thuật đặt dẫn lưu dịch não tủy đường thắt lưng để cứu chữa cho bệnh nhân bị chấn thương hiếm gặp.

Các bác sĩ đang tiến hành đặt ống dẫn lưu vào thắt lưng của bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

Các bác sĩ đang tiến hành đặt ống dẫn lưu vào thắt lưng của bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

Để thực hiện kỹ thuật này, yêu cầu bệnh viện phải có bác sĩ chuyên khoa về ngoại thần kinh nhi, có các trang thiết bị kỹ thuật phù hợp.

* Chấn thương hiếm gặp

BS Nguyễn Văn Toàn, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, bệnh nhân nam được thực hiện kỹ thuật năm nay 16 tuổi, đi xe máy tự tông vào cột mốc giao thông bên đường. Sau tai nạn, bệnh nhân bị một vết thương lõm sọ, phù trán, vết thương đâm vào nhu mô não, rách màng cứng ở vùng trán và sàn sọ. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản, truyền dịch, giảm đau, hội chẩn phẫu thuật. Đến khi vào phòng mổ, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, không có cảm giác, rỉ dịch não tủy ra đường tai. Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch vết thương, khâu vá màng cứng và lấy máu tụ.

Sau phẫu thuật 4 ngày, bệnh nhân có cải thiện về tri giác nhưng vẫn còn rỉ dịch não tủy ra đường tai khoảng 300-400ml mỗi ngày, vẫn phải thở máy và sử dụng thuốc an thần. Đây là bệnh lý rất hiếm gặp ở bệnh nhân nhỏ tuổi. Để xử lý tình trạng này, bệnh nhân cần phải can thiệp đặt dẫn lưu não tủy đường thắt lưng.

BS Nguyễn Văn Toàn, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nói: “Trước kia, bệnh viện đã từng tiếp nhận một số trường hợp bị chảy dịch não tủy qua tai nhưng do chưa đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật dẫn lưu thắt lưng nên bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Việc bệnh viện triển khai được kỹ thuật này sẽ giúp bệnh nhân có thêm cơ hội hồi phục, đỡ tốn kém chi phí và mất nhiều thời gian”.

Tuy nhiên, đây là kỹ thuật cao, thủ thuật đặt dẫn lưu đường thắt lưng tương đối khó, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chưa thực hiện lần nào. Do đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã hội chẩn với ThS-BS Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2.

ThS-BS Thanh Cần nhất trí xuống Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để trực tiếp thực hiện kỹ thuật đặt dẫn lưu não tủy đường thắt lưng, đồng thời chuyển giao kỹ thuật này cho các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Theo ThS-BS Đặng Đỗ Thanh Cần, tổn thương của bệnh nhân do cơ chế chấn thương mạnh gây vỡ xương sàn sọ, liên quan đến xương đá. Trong lòng xương đá có xoang chẩm. Khi xương đá này bị vỡ, màng cứng bị rách nên dịch não tủy sẽ chảy từ trong não ra qua khe bị rách vào xoang và chảy ra đường ống tai. Đây là thương tổn xuất hiện ngay từ lúc bệnh nhân bị chấn thương, khá hiếm gặp trong chấn thương sọ não. Ở trẻ em, chấn thương dạng này chỉ chiếm khoảng 5-10%. Đặc biệt, biến chứng rò dịch não tủy qua tai và mũi do hậu quả của vỡ xương sàn sọ rất hiếm gặp.

* Một kỹ thuật y khoa khó

Để tránh trường hợp bệnh nhân bị viêm màng não, các bác sĩ đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh vì dịch não tủy khi chảy ra ngoài, vi trùng ở bên ngoài tai, da sẽ di chuyển vào bên trong gây viêm màng não. Biến chứng này rất nguy hiểm, có thể để lại áp xe, về lâu dài có thể để lại ổ mủ ở vùng đó.

Tiến hành thực hiện kỹ thuật đặt dẫn lưu đường thắt lưng, bác sĩ dùng một cây kim sắt làm đường dẫn đưa ống nhựa rất nhỏ vào khoang dưới màng cứng đoạn thắt lưng để dẫn lưu dịch não tủy ra ngoài.

Ống nhựa rất nhỏ được chuẩn bị đưa vào thắt lưng của bệnh nhân

Ống nhựa rất nhỏ được chuẩn bị đưa vào thắt lưng của bệnh nhân

Trong vòng 2 tuần, mỗi ngày sẽ dẫn ra bên ngoài khoảng 50-100ml dịch não tủy. Khi dịch não tủy được chảy ra bên ngoài bằng đường thắt lưng, áp lực não tủy trên đầu bệnh nhân sẽ giảm, hiện tượng chảy dịch não tủy qua khe rách trên màng sọ cũng sẽ giảm dần. Từ đó tạo điều kiện cho màng cứng lành lại một cách tự nhiên. Riêng xương sọ thì phải mất vài tháng sau mới lành.

BS Thanh Cần cho biết, thủ thuật đặt dẫn lưu não tủy đường thắt lưng có tỷ lệ thành công khoảng 80-85%. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được sử dụng thuốc dự phòng viêm màng não trong vòng 2 tuần. Sau 2 tuần, nếu bệnh nhân không còn chảy dịch não tủy qua tai, không có biến chứng viêm màng não thì các bác sĩ sẽ khóa thử ống dẫn lưu để xem bệnh nhân có chịu đựng được hay không và dịch có tiếp tục chảy ra nữa không. Tùy vào tình hình để rút ống dẫn lưu, theo dõi bệnh nhân và chờ bệnh nhân phục hồi tự nhiên.

Kỹ thuật này thực hiện ở trẻ em khó hơn nhiều so với người lớn vì cơ thể trẻ nhỏ, việc đưa cây kim và ống dẫn vào bên trong thắt lưng rất khó khăn. Cây kim cũng dễ bị chạm vào các cấu trúc mô mềm bên trong gây chảy máu. Khi chảy máu ở bên trong thì ống dẫn lưu dễ bị tắc. Do đó, để có thể thực hiện kỹ thuật này cần phải có bác sĩ chuyên khoa về ngoại thần kinh nhi, phải có một bộ dẫn lưu thắt lưng gồm: một bộ chứa dịch để đưa dịch ra bên ngoài, cần 1 bộ dụng cụ kim để chọc dò vào tủy sống, một sợi dây dẫn lưu để nối với bịch chứa dịch não tủy. Tất cả hệ thống này cần phải kín, đảm bảo nguyên tắc vô trùng bởi nếu để sơ sót rất dễ xảy ra tình trạng nhiễm trùng ngược.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202103/ky-thuat-moi-trong-phau-thuat-nhi-3048723/