Ký ức Biển Hồ trong trái tim người làm báo

Trong hành trình dài của đời người, tôi đã có 1/4 thế kỷ công tác tại An ninh Thủ đô. Kỷ niệm thì nhiều, nhưng một phần cũng do tuổi tác, mỗi ngày hấp thụ vô số thông tin, nên trí nhớ của tôi cũng đôi phần mai một. Thế nhưng, có những ký ức trong quãng đời làm báo đầy vất vả, nguy hiểm nhưng vô cùng tự hào lại nhớ mãi không quên. Mỗi lần nhớ về lại muốn kể ra, để thêm một lần nhớ về chuyến công tác tại thành phố Cần Thơ và một số tỉnh, thành phố Vương quốc Campuchia 7 năm trước.

Tình đồng chí, đồng bào thủy chung son sắt

27-6-2016. Thực hiện nhiệm vụ của đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội, tôi tham gia Đoàn công tác của Cụm thi đua số 4 - CATP Hà Nội lên đường đến thành phố Cần Thơ. Đồng chí Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng (thời điểm đó đồng chí đang mang quân hàm Đại tá), Phó Giám đốc CATP Hà Nội (nay đã nghỉ hưu) làm Trưởng đoàn.

Nhà báo Vi Hồng Tuấn

Ngay sau khi hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Cần Thơ, tại trung tâm quận Bình Thủy, đoàn công tác khẩn trương lên đường tới thăm cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh Tây Nam bộ. Thiếu tướng Huỳnh Đức Hạnh, Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam bộ khi đó cùng đại diện lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ trực thuộc Cục An ninh Tây Nam bộ thân mật đón tiếp Đoàn công tác Công an Hà Nội.

Thời điểm đó, Cục An ninh Tây Nam bộ mới thành lập hơn 10 năm, cơ sở vật chất tuy còn thiếu thốn, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách, chủ động nắm tình hình và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, vô hiệu hóa các hoạt động gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tại thời điểm gặp gỡ, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng cho biết, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam (12-7-1946/ 12-7-2016), Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã phân công đoàn đến thăm, tặng quà Cục An ninh Tây Nam bộ, đồng thời bày tỏ mong muốn Cục tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục mọi khó khăn thử thách, nỗ lực học tập, rèn luyện, công tác và chiến đấu, góp phần bảo vệ an toàn địa bàn trọng điểm phía Tây Nam của Tổ quốc. Thay mặt tập thể Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội và đoàn công tác, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng đã trao tặng 3 bộ máy vi tính cho Cục để thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Đoàn công tác Cụm thi đua số 4 - CATP Hà Nội đi xuồng máy đến Biển Hồ thăm, tặng quà bà con nơi đây (tháng 6-2016)

Đoàn công tác Cụm thi đua số 4 - CATP Hà Nội đi xuồng máy đến Biển Hồ thăm, tặng quà bà con nơi đây (tháng 6-2016)

Từ Thủ đô xa xôi đến với miền Tây Nam bộ, xúc động trước tình đồng chí, đồng đội, Thiếu tướng Huỳnh Đức Hạnh thay mặt đơn vị cảm ơn sự quan tâm của Công an Hà Nội đối với cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh Tây Nam Bộ. “Mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng Công an Hà Nội vẫn quan tâm sâu sắc và chia sẻ những vất vả, khó khăn với Cục An ninh Tây Nam bộ. Chúng tôi khắc ghi tấm lòng của các đồng chí” - Thiếu tướng Huỳnh Đức Hạnh bày tỏ và nhấn mạnh Công an Hà Nội luôn thực hiện có hiệu quả các mặt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Cũng trong buổi chiều ngày hôm đó, đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà và giao lưu với Công an thành phố Cần Thơ - một trong những đơn vị giàu thành tích trên các mặt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn quan trọng của vùng Tây Nam bộ…

Nhiệm vụ của tôi, một phóng viên tham gia đoàn công tác, tôi lập tức viết tin, chụp ảnh và gửi gấp về tòa soạn để chuyển tải ngay tình đồng chí, đồng đội hai miền đất nước không nhiều dịp được gặp gỡ, chia sẻ, động viên. Hành trình đáng nhớ đến với đồng đội đang ngày đêm thực thi nhiệm vụ bảo vệ địa bàn trọng điểm Tây Nam bộ của đất nước cần phải được lan tỏa ngay, suy nghĩ trong tôi lúc đó là như vậy!

Niềm vui của đoàn công tác với bà con ở khu vực Biển Hồ

Niềm vui của đoàn công tác với bà con ở khu vực Biển Hồ

Tình người nơi mênh mông sóng nước

28-6-2016. Đoàn công tác rời thủ phủ của miền Tây Nam bộ lên Cửa khẩu Tịnh Biên làm thủ tục nhập cảnh Vương quốc Campuchia. Hành trình tiếp theo của đoàn công tác là thành phố Siem Riep. Trong suốt chặng đường từ Cửa khẩu Tịnh Biên đến thành phố Siem Riep, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng luôn đau đáu một việc là phải đến khu vực Biển Hồ để thăm, tặng quà những người dân đang sống ở đây.

Đồng chí Phó Giám đốc CATP Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: “Nhiệm vụ đặc biệt và rất quan trọng trong chuyến đi này là chia sẻ với những khó khăn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh của người dân đang sinh sống trong khu vực Biển Hồ rộng lớn, với diện tích 28.000km2 trải dài qua 5 tỉnh, thành phố của Vương quốc Campuchia, trong đó có thành phố Siem Riep”.

Thấu cảm được nỗi lòng của đồng chí Phó Giám đốc, cũng như nhận thức được tầm quan trọng trong chuyến công tác tới Biển Hồ, chúng tôi lập tức thu thập thông tin, tìm hiểu thêm về những cư dân đang sinh sống nơi đây.

Minh Minh - cô gái xinh xắn có nụ cười hiền rạng rỡ, nhân viên điều hành của Công ty TNHH Một thành viên du lịch Vân Hải Xanh (Công ty Vân Hải Xanh) cho biết: “Ngoài những người dân Campuchia đang sinh sống, ở Biển Hồ có gần 2.500 bà con Việt kiều, mưu sinh chủ yếu là nghề đánh bắt cá. Vào mùa nước cạn như hiện tại, nơi sâu nhất của vùng Biển Hồ chỉ ngập đến ngang thắt lưng nên ít cá. Mùa này, đời sống của bà con ở Biển Hồ rất vất vả, khó khăn”. Nhân viên điều hành của Công ty Vân Hải Xanh còn cho biết, mặc dù đời sống còn khó khăn, nhưng trên vùng Biển Hồ vẫn có một ngôi trường Việt Nam để đón trẻ em đến học tập mỗi ngày.

Ngay khi đoàn công tác vừa nhận phòng tại một khách sạn ở trung tâm thành phố Siem Riep, dù dự báo thời tiết sẽ có mưa lớn nhưng Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng vẫn hối thúc mọi người ra xe ô tô lên đường đến Biển Hồ.

Đúng như dự báo, trên đường chúng tôi đến bến tàu để ra Biển Hồ thì trời đổ mưa lớn và gió to. Với quyết tâm phải đến tặng quà người dân nơi đây, thăm ngôi trường Việt Nam, đoàn công tác chúng tôi với từng tốp từ 6 - 7 người cùng các thùng hàng hóa là mì tôm, mì chính, bánh, kẹo, đường, sữa… chất trên những chiếc xuồng, ghe giống những chiếc thuyền ba lá ở miền Tây Nam bộ của Việt Nam khẩn trương lên đường.

Quãng đường dài hơn 5km từ bến tàu Tonle Sap Lake đến ngôi trường nằm giữa vùng Biển Hồ, không ít lần xuồng, ghe của chúng tôi như sắp lật mỗi khi gặp gió lớn. Cuối cùng, chúng tôi đã có mặt tại ngôi trường có một không hai với cái tên “Trung tâm giáo dục nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ, Vương Quốc Campuchia” do Quân khu 7, Quân đội nhân dân Việt Nam xây tặng.

Trao đổi với đoàn công tác, thầy Hiệu trưởng Hồ Văn Tư (quê ở tỉnh Tây Ninh) chia sẻ, trường được xây dựng cách đây hơn 10 năm, hiện có 314 em học sinh các lứa tuổi từ 6-15 gồm cả người Việt Nam và người Campuchia sinh sống trên Biển Hồ theo học. Các em tự đi ghe đến lớp, ăn, ở và học tập, tối lại về ngủ với bố mẹ ở trên ghe, xuồng. Bố mẹ các em phải ra Biển Hồ bắt cá kiếm tiền cả ngày lẫn đêm, không có thời gian chăm lo con cái và mọi công việc chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ đều được giao phó cho các thầy, cô giáo nhà trường”.

Chia sẻ với cuộc sống vất vả của người dân vùng Biển Hồ, đồng chí Trưởng đoàn thay mặt đoàn công tác đã tặng quà các em học sinh. Cảm động trước những tình cảm tốt đẹp, chân tình của Đoàn công tác CATP Hà Nội, thầy Hiệu trưởng Hồ Văn Tư chân thành cảm ơn đoàn công tác và cho biết sẽ quyết tâm vượt mọi thử thách, khó khăn để dạy dỗ con em người dân vùng Biển Hồ trở thành những người có ích cho xã hội.

Trước khi chia tay với chúng tôi, cô giáo Trịnh Thị Kim Em, quê ở tỉnh Long An, sống ở Biển Hồ 26 năm cho biết: “Kinh phí cho các em ăn học đều phụ thuộc vào các tấm lòng hảo tâm của du khách và các cá nhân, tổ chức xã hội ở khắp mọi nơi đến Campuchia”. Cảm động trước lời nói chân thành của cô giáo Trịnh Thị Kim Em, đoàn công tác đã quyên góp được một số tiền, giúp đỡ thêm cho cô trò ngôi trường giữa Biển Hồ mênh mông sóng nước. Số tiền tuy không nhiều, nhưng đã để lại tình cảm cực kỳ tốt đẹp giữa những người dân nơi đây với các cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội.

Rời Biển Hồ khi chân trời tiếp tục có những đám mây đen ùn ùn kéo về, mặc dù là ban ngày nhưng do điều kiện thời tiết, mưa lớn, gió giật mạnh, nên chúng tôi không nhìn rõ mặt nhau. Về đến bến tàu Tonle Sap Lake, ai nấy trong đoàn công tác đều thấy ấm áp lạ kỳ bởi ít nhiều đã chia sẻ được tình cảm với đồng bào ở vùng Biển Hồ. Cảm xúc trào dâng khiến tôi muốn chấp bút viết ngay về những khó khăn, vất vả của đồng bào ta ở vùng Biển Hồ rộng lớn của Vương quốc Campuchia.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-uc-bien-ho-trong-trai-tim-nguoi-lam-bao-post543568.antd