Ký ức chiến trường Vị Xuyên: Máu và lửa giữa tháng Bảy năm ấy

Tháng Bảy về, lòng người lại hướng về những người đã ngã xuống vì độc lập Tổ quốc. Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, chúng tôi trở lại với những ký ức máu lửa của mặt trận Vị Xuyên nơi tuổi trẻ được hun đúc giữa khói đạn và hy sinh.

Chiến dịch MB84, máu hòa với đá nơi biên cương

Giữa tiếng pháo rền vang và khói đạn mịt mù của núi rừng biên giới Hà Giang (cũ), ký ức của những người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên vẫn cháy âm ỉ như than hồng dưới lớp tro bụi thời gian. Họ là những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi, bước ra từ thao trường, chưa kịp biết đến yêu thương mà đã dấn thân vào giữa ranh giới sống, chết.

Cựu chiến binh Bùi Triển Vọng (bên phải) cùng đồng đội cựu quân y Đào Mạnh Chung kể về những ngày chiến đấu ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên.

Cựu chiến binh Bùi Triển Vọng (bên phải) cùng đồng đội cựu quân y Đào Mạnh Chung kể về những ngày chiến đấu ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên.

Tại căn nhà nhỏ ở phường Nam Cường, tỉnh Lào Cai, cựu chiến binh Bùi Triển Vọng nguyên chiến sĩ Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 vẫn lưu giữ tấm bản đồ trận địa, sổ tay ghi chép các trận đánh và cả những tấm ảnh đồng đội giờ chỉ còn là ký ức.

Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt chống quân xâm lược, diễn ra trong suốt 10 năm (1979-1989), đặc biệt trong giai đoạn từ 1984-1989. Trong đó, nhiều trận đánh giành, giữ đất của quân và dân ta diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm: 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích... Hơn 4000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn trong số họ mới trên dưới 20 tuổi.

Lật từng trang, ông như sống lại những tháng ngày dữ dội nhất của đời lính. “Ngày 12/7/1984, trong chiến dịch Chiến dịch MB84 đơn vị tôi đánh vào cao điểm 772,” ông Vọng nhớ lại. Đêm 11/7, cả trung đoàn hành quân xuyên rừng, men suối cạn để áp sát vị trí tập kết. Đến rạng sáng, đội hình chạm lưới lửa của địch.

“Phía trước là pháo, sau lưng là dốc đá. Không thể lùi. Chúng tôi chỉ biết xông lên,” ông Bùi Triển Vọng kể.

Cựu chiến binh Vũ Tuấn Khanh, chiến sĩ Sư đoàn 356, chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng về ký ức chiến trường Vị Xuyên.

Cựu chiến binh Vũ Tuấn Khanh, chiến sĩ Sư đoàn 356, chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng về ký ức chiến trường Vị Xuyên.

Trong chiến hào, họ chiến đấu như những người anh em ruột thịt, dù có người chưa kịp biết tên nhau. “Thanh hy sinh ngay trong hầm, có người bị thương cụt tay, cụt chân vẫn cố giữ súng. Không ai khóc, chỉ có tiếng hô xung phong át cả tiếng pháo”, ông nghẹn ngào.

Là chiến sĩ hỏa lực, ông Vọng cùng tổ của mình yểm trợ từ phía sau, bắn theo cảm giác vì địa hình hiểm trở không cho phép quan sát rõ mục tiêu. “Không nhìn thấy địch, nhưng vẫn phải bắn, để không ai bị bỏ lại. Đến gần trưa, khi hỏa lực địch quá mạnh, lệnh rút được phát nhưng không thể thoát vì tuyến lùi bị pháo cày nát. Cả đơn vị buộc phải bám trụ đến đêm khuya, lặng lẽ rút về cứ điểm 300.

Lúc quay đầu, tôi thấy sườn núi lấm tấm màu áo xanh. Nhiều người nằm lại, không kịp mang theo vũ khí”, ông trầm giọng.

Các cựu chiến binh tỉnh Yên Bái (cũ) tri ân đồng đội tại mặt trận Vị Xuyên.

Các cựu chiến binh tỉnh Yên Bái (cũ) tri ân đồng đội tại mặt trận Vị Xuyên.

Trận ấy, tiểu đội 11 người chỉ còn 4 sống sót, chính trong những giờ phút khốc liệt đó, người lính trẻ đã trưởng thành không phải bằng lý thuyết, mà bằng máu và sự mất mát không lời.

Tháng 5/1985, trong một lần vận chuyển đạn, ông Vọng bị pháo địch đánh trúng. Mảnh đạn găm vào đầu, mặt, tay chân. Tỉnh lại, máu vẫn chảy ở mặt, nhưng đau đớn nhất là khi biết bao người không bao giờ tỉnh lại nữa. Bất tỉnh tại chỗ, ông được đồng đội cáng ra khỏi chiến trường trong đêm. Khi tỉnh lại ở Viện Quân y, ông biết mình đã sống nhưng thương tật 71% là cái giá không hề nhẹ,” ông lặng đi.

Cắt chân rồi siết cò nhả đạn về phía địch

Cùng thời điểm ấy, cựu quân y Đào Mạnh Chung (SN 1965), nhập ngũ đầu tháng 3/1984, làm nhiệm vụ tại Viện Quân y. Tuy không trực tiếp tham chiến, nhưng ông là người tiếp nhận những ca thương binh nặng nhất từ trận địa. “Nhiều chiến sĩ bị đứt lìa chân tay, bỏng phốt pho, ruột lòi ra. Có người sống được nhờ chúng tôi chụp bát vào bụng để chống nhiễm trùng”, ông kể. Trong đó có cả thương binh Bùi Triển Vọng mất 20cm ruột, thoát chết nhờ sơ cứu kịp thời.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương, quê Thái Bình bị pháo nổ dập nát 2/3 chân phải (đứng bên trái)

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương, quê Thái Bình bị pháo nổ dập nát 2/3 chân phải (đứng bên trái)

“Hồi đó, không đủ giường, thương binh phải nằm tạm ở lâm trường, nhà dân. Trong nhóm bạn chiến đấu của ông, nhiều người nằm lại vĩnh viễn nơi khe đá tại cứ điểm 772.

Gần 40 năm trôi qua, nhưng ký ức khốc liệt vẫn hằn sâu trong tâm trí cựu chiến binh Vũ Tuấn Khanh, chiến sĩ Sư đoàn 356. Trong trận đánh ngày 12/7/1984, ông chứng kiến một cảnh tượng ám ảnh đến tận cùng đồng đội Nguyễn Văn Chương, quê Thái Bình bị pháo nổ dập nát 2/3 chân phải.

“Khi đó chiến sĩ Chương không chờ được ai, tự rút xẻng bộ binh cắt luôn phần chân. Mặt không biến sắc, máu chảy nhiều, Chương buộc vết thương bằng dây lưng rồi lết về đại liên”, ông Khanh kể, giọng lạc đi. Chương nói với đồng đội: “Tao còn bắn được, đừng lo cho tao, và anh đã siết cò, bắn chặn bộ binh địch, mở đường cho đơn vị rút lui”, ông Khanh nghẹn ngào nói. "Chúng tôi còn sống là để kể lại cho thế hệ sau rằng, những người lính năm xưa đã ngã xuống không chỉ vì một cứ điểm, mà vì từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc".

Đối với ông Khanh, ký ức chiến trường không phải để bi thương, mà để nhắc nhớ về lòng dũng cảm, sự hy sinh và tình đồng đội vượt qua cả sống chết. Để rồi, mỗi lần trở lại Vị Xuyên, ông lại thì thầm: “Chúng tôi đã trở về nhưng một phần thân thể và tâm hồn, mãi mãi ở lại nơi này”.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương lòng của những người lính trận không dễ gì lành sẹo. Vũ Tuấn Khanh, Bùi Triển Vọng, quân y Đào Mạnh Chung năm nay đã ngoài sáu mươi. Mỗi năm, ông vẫn cùng đồng đội cũ lặng lẽ trở lại Vị Xuyên vào ngày tháng 7 ngày mà bao chiến sĩ Sư đoàn 356 đã ngã xuống trên các điểm cao như 772, 685, 233, 1509…

Hà Thắng

Anh Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ky-uc-chien-truong-vi-xuyen-mau-va-lua-giua-thang-bay-nam-ay-192250723180637485.htm