Kỳ tích ngoại giao Hồ Chí Minh: Từ chiến tranh đến hội nhập quốc tế sâu rộng
Nếu như trong chiến tranh, ngoại giao song hành cùng chính trị và quân sự để làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, thì trong thời bình, ngoại giao tiếp tục mở đường cho sự phát triển, hội nhập, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tất cả đều mang đậm dấu ấn tư duy ngoại giao Hồ Chí Minh: mềm dẻo nhưng kiên định, khôn khéo nhưng nguyên tắc, lấy lợi ích dân tộc làm trung tâm.

Hiệp định Paris - hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp) năm 1973 - là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Ngoại giao thời chiến: Trí tuệ và bản lĩnh dân tộc
Nói đến kỳ tích ngoại giao Việt Nam, không thể không nhắc tới Hiệp định Paris năm 1973 - một trong những đỉnh cao thắng lợi ngoại giao Việt Nam trong lịch sử hiện đại.
Tại Hội thảo “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khẳng định, Hiệp định Paris chính là đỉnh cao nghệ thuật ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đàm phán tại Paris là một hành trình bền bỉ, gian nan: kéo dài 4 năm 8 tháng 16 ngày, với hơn 200 phiên họp chính thức, 45 phiên họp riêng, hơn 500 cuộc họp báo và hàng ngàn cuộc vận động ngoại giao.
Không chỉ kéo dài về thời gian, đây còn là một trận chiến quyết liệt trên bàn đàm phán, phản ánh đúng tinh thần "vừa đánh vừa đàm". Trên chiến trường, các chiến dịch lớn giành thế chủ động, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải xuống thang; trên bàn đàm phán, các nhà ngoại giao Việt Nam như Nguyễn Thị Bình, Lê Đức Thọ..., với bản lĩnh, tài trí và sự kiên trì phi thường, đã ép đối phương phải chấp nhận những điều khoản cơ bản có lợi cho ta: công nhận chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Mỹ phải rút toàn bộ quân đội ra khỏi miền Nam.
Sức mạnh của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn này không chỉ đến từ chiến trường, mà còn từ việc tranh thủ và khai thác tối đa sức ép của dư luận quốc tế. Những cuộc biểu tình rầm rộ ngay trên đất Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh lan rộng khắp thế giới là kết quả của công tác vận động ngoại giao kiên trì và khôn khéo. Việt Nam đã thành công trong việc biến chính nghĩa của mình thành chính nghĩa của nhân loại.
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng nhấn mạnh: “Không có Hiệp định Paris thì không có ngày 30/4/1975”. Điều đó cho thấy, ngoại giao không chỉ hỗ trợ, mà thực sự đóng vai trò quyết định trong việc kết thúc chiến tranh, mở ra kỷ nguyên hòa bình và thống nhất cho dân tộc.
Điều đáng lưu ý là, ngoại giao thời chiến của Việt Nam không chỉ kiên cường trên bàn đàm phán chính thức, mà còn hết sức linh hoạt trên các mặt trận phụ trợ: từ việc tranh thủ sự ủng hộ của phong trào không liên kết, thúc đẩy tiếng nói của các lực lượng tiến bộ quốc tế, cho đến những nỗ lực duy trì và phát triển quan hệ với các quốc gia xã hội chủ nghĩa anh em. Mỗi hoạt động đối ngoại, dù công khai hay thầm lặng, đều nhằm mục tiêu tối thượng: củng cố chính nghĩa, tạo thế và lực cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Ngoại giao mở đường cho hòa bình và hội nhập quốc tế
Ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là sự kết tinh giữa truyền thống ngoại giao dân tộc ngàn năm và tinh thần thời đại hiện đại. Theo GS-TSKH. Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, 5 nhân tố cốt lõi của ngoại giao Việt Nam là lợi ích nhân dân là tối thượng; thực tâm yêu chuộng hòa bình; xuất phát từ văn hóa dân tộc với lòng nhân ái; kiên trì ngọn cờ chính nghĩa; biết chọn người tài đức làm công tác đối ngoại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm”. Chính tư tưởng này đã soi đường cho nền ngoại giao Việt Nam trong suốt các giai đoạn, từ chiến tranh đến hòa bình, từ đối đầu đến đối thoại và hợp tác. Ngoại giao không đơn thuần là đàm phán, ký kết, mà còn là nghệ thuật kết hợp giữa lý tưởng chính trị và lợi ích thực tiễn, giữa nguyên tắc và linh hoạt, giữa cứng rắn và mềm dẻo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy biến động hiện nay, ngoại giao tiếp tục là một trụ cột quan trọng, mở đường cho kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và thế giới.
Sau chiến tranh, Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn: đất nước bị tàn phá nặng nề, lại chịu bao vây, cấm vận quốc tế. Trong bối cảnh ấy, ngoại giao tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, trở thành chiếc cầu nối đưa Việt Nam từ thế cô lập sang hội nhập sâu rộng với thế giới.
Chính nhờ sự “nguyên tắc và linh hoạt, cứng rắn và mềm dẻo”, mà một loạt dấu mốc đối ngoại quan trọng được thiết lập, từ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), Mỹ (1995), để mở ra giai đoạn hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (1995), ASEM (1996), APEC (1998), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (2007).
Nhắc lại lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt: sau ngày 30/4/1975, có người vui và cũng có người buồn, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Di Niên cho rằng, câu nói đúng với thời điểm đó, nhưng sau 50 năm nhìn lại, thì người vui ngày càng nhiều và là dòng chủ đạo vì đất nước đã thống nhất, xây dựng được cơ đồ, tiềm lực, vị thế tốt đẹp cho dân tộc, cho nhân dân.
"Làm sao mà không vui được khi Việt Nam kết thúc chiến tranh, trong vòng 50 năm đã nối lại quan hệ với Mỹ - một cựu thù và còn nâng quan hệ lên tầm cao nhất của ngoại giao là đối tác chiến lược toàn diện", ông Niên bày tỏ.
Không chỉ vậy, trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết và nâng tầm quan hệ với hàng loạt quốc gia trên thế giới, đến nay thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 12 nước và khẳng định vai trò đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề quốc tế.
Ông John McAuliff, Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) đánh giá, Việt Nam như một trung gian đáng tin cậy, có thể đóng góp tích cực vào việc giải quyết các cuộc xung đột toàn cầu. Đó là một sự thừa nhận to lớn về uy tín ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những thành quả ấy chứng minh cho nhận định của nguyên Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội rằng, sức mạnh mềm ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc dân tộc và sức mạnh thời đại.
Ngoại giao Việt Nam không chỉ vận động bên ngoài, mà còn chủ động kiến tạo lòng tin, phá thế bao vây cấm vận, từng bước hội nhập khu vực và thế giới. Từ vận động các nước ASEAN chấp nhận Việt Nam là thành viên thứ 7, đến đàm phán thành công các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam đã chứng minh năng lực làm bạn, làm đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia.
Đặc biệt, một điểm sáng trong chiến lược ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Theo Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, trong chiến tranh, Việt Nam chưa bao giờ coi nhân dân Mỹ là kẻ thù. Ngược lại, chính những cuộc vận động ngoại giao nhân dân đã biến hàng triệu người Mỹ thành những đồng minh chống chiến tranh, góp phần tạo áp lực buộc Chính phủ Mỹ phải xuống thang.
Từ lẽ phải, chính nghĩa, Việt Nam đã có thể tập hợp được lực lượng ủng hộ ngay trong lòng đất nước gửi quân đi xâm chiếm. Những cuộc biểu tình ủng hộ của người Mỹ và khắp nơi trên thế giới đã giúp Việt Nam tăng cường tiềm lực trong đấu tranh để giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong thời bình, "sức mạnh mềm" là thế và lực trong kinh tế, thương mại, bên cạnh những chính sách quốc phòng. Vị thế, tiềm lực giúp đất nước chủ động hơn từ hợp tác kinh tế để chủ động tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu, như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, cứu trợ quốc tế...
Nhìn lại hành trình nửa thế kỷ qua, có thể khẳng định, ngoại giao Việt Nam đã làm nên kỳ tích: từ chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, đến hội nhập sâu rộng và nâng cao vị thế quốc gia.
Kỳ tích ấy không tự nhiên có, mà là thành quả của một đường lối đối ngoại đúng đắn, bám sát thực tiễn, thấm nhuần tinh thần ngoại giao Hồ Chí Minh - “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy bất biến là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ; ứng vạn biến là linh hoạt, sáng tạo trong đối sách và hành động.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy biến động hiện nay, ngoại giao tiếp tục là một trụ cột quan trọng, mở đường cho kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và thế giới. Và kỳ tích ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn đang được viết tiếp, trên hành trình vươn mình của một nước Việt Nam phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.