Ký ức chiến thắng trận đầu trên sông Gianh

Cho đến bây giờ, sau 60 năm chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền bắc (2 và 5/8/1964-2 và 5/8/2024), những chiến sĩ hải quân anh dũng ngày ấy giờ đây bước vào tuổi 'xưa nay hiếm' song ký ức về trận đầu chiến thắng vẫn không phai mờ trong tâm trí họ. Để rồi cứ đến ngày 5/8 hằng năm, những người lính hải quân tham gia trận đầu tại sông Gianh, tỉnh Quảng Bình lại gặp nhau để ôn lại kỷ niệm hào hùng năm xưa và tri ân, tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống bên bến phà Gianh anh hùng.

Trong một lần được kết nối, tình cờ chúng tôi được biết đến nhóm của những người lính Hải quân quả cảm năm xưa trên dòng sông Gianh ở tỉnh Quảng Bình còn khỏe mạnh, thường xuyên tổ chức gặp mặt để ôn lại ký ức vang dội năm xưa và thăm viếng đồng đội.

Một trong những cựu chiến binh đó là ông Lê Văn Trí, chiến sĩ Hải quân sông Gianh năm xưa, hiện sinh sống ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch.

Ông Lê Văn Trí (áo sọc) hồi tưởng lại trận chiến thắng trên quân cảng sông Gianh 60 năm trước.

Ông Lê Văn Trí (áo sọc) hồi tưởng lại trận chiến thắng trên quân cảng sông Gianh 60 năm trước.

Tiếp chúng tôi trong một chiều cuối tháng 7, câu chuyện của ông Lê Văn Trí như cuốn phim quay chậm về quá khứ với nhiều chi tiết, trường đoạn cụ thể mà không phải bất cứ ai ở vào tuổi 80 cũng nhớ rõ đến như vậy.

Vào buổi trưa ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã sử dụng rất nhiều máy bay từ 2 tàu sân bay ở ngoài biển chia thành nhiều tốp, bay ở độ cao thấp khác nhau bổ nhào ném bom sát thương, bom nổ trên không, bom napan, bom bi, bắn rocket và đạn 20 ly vào quân cảng sông Gianh, tỉnh Quảng Bình.

Các cựu chiến binh tham gia trận đánh ác liệt trên sông Gianh 60 năm trước trò chuyện với những người lính Hải quân ở Cảng vụ 133

Các cựu chiến binh tham gia trận đánh ác liệt trên sông Gianh 60 năm trước trò chuyện với những người lính Hải quân ở Cảng vụ 133

Do chuẩn bị từ trước nên bộ đội ta không bất ngờ. Tàu trực ban rời cảng trước, các tàu 161,167,173,175,177,181, 183 thuộc phân đội 5, 6, 7 thuộc Khu tuần phòng 5 Hải quân do các đồng chí phân đội trưởng chỉ huy nhanh chóng dàn thành đội hình chiến đấu trên sông Gianh để đánh trả máy bay giặc Mỹ.

Bộ đội ta trên các tàu anh dũng kiên cường, bình tĩnh vừa chiến đấu đánh trả máy bay giặc Mỹ vừa lái tàu khi tiến, khi lùi, khi sang phải, qua trái, lúc nhanh, chậm tránh bom đạn của địch từ trên không nhằm hạn chế tối đa thương vong của bộ đội, bảo vệ được hạm tàu.

Máy bay địch gầm rú, tiếng bom đạn nổ, mùi thuốc súng, bom đạn khét lẹt, khói lửa bốc lên cao, đen ngòm phủ kín cả bầu trời, mặt đất và dòng sông Gianh.

Ở trên bờ, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Cảng vụ trưởng và Chính trị viên cảng Gianh, bộ đội đã nhanh chóng cơ động ra trận địa đánh trả máy bay giặc Mỹ. Trung sĩ Chuẩn, xạ thủ khẩu 14,5 ly hiệp đồng chặt chẽ với đồng đội đợi khi máy bay địch bổ nhào xuống thấp cắt bom thì đồng loạt nổ súng bắn vào đầu máy bay của địch.

Các đồng chí ở bộ phận tham mưu luôn theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của máy bay địch và di chuyển của tàu ta báo cáo chỉ huy kịp thời xử lý.

Ngay trên di tích cầu cảng sông Gianh, những người lính Hải quân năm xưa hào hứng kể lại trận đầu chiến thắng 5/8/1964

Ngay trên di tích cầu cảng sông Gianh, những người lính Hải quân năm xưa hào hứng kể lại trận đầu chiến thắng 5/8/1964

Đi cùng ông Trí và chúng tôi thăm lại quân cảng Gianh bây giờ chỉ còn lại vài mố trụ rêu phong ở giữa dòng Gianh, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Vầy, năm nay hơn 80 tuổi ở phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn kể lại: “Lúc đó, trước sự ác liệt của trận đánh, tôi là hạ sĩ, cùng với những đồng đội khác ở bộ phận báo vụ đã di chuyển máy móc thông tin liên lạc lên động cát phía tây bắc xóm Tân Mỹ, phường Quảng Phúc hiện nay để làm việc, giữ vững thông tin liên lạc".

"Dưới làn bom đạn của địch, chúng tôi tập trung cao độ để dịch những bức điện khẩn mật bằng tín hiệu “tích-tè” đi và đến để chỉ huy nắm được tình hình, đề ra phương án đánh địch tối ưu nhất”, ông Nguyễn Xuân Vầy nói thêm.

Trở lại với dòng hồi tưởng của trung sĩ Lê Văn Trí: “Máy bay của địch liên tục trút bom đạn không ngớt xuống doanh trại, cầu cảng, kho bãi, đốc tàu; đạn của ta ở dưới bắn lên dày đặc từ Tân Mỹ, cửa sông Gianh, sang Thanh Khê".

Trong cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và máy bay địch đó còn có sự góp sức của lực lượng tự vệ Xí nghiệp đánh cá Sông Gianh, Đồn biên phòng cửa Gianh, dân quân địa phương trong chiến đấu, vận chuyển liệt sĩ, thương binh từ tàu vào bờ, tiếp tế đạn dược cho bộ đội trên tàu.

Các thế hệ người lính Hải quân chụp ảnh lưu niệm trên di tích quân cảng sông Gianh

Các thế hệ người lính Hải quân chụp ảnh lưu niệm trên di tích quân cảng sông Gianh

Trận đánh này ta đã bắn rơi 2 chiếc máy bay phản lực Mỹ: một chiếc rơi ở ngoài khơi cách làng Lý Hòa, huyện Bố Trạch khoảng 30km, một chiếc rơi ở phía tây huyện Bố Trạch, cách cửa sông Gianh khoảng 50km.

Bị đánh trả quyết liệt, máy bay địch buộc phải rút về căn cứ phía biển. Đến chiều cùng ngày thì trận đánh kết thúc. Bầu trời, dòng sông và làng mạc trở lại bình yên.

Bên cầu cảng của Hải quân năm nào, họ ao ước những chiến sĩ Hải quân sông Gianh đánh thắng trận đầu máy bay giặc Mỹ ngày 5/8/1964 được một lần gặp lại nhau đầy đủ để cùng hàn huyên chuyện cũ.

Để bảo vệ lực lượng, chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo, các tàu của bộ đội được lệnh sơ tán lên các xã phía trên sông Gianh, tàu ép sát vào các gốc cây to sát bờ ngụy trang kín để tránh máy bay trinh sát của địch phát hiện.

Bộ đội thức trắng đêm để củng cố công sự, trận địa; sửa chữa một số đoạn ống dẫn dầu bị hỏng, xưởng cơ khí, đốc tàu, doanh trại hư hỏng, bị cháy.

“Trên cầu của quân cảng Gianh, khi màn đêm buông xuống vắng bóng những con tàu, doanh trại không còn tiếng nói cười của bộ đội. Duy nhất chỉ có một chiếc canô của đơn vị xuyên đêm tuần tra canh gác trên sông, bảo vệ cầu cảng, doanh trại…”, vẫn theo lời kể ông Trí.

Sau 60 năm trận đầu chiến thắng ấy và gần 50 năm nước nhà thống nhất, cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Dòng sông Gianh lịch sử vẫn mải miết chảy về xuôi, đưa phù sa về phủ xanh tươi làng xóm, bờ bãi. Phía cuối hạ nguồn, cửa Gianh tấp nập tàu thuyền vào ra.

Trong câu chuyện với chúng tôi ngay bên trận chiến sinh tử 60 năm trước nơi cửa biển này, những người lính hải quân quả cảm năm xưa như Lê Văn Trí, Nguyễn Xuân Vầy và Trần Chí Sỹ luôn xúc động khi nhắc tới những đồng đội hy sinh hoặc bị thương giờ người còn người mất.

Lễ tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu (2 và 5/8/1964-2 và 5/8/2024) tại bia di tích sông Gianh.

Lễ tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu (2 và 5/8/1964-2 và 5/8/2024) tại bia di tích sông Gianh.

Họ cũng không quên sự đùm bọc, che chở của nhân dân xóm Tân Mỹ, xóm Quán, xóm Trà trong những ngày đóng quân ở Khu tuần phòng 5 Hải quân bên cảng Gianh.

Bên cầu cảng của Hải quân năm nào, họ ao ước những chiến sĩ Hải quân sông Gianh đánh thắng trận đầu máy bay giặc Mỹ ngày 5/8/1964 được một lần gặp lại nhau đầy đủ để cùng hàn huyên chuyện cũ.

Thời gian qua đi song trận đánh và chiến thắng trận đầu của bộ đội Hải quân Việt Nam và quân, dân trên sông Gianh không phai mờ trong tâm trí họ và trong lòng nhân dân hai bờ sông Gianh.

HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ky-uc-chien-thang-tran-dau-tren-song-gianh-post822238.html