Ký túc xá vùng biên chắp cánh cho học sinh nghèo biên giới Nghệ An

Để tạo điều kiện giúp đỡ các học sinh nghèo người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới Nghệ An yên tâm đến trường học tập, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã phối hợp cấp ủy, chính quyền hai xã: Môn Sơn (Con Cuông) và Tam Quang (Tương Dương) xây dựng 'Ký túc xá đường biên', đáp ứng điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập cho các em.

Khai trương "Ký túc xá đường biên" ở trường THCS Tam Quang.

Khai trương "Ký túc xá đường biên" ở trường THCS Tam Quang.

Trước thềm vào năm học 2024-2025, đồn Biên phòng Tam Quang (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã phối hợp Trường THCS Tam Quang, xã biên giới Tam Quang, huyện miền núi rẻo cao 30a Tương Dương (Nghệ An) và các nhà hảo tâm tổ chức ra mắt ký túc xá dành cho học sinh THCS Tam Quang. Ký túc xá này ở tại bản Làng Mỏ (Tam Quang), trên cơ sở sửa chữa lại một số phòng của trường tiểu học cũ trước đây.

Các phòng nghỉ được trang bị tủ đựng quần áo, đồ dùng.

Các phòng nghỉ được trang bị tủ đựng quần áo, đồ dùng.

Trung tá Bùi Quang Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang, cho biết: Việc xây dựng “Ký túc xá vùng biên” cho học sinh xã Tam Quang xuất phát từ thực tế, địa phương có hai bản: Tùng Hương và Tân Hương nằm cách xa trung tâm xã từ 12-15km đường rừng. Về mùa mưa bão các em đến trường vô cùng khó khăn, vất vả. Một số học sinh do khó khăn cách trở nên đã có ý định bỏ học.

Các phụ huynh vệ sinh phòng nghỉ cho các con vào sáng 4/9.

Các phụ huynh vệ sinh phòng nghỉ cho các con vào sáng 4/9.

Trước thực trạng đó, để tạo điều kiện cho các học sinh ở các bản xa này đến trường, Đồn Biên phòng Tam Quang đã cùng Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tam Quang, Trường THCS Tam Quang họp, thống nhất xây dựng “Ký túc xá đường biên", bảo đảm ăn, nghỉ, học tập cho 40 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở hai bản Tân Hương và Tùng Hương nói trên với kinh phí khoảng hơn 300 triệu đồng.

Nguồn kinh phí này dựa trên sự kêu gọi, kết nối với các nhà thiện nguyện và đóng góp ngày công xây dựng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang.

Chuẩn bị tủ đông và thực phẩm cho các em ở ký túc xá.

Chuẩn bị tủ đông và thực phẩm cho các em ở ký túc xá.

Để bảo đảm hoàn thành ký túc xá đưa vào sử dụng trước năm học mới 2024-2025, Đồn Biên phòng Tam Quang đã huy động tối đa lực lượng cán bộ, chiến sĩ đơn vị để tập trung xây dựng.

Được đơn vị giao nhiệm vụ thi công công trình, Trung tá, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thế Nam chia sẻ: Được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ, và nhận thấy trách nhiệm đối với các em học sinh nghèo biên giới nên hơn một tháng nay chúng tôi đã tranh thủ làm ngày, làm đêm để hoàn thành công trình, kịp đưa vào sử dụng năm học mới 2024-2025. “Những bàn tay chỉ quen cầm súng, nay chúng tôi tập cầm xẻng, sử dụng máy cắt, máy hàn thi công công trình; người nhiều kinh nghiệm chia sẻ với người ít kinh nghiệm để cùng nhau hoàn thành việc xây dựng khu ký túc xá đúng tiến độ đã cam kết”, Trung tá Nam cho biết thêm.

Sáng 4/9, ký túc xá đã được tổng vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị cho ngày khai giảng 5/9.

Sáng 4/9, ký túc xá đã được tổng vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị cho ngày khai giảng 5/9.

Ký túc xá được hoàn thành và ra mắt vào ngày 19/8 vừa qua. Đây là nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng sinh hoạt như một doanh trại bộ đội thu nhỏ, từ phòng ngủ (giường tầng, chăn màn), nhà vệ sinh, khu vui chơi đến nhà bếp, hệ thống nước sạch bảo đảm ăn uống, sinh hoạt, do Đồn Biên phòng Tam Quang vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ.

Đồn Biên phòng Tam Quang sẽ cử tổ công tác từ ba đến bốn sĩ quan biên phòng, cùng phối hợp các giáo viên Trường THCS xã Tam Quang thực hiện việc quản lý, bảo vệ ký túc xá theo quy chế đã được thống nhất; duy trì chế độ sinh hoạt của học sinh theo nề nếp quân đội.

Chuẩn bị đồ dùng bếp ăn tập thể cho các cháu.

Chuẩn bị đồ dùng bếp ăn tập thể cho các cháu.

Đồn còn tiếp tục kết nối, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ nâng cao chất lượng bữa ăn, điều kiện sinh hoạt cho học sinh ngoài chế độ của Nhà nước.

Ông La Quang Đạo, một người dân xã Tam Quang, chia sẻ: Trước đây không có nhà ký túc, con em ở các bản Tùng Hương và Tân Hương đi học phải ở nhờ hoặc thuê trọ rất vất vả; việc học của các cháu cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Bây giờ nhờ đồn biên phòng, địa phương và các nhà hảo tâm mà các em đã có khu ký túc xá khang trang, sạch đẹp để ăn, ở, sinh hoạt. Các gia đình có các cháu theo học được ở ký túc rất yên tâm.

Các cháu đã được chuẩn bị đầy đủ sách vở học tập.

Các cháu đã được chuẩn bị đầy đủ sách vở học tập.

Với việc đưa ký túc xá vùng biên ở Tam Quang đi vào hoạt động đã góp phần chắp cánh cho các em học sinh nghèo biên giới ở các địa bàn bản xa có điều kiện đến trường theo học.

Đến thời điểm này, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã duy trì hai mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên" do các đồn biên phòng triển khai, đỡ đầu.

Trước đây, mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên" đã được Đồn Biên phòng Môn Sơn triển khai tại ký túc xá Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông), đón các em học sinh tộc người Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt, xã Môn Sơn - vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát, cách trường 20km ra học. Trong năm học 2024-2025, ký túc xá Trường THCS Môn Sơn sẽ đón khoảng 90 em học sinh thuộc tộc người Đan Lai này ra học.

Các cháu có đầy đủ đồ dùng chăn màn, bàn ghế, tủ phục vụ cuộc sống.

Các cháu có đầy đủ đồ dùng chăn màn, bàn ghế, tủ phục vụ cuộc sống.

Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Môn Sơn, cho biết: Đơn vị cử tổ công tác hằng ngày hướng dẫn các cháu duy trì chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ, sinh hoạt, bảo đảm an toàn và tốt hơn cho các cháu. Đơn vị còn kết nối các nhà hảo tâm để hỗ trợ các cháu chế độ ăn thêm và mua sắm vật dụng phục vụ học tập.

Với sự chung tay của các chiến sĩ quân hàm xanh nơi biên giới xây dựng mô hình ký túc xá vùng biên không chỉ góp phần giúp đỡ con em đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập tốt hơn mà còn tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng và đồng bào các dân tộc, góp phần xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới.

THÀNH CHÂU - HẢI THƯỢNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ky-tuc-xa-vung-bien-chap-canh-cho-hoc-sinh-ngheo-bien-gioi-nghe-an-post828523.html