Ký ức chiến tranh: Vào trận - P34
Cuối năm 1976, Ân được phục viên. Một thời gian sau khi về địa phương, Ân được tín nhiệm làm trưởng công an xã. Được biết cậu ta cũng 'oách' và được việc lắm. Tuy nhiên hay lên mặt, cửa quyền, làm khó dễ dân.
Một lần gặp Ân (những năm 80), tôi nửa đùa, nửa thật: "Nghe nói mày hay làm khó dễ dân lắm phải không? Đừng làm bộ. Ngày xưa chiến đấu ở chiến trường mà mày "to mồm" được như hôm nay thì chúng tao được nhờ". Hắn chỉ gãi đầu cười nhăn nhở. Đã lâu, tôi không gặp Ân vì cậu ta đã đưa cả gia đình vào Tây Nguyên định cư, làm ăn trong đó rồi...
Phía sau ấp, chỗ chúng tôi đứng chân chống càn, có một cái ruộng rất lớn và sâu, vừa trồng lúa vừa nuôi cá tự nhiên. Ngày hôm đó, nhiều trái pháo rớt vào ruộng nên cá chết hết. Cá nhiều đến nỗi, chỉ cần thò tay xuống là chạm phải một lớp cá chết đè lên nhau chừng một gang tay trên mặt bùn. Tôi và mấy người nữa nhặt đầy 2 bao tải, toàn cá lóc, cá sặt, thát lát, cá trê... loại bự. Nhưng vì đại đội hy sinh mất 4 đồng chí và 5 đồng chí khác bị thương nên chúng tôi phải bỏ bớt đi cho nhẹ. Tuy vậy, vẫn phải cố gắng mang theo để đáp ứng cho nhu cầu chiến đấu vì thực phẩm không còn…
Tôi được giao giữ hỏa lực B40 ngay sau khi thôi làm y tá ở D8. Khẩu B40 mà tôi đang giữ đã qua tay nhiều đồng đội, họ đã lập nhiều chiến công xuất sắc; đã từng bắn cháy nhiều xe tăng, tàu chiến, phá hủy nhiều lô cốt và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Nhưng hầu hết các chủ nhân của nó trước đó đã hy sinh hoặc bị thương. Tôi biết rõ giữ loại hỏa lực này là hết sức nguy hiểm. Trong chiến đấu, chỉ cần bắn một trái là lộ mục tiêu ngay. Bởi khi bắn, khói trắng phụt ra rồi cuộn lên mù mịt. Và đó là mục tiêu rõ nhất để địch tập trung hỏa lực tiêu diệt. Bọn địch khiếp sợ B40 nên khi tác chiến, chúng tìm mọi cách xóa sổ bằng được thứ hỏa lực lợi hại này. Bấy giờ, tôi đang được chi bộ tiếp tục thử thách để chuẩn bị kết nạp Đảng. Tôi được công nhận đối tượng Đảng từ tháng 5 năm 1972 (nếu không có sự cố ném tổ ong để ong đốt đồng đội ở trạm 94 trên đường Trường Sơn thì tôi đã được kết nạp Đảng sau những trận đánh đầu tiên rồi). Sau này đã làm hồ sơ, nhưng vì cứ bị thương, đi viện nên gián đoạn. Sau đó lại chuyển sang đơn vị khác, do vậy vẫn chưa có cơ hội kết nạp. Tôi vui vẻ nhận vũ khí, mặc dù bấy giờ tôi rất nhỏ con, sức vóc yếu hơn rất nhiều so với các đồng chí khác.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi liên tục hứng chịu các đợt càn quét lấn chiếm của Sư đoàn 25 ngụy với nhiều tổn thất và thương vong nặng nề.
Tôi không thể nào quên một kỷ niệm đau buồn trong chiến dịch này. Đó là sự hy sinh của đồng đội Lê Văn Tùy, quê ở xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh (hồi đó Tùy nói với tôi là xã Xuân Hoa). Hôm đó, trùng ngày mùng 3 tháng 2 năm 1973 (thành lập Đảng), sau nhiều ngày đột kích nhưng địch không thể chọc thủng phòng tuyến của ta. Hôm đó, tôi và Tùy chung một công sự. Tôi giữ B40 nên đứng cửa sau. Tùy AK, cửa trước. Sau trận mưa pháo dữ dội, địch tổ chức phản kích. Ta đánh bật ra. Chúng lại điệp khúc cái công thức cũ rích là gọi máy bay dội bom và tiếp tục dội pháo vào trận địa. Rồi bộ binh lại liều lĩnh mò vào; ta lại đánh bật ra… cứ như thế. Gần trưa, chiến sự bỗng im ắng. Nghe im lặng, Tùy đứng dưới hầm thò đầu lên quan sát địch. Bỗng… "đòm...!", một tiếng súng mồ côi khô khốc vang lên từ ngôi nhà chếch phía tay phải, cách chúng tôi chừng 50 - 60 mét. Tôi chợt nghe Tùy "hự" một tiếng nhỏ, rồi thụp xuống trong hầm. Tôi hỏi: "Gì vậy Tùy?". Không có tiếng trả lời, tôi liền khom lưng nhìn xuống. Trời…! Một dòng máu chảy tràn trên mặt Tùy. Tôi lao đến. Tùy đã tắt thở. Thì ra, mải quan sát địch phía trước không để ý phía tay phải của mình, một tên lính đã bí mật bò vào nhà, kê súng lên cửa sổ ngắm, chờ lúc Tùy quay mặt sang liền bóp cò. Viên đạn AR15 xuyên từ hõm mũi ra sau gáy, Tùy chết tức khắc, không nói với tôi được câu nào. Tôi ôm lấy Tùy nấc không thành tiếng, nước mắt thấm ướt vai áo Anh. Tôi kéo người đặt Tùy nằm cho thẳng dưới hầm, vuốt mắt rồi bắt hai tay lên bụng. Máu lênh láng dưới thi thể Tùy. Lần này, chỉ có tôi và Tùy nên tôi để anh nằm thẳng được chứ không như hồi tháng 5-1972, lúc anh Chương bị bom hy sinh, phải để ngồi dựa vào thành hầm. Tôi với tay lấy khẩu AK và mấy băng đạn của Tùy rồi trở về vị trí chụp mũ tai bèo lên đầu, đẩy cành lá ngụy trang dần lên để che mắt địch rồi căng mắt quan sát. Tuy nhiên, sau phát súng ấy đến chiều không có đợt phản kích nào của địch nữa. Nếu chúng phản kích, một mình tôi sẽ khó lòng chống đỡ nổi.
Tôi biết, ngày nhập ngũ Tùy đã có một đứa con trai vì có lần cậu ta kể với tôi. Cậu con trai của Tùy năm nay chắc khoảng 35 hay 36 tuổi rồi (!?). Đêm đó, mọi người phải dỡ nóc hầm mới đưa được Tùy lên, vì thi thể Anh đã lạnh cứng như khúc gỗ. Trước khi mai táng Tùy, chúng tôi dốc ba lô ra. Tùy còn 2 lạng mỳ chính mang vào từ hồi ở Bố Trạch, Quảng Bình. Chúng tôi ghi tên tuổi, địa chỉ vào giấy rồi cuộn tròn bỏ vào lọ thủy tinh, nút chặt lại buộc nilon bên ngoài, giắt vào túi áo; cùng với mỳ chính, dao găm, bi đông, túi thuốc cá nhân... Tất cả được chôn theo. Không rõ giờ đây, hài cốt Tùy đã được đưa vào nghĩa trang hay chưa? Đã 33 năm có lẻ!...
Cán bộ tiểu đoàn lần lượt hy sinh gần hết. Cán bộ đại đội thay thế. Tương quan lực lượng giữa ta và địch ngày càng chênh lệch. Danh sách thương vong ngày một dày thêm. Theo lệnh cấp trên, chúng tôi vẫn buộc phải bám trụ, giữ đất, giành dân. Tuy nhiên, đất thì bom cày đạn xới hoang tàn. Dân thì di tản về Đức Hòa, Hậu Nghĩa và vùng hậu địch. Đối với chúng tôi, Tân Phú trở thành một bãi chiến trường xơ xác bởi đạn bom với những tổn thất nặng nề không thể bù đắp. Hình ảnh ấy mãi khắc sâu trong ký ức của mỗi người lính C2-D8-E 271 chúng tôi trong chiến dịch lịch sử bảo vệ Hiệp định Paris năm 1973!
Trận đánh cuối cùng của chiến dịch này trong đợt 1 diễn ra vào ngày 20 tháng 2 năm 1973. Như vậy là gần một tháng trời kiên cường bám trụ, bất chấp hy sinh với những tổn thất nặng nề, chúng tôi dốc toàn lực để đánh trận cuối. Ngày hôm đó cũng như mọi hôm, địch lại nống ra thăm dò rồi dùng bom pháo, trực thăng khống chế, tiêu diệt chúng tôi. Liên tiếp những trận phản kích của địch. Mỗi khi chúng bị đánh bật ra là lại liên tiếp các phi vụ oanh tạc của chiến đấu cơ AD6 và A37 cùng những trận mưa pháo và cối 81 ly của chúng. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm tác xạ hỏa lực B40. Trước khi bắn, lợi dụng địa hình rồi vận động ra khỏi công sự, chọn vị trí thích hợp, nhắm vào mục tiêu co cụm hoặc hỏa lực của địch, nổ súng rồi nhanh chóng ôm B40 lăn mấy vòng, trườn nhanh trở về công sự để tránh hỏa lực địch phản kích. Nhờ vậy, tôi tránh được thương vong. Đại đội tôi hy sinh thêm 6 người trong đó có anh Trọng (quản lý đại đội), quê Nam Đàn, Nghệ An. Trung đội trinh sát D8 phối thuộc với đại đội chúng tôi hy sinh chỉ còn lại 3 người. Tối hôm đó, cáng thương binh ra “cứ”, ba đồng chí trinh sát còn lại dẫn đường lại đụng phải ổ phục kích của địch. Cả ba đều hy sinh. Mấy đồng chí bị thương nằm trên cáng cũng chung số phận. Số ít sống sót còn lại phải mở đường máu để ra “cứ”.
Như vậy, đến thời điểm này, chúng tôi hoàn toàn không còn khả năng chiến đấu nữa. Buộc phải rút lui chiến thuật để bảo toàn lực lượng còn lại.
(Còn nữa)
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-chien-tranh-vao-tran-p34-a19412.html