Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử: Bước đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao

Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử là một bước đột phá quan trọng trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Đây là kỹ thuật đơn giản, dễ tiếp cận, có độ nhạy, độ đặc hiệu cao trong việc phát hiện vi khuẩn lao và tính kháng thuốc, mang lại giá trị chẩn đoán chính xác, đặc biệt là rút ngắn thời gian trả kết quả so với các xét nghiệm truyền thống trước đây.

Đây là những thông tin được các chuyên gia y tế cho biết tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đừng chậm trễ: Chiến thắng bệnh lao với xét nghiệm sinh học phân tử nhanh” do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) phối hợp với Công ty Cepheid và Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm tổ chức sáng 5/7.

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu, tổ chức trong nước và quốc tế cùng hơn 700 nhân viên y tế đang công tác trong ngành lao trên toàn quốc.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng phát biểu tại Hội thảo.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng phát biểu tại Hội thảo.

Buổi Hội thảo nhằm cung cấp các thông tin hữu ích về tình hình bệnh lao trên thế giới và ở Việt Nam, các hướng dẫn chẩn đoán và các phác đồ điều trị mới nhất được áp dụng cũng như các chiến lược, các hoạt động cần thiết để giúp Việt Nam chiến thắng bệnh lao vào năm 2035.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành CTCLQG Đinh Văn Lượng cho biết: Đại dịch Covid-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng. Số ca lao được phát hiện trong năm 2020 và 2021 đã bị sụt giảm. Điều đó cho thấy số bệnh nhân chưa được phát hiện và điều trị đã tăng lên đáng kể, dẫn đến tăng số ca tử vong do lao và mức độ lây truyền trong cộng đồng mạnh hơn.

Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn. Từ năm 2000 đến năm 2021, 74 triệu người nhiễm lao trên toàn thế giới đã được cứu sống và điều trị khỏi. Vì vậy, phát hiện sớm, đặc biệt phát hiện lao chủ động không những cứu sống người bệnh mà còn ngăn chặn nguồn lây lan cho cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh lao, giảm tỷ lệ tử vong.

Để tăng khả năng tiếp cận chẩn đoán sớm và chính xác bệnh lao bằng các xét nghiệm sinh học phân tử, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử đơn giản, nhanh chóng, dễ tiếp cập với thời gian trả kết quả nhanh để bệnh nhân có thể tiếp cận điều trị kịp thời, và đó cũng là một trong những nỗ lực chính trong chiến lược chấm dứt bệnh lao trên toàn thế giới. Cùng với đó, WHO cũng đặc biệt khuyến cáo việc thay thế xét nghiệm soi kính trực tiếp bằng xét nghiệm sinh học phân tử nhanh, nhằm cải thiện độ nhạy trong phát hiện vi khuẩn lao.

Hiện nay, tại Việt Nam CTCLQG đã đưa vào sử dụng hơn 320 hệ thống máy Genexpert (Xét nghiệm sinh học phân tử nhanh) tại 180 cơ sở y tế thuộc 63 tỉnh, thành trên toàn quốc để mở rộng mạng lưới, tăng cường tiếp cận, chẩn đoán sớm bệnh nhân lao và lao kháng thuốc trong cộng đồng.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các xét nghiệm chẩn đoán, vắc xin và thuốc điều trị lao cũng ngày một được nghiên cứu và phát triển nhiều hơn.

Theo báo cáo của WHO, chỉ trong tháng 9/2022, đã có 26 thuốc điều trị lao và 16 vắc xin lao được đưa vào thử nghiệm pha 1, 2 và 3. Có ít nhất 22 thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện để đánh giá hiệu quả của thuốc điều trị lao cũng như phác đồ điều trị lao trên toàn cầu. Điều đó cho thấy một nỗ lực chung của toàn thế giới trong việc chung tay, đoàn kết chấm dứt bệnh lao.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-thuat-xet-nghiem-sinh-hoc-phan-tu-buoc-dot-pha-trong-chan-doan-va-dieu-tri-benh-lao-157887.html