Ký ức chiến tranh: Vào trận - P19
Công sự chiến đấu của chúng tôi hình chữ Z. Một người cửa trước, một người cửa sau. Khi pháo binh hoặc không quân địch phản kích thì chui xuống công sự. Nếu địch lọt vào trận địa như hôm ở vườn nhà má Tám bên An Thuận thì tổ chức tác chiến ngay theo phương án. Dưới hầm, có sẵn một can nước lã 5 lít để uống cả ngày. Cơm trưa, nuôi quân nắm từ sáng mang theo khi vào trận (bấy giờ không có lương khô).
Tám giờ sáng, cái công thức bom pháo quen thuộc bắt đầu được lặp lại. Chúng tôi ngồi chịu trận như thế cả tiếng đồng hồ. Ai may mắn thì thoát, không may trúng bom, pháo thì hy sinh hoặc bị thương. Nhiều trái pháo nổ cách công sự vài ba mét làm rung chuyển cả hầm. Tiếng rít, tiếng nổ chát chúa, lộng óc. Sau trận mưa bom pháo ấy, bộ binh địch lại mò vào. Ta nổ súng, đánh bật ra. Chúng lại tiếp tục dội bom, pháo; trực thăng phóng hỏa tiễn rồi vãi đạn đại liên như vãi trấu. Cứ như vậy chúng tôi gồng mình lên đội bom pháo cả ngày hôm đó. Hình như kẻ địch không có chủ trương chiếm lại đất mà chủ yếu thăm dò, phát hiện lực lượng ta rồi dùng hỏa lực hủy diệt. Hôm ấy, Tiểu đoàn 9 thương vong khá nặng nề. Đồng chí Thiên, cán bộ tiểu đoàn cũng hy sinh.
Những trận mưa đầu mùa mưa năm 1972 đã bắt đầu trút xuống. Chúng tôi phải lặn ngụp trong công sự nước lên tới cằm. Pháo bắn gần, nhiều công sự bị sập. Anh em bị thương không có chỗ khô ráo trú ẩn. Do vậy, đa phần các đồng chí này đều hy sinh sau đó không lâu vì bị nhiễm trùng bởi không chuyển viện kịp thời do bị địch phong tỏa. Chúng tôi không đủ sức cầm cự nữa. Nhưng lệnh của Trung đoàn là phải bám trụ để chia lửa cho các chiến trường khác, nhất là chiến trường B5-Quảng Trị. Nơi chúng tôi tác chiến, cách Sài Gòn khoảng 30 dặm bay, uy hiếp trực tiếp đến an nguy đô thành Sài Gòn nên dù thế nào địch cũng quyết không để ta đứng chân ở đó được. Bằng mọi giá, chúng phải đẩy bật ta ra khỏi địa bàn. Nên việc ưu tiên bom pháo cho chiến trường này là một bức thiết của Mỹ - ngụy. Sau này, chúng tôi mới hiểu ý đồ chiến thuật của cấp trên là "tất cả cho chiến dịch" nên dù phải hy sinh tất cả cũng phải bám trụ đến cùng.
Đơn vị không còn đủ sức đứng vững ở địa bàn này thêm một ngày nào nữa, vì tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch. Tần suất và cường độ bom đạn nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Chiến sự ngày càng ác liệt hơn. Đúng như tên gọi "Mùa hè đỏ lửa". Vả lại, mùa mưa đã bắt đầu đến. Phải bảo toàn lực lượng còn lại khi không còn khả năng tác chiến. Trung đoàn lệnh rút quân lên Ba Thu, chuyển hướng mặt trận sang Phum Sâu, Công Pông Rồ, Long Khốt, Mộc Hóa tỉnh Kiến Tường cũ (Mộc Hóa ngày nay là một cửa khẩu quốc tế quan trọng giữa ta và Campuchia).
Như vậy, sau gần ba tuần giao chiến với các sư đoàn quân ngụy như sư 5, sư 25 "Tia chớp nhiệt đới", các tiểu đoàn bảo an, địa phương quân của chi khu Đức Hòa cùng đại đội thám sát 773 ác ôn và thiện chiến của tiểu khu Hậu Nghĩa với tổn thất rất nặng nề từ cả hai phía, chúng tôi được lệnh rời khỏi mặt trận để bảo toàn lực lượng ít ỏi còn lại...
(Còn nữa)
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-chien-tranh-vao-tran-p19-a19049.html