Kỳ tích cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện, không để lại di chứng nhờ kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy
Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vừa lập kỳ tích khi cứu sống một bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở bằng kỹ thuật 'hạ thân nhiệt chỉ huy'. Hiện tại, người bệnh hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.
Ngày 11/9, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Đức Phúc – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, vừa cứu sống một bệnh nhân 48 tuổi ngừng thở và ngừng tim ngoại viện không để lại di chứng bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.
Bệnh nhân là ông P.V.H. (48 tuổi, trú tại Nghi Phú, TP Vinh), có tiền sử khỏe mạnh. Ngày 31/8/2024, bệnh nhân đột ngột hôn mê, tím tái và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái, ngừng thở và ngừng tim. Ngay lập tức, khoa Cấp cứu đã kích hoạt hệ thống báo động toàn viện và khẩn trương cấp cứu. Sau 10 phút cấp cứu liên tục, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại, nhưng vẫn còn rất nguy kịch. Bệnh nhân tiếp tục hôn mê sâu, phải thở máy và dùng hai loại thuốc vận mạch liên tục để duy trì nhịp tim và huyết áp.
Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não khẩn cấp, kết quả cho thấy không có tổn thương. Tiếp theo, bệnh nhân được chụp DSA mạch vành để tìm nguyên nhân ngừng tim. Dựa trên kết quả lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Hôn mê sau ngừng tuần hoàn, theo dõi rối loạn nhịp tim và được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân nhập khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn 4 mm nhưng vẫn còn phản xạ, thở máy xâm nhập và duy trì hai loại thuốc vận mạch liều cao. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp rất nặng, nguy cơ tử vong cao, cần áp dụng các kỹ thuật hồi sức cấp cứu chuyên sâu.
Ngay sau đó, bệnh nhân được tiến hành 'hạ thân nhiệt chỉ huy'. Các tấm dán hạ nhiệt được đặt lên da và thân nhiệt được điều khiển bằng máy, kết hợp với các biện pháp hồi sức tích cực, thở máy, sử dụng thuốc an thần và giãn cơ, cùng với kiểm soát huyết áp. Quá trình hạ thân nhiệt kéo dài khoảng 72 giờ.
ThS.BS Trần Phương - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, bệnh nhân H. đã tỉnh lại sau 4 ngày điều trị, có thể gọi hỏi và biết, không còn bị yếu liệt. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản vào ngày thứ 4 sau khi nhập viện. Sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, không có di chứng thần kinh và đã được xuất viện vào ngày 9/9.
Theo TS.BS Nguyễn Đức Phúc: Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ngừng tuần hoàn rất thấp, và dù được cứu sống, họ vẫn phải đối mặt với các di chứng tổn thương não nặng nề như liệt nửa người, co giật, mất trí nhớ, hoặc nặng hơn là hôn mê và sống đời sống thực vật.
Để tăng cơ hội sống cho bệnh nhân, đặc biệt là phục hồi ý thức và chức năng vận động, 'hạ thân nhiệt chỉ huy' là một kỹ thuật tiên tiến giúp giảm tỷ lệ tử vong và các di chứng tổn thương não sau ngừng tuần hoàn.
"Hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp sử dụng kỹ thuật làm lạnh, hạ thân nhiệt của bệnh nhân xuống khoảng 33 độ C trong 24 giờ, nhằm ngăn chặn quá trình rối loạn chuyển hóa tế bào sau khi ngừng tim. Khi tim ngừng co bóp, máu không còn được bơm đi nuôi cơ thể, gây ra rối loạn chức năng của các tế bào, đặc biệt là tế bào não. Tế bào não khi bị tổn thương rất khó hồi phục hoặc dễ để lại di chứng. Việc can thiệp kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy giúp giảm thiểu các tổn thương và ngăn chặn quá trình rối loạn tế bào, từ đó hạn chế di chứng cho bệnh nhân." TS.BS Nguyễn Đức Phúc cho biết thêm.
PGS.TS Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết: "Qua việc cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn nhờ kĩ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cho thấy việc bệnh viện đầu tư trang thiết bị, cũng như việc chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ y bác sĩ là rất quan trọng và đúng hướng phát triển của bệnh viện.
Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, được áp dụng tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, đã kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Để đạt hiệu quả cao trong điều trị hạ thân nhiệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa. Bệnh nhân ngừng tim phải được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, và quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn phải được thực hiện nhanh chóng, tích cực, theo đúng phác đồ để khôi phục tuần hoàn kịp thời".